Tìm hiểu về tự kỷ giúp chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt hơn những yếu tố thú vị đặc trưng của con người. Bài viết này sẽ mang đến góc nhìn về mối liên hệ giữa tự kỷ và các vấn đề về cảm xúc.
Định kiến về cảm xúc của người tự kỷ
Xã hội thường cho rằng người tự kỷ thiếu sự thấu cảm với người khác và không hiểu cảm xúc. Mặc dù đúng rằng nhiều người tự kỷ không biểu lộ cảm xúc theo cách người bình thường có thể nhận ra và hiểu được, nhận định rằng người tự kỷ nói chung thiếu sự thấu cảm và không nhận ra cảm xúc là sai lầm. Quan điểm này không chỉ làm ảnh hưởng tới tư duy nhận thức về người tự kỷ và tới mối quan hệ giữa người với người, mà còn gây tác động không nhỏ tới việc hỗ trợ người tự kỷ một cách hiệu quả.
Khi phỏng vấn những người tự kỷ có ngôn ngữ, một số cho biết họ trải nghiệm lượng thấu cảm tương đồng hay thậm chí nhiều hơn hẳn mức độ ở người bình thường. Một số khác thì đồng ý rằng họ gặp nhiều khó khăn với cảm xúc và thấu cảm.
Chứng “mù cảm xúc”
Sự khác biệt này bắt nguồn từ việc một số người tự kỷ mắc chứng “mù cảm xúc” (alexithymia). Trạng thái này bao gồm gặp khó khăn hoặc thiếu khả năng nhận dạng hoặc miêu tả các cảm xúc bản thân hoặc người khác trải nghiệm. Nói chung, 50% người tự kỷ và 10% tất cả dân số bị mù cảm xúc ở một mức độ hoặc khía cạnh nào đó.
Nền tảng của cảm xúc
Sự thấu cảm đối với nỗi đau của người khác được nghiên cứu dựa trên 4 nhóm người: nhóm tự kỷ mù cảm xúc, nhóm tự kỷ không mù cảm xúc, nhóm mù cảm xúc nhưng không tự kỷ, và nhóm không tự kỷ và không mù cảm xúc. Kết quả cho thấy rằng những người tự kỷ không mù cảm xúc biểu lộ sự thấu cảm ở mức thông thường, trong khi những người mù cảm xúc, bất kể họ tự kỷ hay không, đều thấu cảm ít hơn bình thường.
Một khía cạnh khác cũng được nghiên cứu là nhận dạng cảm xúc thông qua khuôn mặt phụ thuộc một phần vào thông tin từ mắt và miệng. Tự kỷ là một thách thức về tương tác xã hội, vậy nên người tự kỷ thường tránh giao tiếp mắt. Điều này có thể gây khó khăn cho họ trong việc nhận dạng cảm xúc ở người khác. Cả 4 nhóm người kể trên được cho xem các đoạn phim và có công nghệ theo dõi chuyển động mắt của người xem để xác định xem họ nhìn cụ thể chỗ nào khi xem.
Mối liên hệ giữa tự kỷ và các vấn đề về cảm xúc
Kết quả là những người tự kỷ cho dù có mắc chứng mù cảm xúc hay không đều dành ít thời gian nhìn các khuôn mặt hơn những người không tự kỷ. Tiếp đến, mỗi khi những người tự kỷ không mù cảm xúc nhìn các khuôn mặt, họ đều quét đôi mắt và miệng của các nhân vật trên phim theo cách thức tương tự như người bình thường. Trái lại, những người mù cảm xúc, cho dù họ tự kỷ hay không, quan sát các khuôn mặt trong một khoảng thời gian điển hình, nhưng quét đôi mắt và miệng theo một cách thức khác hẳn bình thường. Cách thức quét khuôn mặt khác thường này có liên quan tới các khó khăn đối với cảm xúc.
Các kết quả này là minh chứng mạnh mẽ bác bỏ nhận định rằng tự kỷ làm suy yếu chức năng thấu cảm và hiểu cảm xúc. Cái người tự kỷ cần từ mọi người xung quanh là sự thông cảm đối với các khó khăn trong tương tác xã hội của họ, và hỗ trợ họ ở khía cạnh này.
– Tư vấn viên Dương Mạnh Quân –
Xem thêm các bài viết cùng tác giả: Trị liệu làm giàu cảm giác cho sự phục hồi não bộ ở trẻ tự kỷ
One Reply on “Tự kỷ và Các vấn đề về cảm xúc”