Các phản ứng chạy trốn, chống trả hay đóng băng bẩm sinh của chúng ta là những phản ứng tự động giúp chúng ta đối phó khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm. Khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa, các cơ chế nằm dưới vỏ não này sẽ tự động được kích hoạt. Khi được kích hoạt, cơ thể chúng ta trải qua sự gia tăng kích thích sinh lý và căng thẳng cơ bắp, giúp đẩy nhanh khả năng thoát khỏi mối đe dọa nhận thức được và/ hoặc chuẩn bị cho cơ bắp của chúng ta tham gia chống trả.
Khi chúng ta không thể di chuyển ra xa hoặc tấn công lại, để đối phó với một cái gì đó nguy hiểm, chúng ta chỉ còn sự lựa chọn là đóng băng. Phản ứng đóng băng là thời điểm mà một người trở nên dễ mắc các rối loạn căng thẳng do sang chấn. Sự bất động của phản ứng đóng băng là một phản ứng không toàn vẹn đối với nguy hiểm. Khi một người bị đóng băng bởi nỗi sợ hãi như một phương tiện để tồn tại, cơ thể thường ở trong trạng thái tăng huyết áp và kích thích sinh lý cao độ có thể vẫn tiếp tục cả khi cơn nguy hiểm đã qua đi.
Câu chuyện từ cô bé Kylie
Những dấu ấn còn lại trên cơ thể của trải nghiệm sang chấn trở nên rất rõ ràng đối với tôi vào ngày tôi gặp “Kylie”, một bé gái 9 tuổi được cha mẹ đưa đến đánh giá do lo ngại về những khó khăn của cô bé với xử lý cảm giác. Tôi nhớ rất rõ ngày tôi mở cửa phòng khám để chào đón Kylie và nhìn thấy vẻ mặt của cô không như tôi mong đợi. Cô bé giống như một con vật sợ hãi không ngừng quét môi trường xung quanh để tìm các mối nguy hiểm. Đôi mắt cô mở to như thể cô cần tiếp thu mọi thông tin và cơ thể cô cứng nhắc- không phải ở tư thế giãn thoải mái, mà đang cuộn tròn để bảo vệ mình khỏi một mối đe dọa vô hình nào đó.
Tôi bắt đầu hiểu được phản ứng của cô bé này khi phỏng vấn mẹ cô và được tiết lộ rằng cô đã được nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Không có thông tin về cha mẹ đẻ hay tiền sử ra đời vì cô được tìm thấy trên đường phố với dây rốn vẫn còn nguyên. Điều này bắt đầu giải thích cho vẻ ngoài bị đóng băng vì sợ hãi của cô. Mối quan tâm chính của cha mẹ cô ấy là tìm hiểu sâu hơn để hỗ trợ những phản ứng bất thường của cô ấy đối với cảm giác, cũng như xu hướng không giải thích được đối với các hành vi tự làm hại bản thân mới xuất hiện gần đây.
Các cơ chế phòng vệ của chúng ta không được kiểm soát bởi phần nhận thức của não bộ của chúng ta
Khi làm việc với trẻ có thách thức về xử lý cảm giác và điều chỉnh cảm giác, tôi thường gặp thấy chúng có các trải nghiệm sang chấn. Điều tôi hiểu được thông qua đào tạo nâng cao hơn trong lĩnh vực sang chấn là lĩnh vực xử lý cảm giác và điều chỉnh cảm giác trùng lặp như thế nào với lĩnh vực sang chấn do căng thẳng tột độ và lĩnh vực sang chấn phát triển.
Một trong những phần lý thuyết chính về sự trùng lặp giữa điều chỉnh cảm giác và sang chấn là sự hiểu biết về cơ chế hoạt động của cơ thể để tồn tại và phòng vệ. Cơ chế bảo vệ của chúng ta không được kiểm soát bởi phần nhận thức của não bộ. Thay vào đó, những mô hình bảo vệ bẩm sinh này bắt nguồn từ các cơ chế chính phía dưới vỏ não của chúng ta. Khi các cấu trúc dưới vỏ não này được kích hoạt, chúng ta trải nghiệm các phản ứng sinh lý và cơ bắp được lập trình trước của cơ thể về chạy trốn và chống trả.
Khi những phản ứng này không đủ để giải quyết tính chất nguy hiểm của mối đe dọa, thì chúng ta sẽ dùng đến chiến lược phòng thủ sơ khai nhất – ĐÓNG BĂNG.
Phản ứng đóng băng xảy ra khi chạy trốn hay chống trả bị loại bỏ vì cơ hội sống sót tốt nhất của cơ thể là đóng băng hoặc phục tùng. Điều này được biết đến nhiều trong thế giới động vật với thuật ngữ “giả chết” hay phản ứng giả chết. Trải nghiệm bất động hoặc “phản ứng đông cứng” trong một sự kiện đe dọa đến tính mạng là thành phần cơ bản tạo ra dấu ấn của sang chấn lên cơ thể.
Quay lại câu chuyện của “Kylie”, mặc dù sự sống còn của cô bé không bị đe dọa khi đến phòng khám của tôi, nhưng cơ thể và hệ thống vận động cơ thể của Kylie vẫn mang dấu ấn của sang chấn, điều đó dẫn đến thái độ và tư thế phòng thủ của cô. Tất cả các giác quan của Kylie đều hướng về sự phòng thủ và cảnh giác cao độ. Trạng thái kích thích của cô quá cao nên cô đã chuyển sang khép kín. Khép kín là cấp độ bảo vệ cao nhất của bộ não, khi một người thường mất kết nối với các cảm giác đến từ cơ thể của họ trong nỗ lực đối phó với những cảm giác và cảm xúc mạnh mẽ của cơ thể, dẫn đến tráng thái tự làm hại.
Bước đầu tiên của chúng tôi là tạo ra sự an toàn trong môi trường và mối quan hệ trị liệu
Điều trị cho một trường hợp như của Kylie bao gồm nhiều phương diện, điều này đòi hỏi xem xét quá trình xử lý giác quan thông qua các hiểu biết về sang chấn, và cùng điều trị với một nhà tâm lý học, người đã thành thạo trong việc hỗ trợ những người đã trải qua sang chấn.
Bước đầu tiên của chúng tôi khi làm việc với cô bé này là tạo ra sự an toàn trong môi trường, cũng như trong mối quan hệ trị liệu. Từ nền tảng này, một loạt các kỹ thuật vận động cảm giác sau đó đã được sử dụng để hỗ trợ cô điều chỉnh các kích thích, giải phóng một phần căng thẳng trong cơ thể và tìm kiếm sự ổn định và cân bằng thực sự trong cơ thể.
Các mối đe dọa có thể tạo nên sang chấn
Khi bạn nghe câu chuyện của Kylie, không khó để tưởng tượng rằng các tổn thương đầu đời sẽ tạo thành dấu ấn của sang chấn với các vấn đề về xử lý cảm giác và điều tiết kích thích sau đó. Là bác sĩ lâm sàng, chúng tôi cũng gặp những trẻ em không trải qua bất cứ sự kiện kinh hoàng nào, nhưng lại nhận thức các sự kiện hàng ngày như thể chúng thực sự là mối đe dọa đối với sức khỏe của chúng.
Các cơ chế tương tự trong não được kích hoạt trong một sự kiện gây quá tải ở những trẻ thể hiện phản ứng mạnh mẽ với các kích thích giác quan hàng ngày. Mặc dù không bị thế giới bên ngoài coi là tổn thương, nhưng tiếng chuông của trường học hoặc chuông báo cháy có thể tạo ra một chuỗi phản ứng rất giống nhau trong não ảnh hưởng đến chức năng của cuộc sống hàng ngày.
– Sheila Frick – Chuyên gia trị liệu và Nhà sáng lập Vital Links
-Gánh Xiếc biên dịch-
One Reply on “Điều chỉnh cảm giác và Sang chấn phát triển”