Ai cũng nói rằng, nhắc đến Gánh Xiếc là nhắc tới hai chữ “yêu thương”. Vậy những con người xa lạ như với các bạn nhỏ đến đây thì lấy đâu ra đủ yêu thương bây giờ?
Thực ra, nó đến lúc nào chẳng ai hay. Đúng như chúng ta nghĩ, yêu thương chẳng thể nào là một lúc, mà là một quá trình, một sự gắn bó đủ để ta nhận thấy rằng không cần gọi tên nó cũng tự nhiên nhất mà đến với ta. Khi đón chào một bạn nhỏ mới, các cô chú Gánh Xiếc cũng như bao người, là “những tờ giấy trắng”, chẳng thể biết rằng các bạn chưa thể nhìn, chưa thể nghe, chưa thể tiếp xúc. Có những ngày đầu tiên chưa gì đã bị ăn tát, ăn đạp đau điếng người, nhưng cũng có đấy những nụ người trên môi, hết giờ không muốn về vì mê chơi với cô chú quá! Cũng có những niềm vui đầu tiên khi bố mẹ gửi tin nhắn “Hôm qua A về ăn ngoan và đi ngủ sớm, lần đầu tiên bạn ngủ đến sáng mà không quấy khóc gì bố mẹ”. Tất cả được lưu lại trong ký ức từng người một, và đó là sự khởi đầu của một hành trình yêu thương.
Sự yêu thương nó ở đâu?
Nó đến từ đâu? Xa hay gần, tỏ tường hay khuất lấp?
Tôi chỉ có thể nói thế này: yêu thương ở ngay đây, khi ta mở lòng để đón nhận. Có những người bạn nhỏ khi đến Gánh Xiếc làm cô chú thấy yêu quý ngay từ những nụ cười ngọt ngào đầu tiên, những ánh mắt long lanh đầu tiên nhìn không rời. Tất cả thu vào tầm mắt, các cô chú hú hét đủ kiểu đủ trò vì vui sướng. Không phải ai khác, chính các bạn nhỏ đã mang yêu thương đến Gánh Xiếc, đến các cô chú. Yêu thương đã cộng thêm một….
Ngày qua ngày, cùng với nụ cười, giọng nói, ánh mắt hay nắm tay, cùng chơi, cùng học, cùng chào, tất cả làm nên mỗi cô/cậu bé riêng biệt, không giống ai, không lẫn vào đâu được. Những gì các bạn thể hiện đã tạo nên mỗi con người khác biệt: sự quan tâm đến máy bay, trái cây, màu sắc, chữ cái đến điều thú vị của ánh nắng, vẻ đẹp của ngón tay, trần nhà có cái đèn bị cháy, những quả bóng bay nhiều màu yêu thích… Sự tò mò, tìm hiểu, cố gắng trong từng điều bình thường nhất: Lời nói đầu tiên, cái nhìn đầu tiên, cái ôm ấm áp, tiếng gọi bố mẹ, cô chú… tưởng chừng như đơn giản nhưng các bạn đã phải vượt qua nhiều rào cản để có thể “hoàn thành” như bao người bình thường khác. Yêu thương cộng thêm một.
Các cô chú trân trọng những nỗ lực đó, yêu thương cách mà các bạn làm những điều tuyệt vời trong cuộc đời, những cột mốc tưởng chừng như thật hiếm hoi. Yêu thương từ trong chính lòng trắc ẩn của bản thân mình. Mọi người còn nhớ “cậu bạn” mà tôi đã từng nhắc đến trong bài “Thương!” không? Cậu bé đã tự làm đau bản thân mình ấy? Một số bạn ở Gánh Xiếc, và cả những người bạn đặc biệt ngoài kia có thể có cả bên trong lẫn bên ngoài với muôn vàn khó khăn, đau khổ. Bản thân những người làm nghề như tôi dù trong nghề lâu đến cỡ nào, kiến thức đến đâu thì cũng không thể hiểu hết được những gì mà các bạn đã, đang và sẽ trải qua khi chúng ta “không phải là họ”. Từ bao giờ mà chúng tôi thương vô cùng khi nhìn thấy các bạn tự cào, tự cáu, tự cắn, tự đập và vô vàn cái tự làm đau khác. Từ bao giờ mà tôi ước rằng có cái máy nào đó có thể “siêu âm” được các bạn đang gặp vấn đề gì chỉ bằng đôi mắt. Tự bao giờ tiếng hít thở mạnh của cả người chơi lẫn trẻ trở nên cùng một nhịp, cùng lên cùng xuống. Vậy đó, yêu thương lại cộng thêm một!
Cuối tháng Hai, tôi vui mừng khi biết T quay lại Gánh Xiếc. T là cô bé mà tôi được tiếp xúc những ngày đầu làm việc tại đây. Những hình ảnh về một cô bé vẽ tô liến thoắng, đôi chân vẩy nhịp cho chiếc vòng ở chân kêu lên thành tiếng, thi thoảng ngước lên nhìn với đôi mắt trong trẻo và nụ cười toả nắng cứ hiện lên trong tâm trí tôi khi biết tin. Đón cô bé dù không phải ngày làm việc, tôi rạng rỡ khi thấy T “Chào chú Nhật Anh!”. Cô bé là người đầu tiên cho tôi cảm nhận được “yêu thương” ở Gánh Xiếc là như thế nào.
Yêu thương từ đâu? Rồi tôi cùng không tỏ tường hết. Nhưng biết rằng khi đến thì quý, khi đi thì nhớ, khi đạt được sẽ cùng mừng, mà khi trải qua lại thấy càng vui hơn, thì có lẽ, yêu thương cứ như vậy mà đến, cũng giống như T và nhiều cậu bé đến Gánh Xiếc vậy. Và mỗi ngày, lại có “Yêu thương cộng thêm một”.
– Chú Nhật Anh –