Có rất nhiều loại thuốc dành cho trẻ đặc biệt. Khi phỏng vấn các phụ huynh để tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy khoảng 30% trẻ tự kỷ khi đến với chúng tôi vẫn đang dùng thuốc chống loạn thần (thường là Risperdal). Một số trẻ lớn thì dùng thuốc ổn định tâm trạng hoặc chống trầm cảm. Trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) thì hầu hết đều được kê thuốc kích thích Ritalin và một số trẻ khác dùng thuốc chống co giật và thuốc ngủ.
Lần đầu trải nghiệm kết quả từ việc dùng thuốc cho trẻ
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với thuốc khi làm việc với trẻ đặc biệt là hơn 6 năm trước, khi tôi làm việc với một cậu bé tự kỷ ở nhà đã được một thời gian và lúc đó bé đang có những tiến bộ, bắt đầu nói một số từ và nhận biết được mọi người và các đồ vật xung quanh mình. Vào một ngày tôi đến như thường lệ và nhận thấy bé rất uể oải, không muốn động đậy chân tay, kể cả với các trò chơi vận động bé thường thích. Và mấy ngày sau đó bé đều như zombie vậy.
Tôi nghĩ mãi không hiểu điều gì đã xảy ra. Khi nói chuyện với bà của bé thì biết rằng bà mới đưa bé đến thăm khám với một bác sĩ rất giỏi về tự kỷ. Bác sĩ đang cho bé uống một loại thuốc. Tôi tìm hiểu ra thì đó là một dạng thuốc chống loạn thần (anti-psychotic). Tôi hỏi cô giám sát của mình lúc đó là nhà tâm lý lâm sàng người Mỹ. Cô nói “thường thuốc chống loạn thần sẽ chỉ nên dùng cho các hành vi thật sự nguy hiểm và khó kiểm soát của trẻ tự kỷ”. May mà bé chỉ uống có một liều trong vòng khoảng 1 tuần và bé đã tỉnh táo trở lại sau khi ngưng thuốc .
Đồng cảm với nỗi lo lắng của cha mẹ
Là một người mẹ nên tôi hoàn toàn đồng cảm với cha mẹ trong việc quyết định có dùng thuốc cho con đặc biệt của mình hay không. Có nhiều người cho rằng tự kỷ là một hội chứng chứ không phải bệnh, và đã không phải bệnh thì không cần thuốc. Nhiều cha mẹ sau khi cho con đi khám được bác sĩ kê thuốc đã cẩn thận hỏi các giáo viên trị liệu hoặc các chuyên gia can thiệp, thậm chí hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh khác rồi quyết định không cho con uống. Nhiều cha mẹ cho con uống được vài lần thấy hành vi thách thức của con thậm chí còn tăng lên nên dừng lại.
Sự thật từ những viên thuốc
Hầu hết các bác sĩ không có đủ thời gian giải thích kỹ tác dụng chính và phụ của từng loại thuốc cho cha mẹ. Kể cả bản thân tôi khi lên mạng tìm hiểu các nghiên cứu liên quan các loại thuốc dùng cho các rối loạn phát triển cũng bị quá tải và bối rối. Vì những kết luận phức tạp nhiều khi rất thiếu rõ ràng của các nghiên cứu. Chưa nói đến khả năng thiên vị của họ với từng loại thuốc khi họ phải bảo vệ quyền lợi của các công ty dược phẩm tài trợ cho các nghiên cứu đó.
Theo tôi hiểu thì hiện tại chưa có loại thuốc nào có thể điều trị được các thách thức cốt lõi của tự kỷ. Đó là khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và các hành vi cứng nhắc hay lặp đi lặp lại. Các loại thuốc mà bác sĩ kê cho trẻ tự kỷ chỉ có tác dụng giúp cải thiện một số triệu chứng thường đi kèm với tự kỷ bao gồm lo lắng, hoảng sợ, cáu giận, hung hăng, tự hại, tăng động, giảm chú ý, trầm cảm. Trên thực tế, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt hai loại thuốc để điều trị triệu chứng cáu giận liên quan đến tự kỷ (risperidone và aripiprazole).
Thuốc là con dao hai lưỡi
Chuyên gia tự kỷ Bill Nason, tác giả các cuốn sách “Autism Discussion Page” cho rằng hầu hết các loại thuốc này chưa được nghiên cứu kỹ trên trẻ em và chúng đều có tác dụng phụ. Ông khuyên chỉ sử dụng thuốc tạm thời đối với những trẻ rất không ổn định về cảm xúc và có nhiều thách thức về hành vi cho đến khi các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hành vi được xác định và điều trị.
Lo lắng và trầm cảm là những triệu chứng tâm thần phổ biến nhất ở tự kỷ.
Có nhiều kiểu lo lắng: lo lắng về tương tác xã hội, lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ, lo lắng về những gì sắp xảy ra, quá tải giác quan và lo lắng nói chung. Sự lo lắng có thể dẫn đến các hành vi ám ảnh cưỡng chế, thường xuyên bùng nổ, cứng nhắc trong mọi hoạt động, có các hành vi chống đối /kháng cự và nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Có nhiều cách để đối phó với sự lo lắng, đặc biệt là chế độ vận động cảm giác, bổ sung y sinh, các tương tác xã hội tích cực,…
Đối với một số trẻ, lo lắng đến mức mất khả năng hoạt động có thể cần thuốc để làm dịu và tổ chức hệ thần kinh. Thuốc thường được sử dụng cho chứng lo âu ở trẻ em tự kỷ là SSRIs (Prozac, Zoloft, Luvox, Anafranil,…) (tạm dịch là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc). Nhóm thuốc này được sử dụng thường xuyên để điều trị lo âu, trầm cảm và các hành vi ám ảnh cưỡng chế.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống lo âu đều có thể gây nghiện.
Rối loạn xúc cảm lưỡng cực cũng có thể được chẩn đoán ở trẻ tự kỷ, nhưng nó thường bị nhầm lẫn với chứng rối loạn điều hòa cảm xúc thường gặp ở tự kỷ. Với những trẻ thay đổi tâm trạng thường xuyên, không kiểm soát được, cáu kỉnh và có các hoạt động kiểu hưng cảm, có thể dùng Lithium hoặc thuốc chống co giật (Tegretol, Depakote,…) và Abilify để giúp ổn định tâm trạng. Đối với hành vi biểu hiện nghiêm trọng hơn (gây hấn, tự hại,…), có thể cần thuốc chống loạn thần (Risperdal, Seroquel, Zyprexa,…).
Tất cả chúng đều đi kèm với các tác dụng phụ tiềm ẩn và phải được theo dõi chặt chẽ.
Khoảng 65% trẻ tự kỷ có các triệu chứng kém chú ý hoặc tăng động giảm chú ý và có thể cần các chất kích thích điển hình (Ritalin, Adderall, v.v.) hoặc Strattera để cải thiện khả năng tập trung, kiểm soát xung động và giảm tăng động.
Cũng có nhiều trẻ phản ứng tiêu cực với các chất kích thích.
Xin được trích câu trả lời của một dược sĩ cho các cha mẹ: “Thuốc là con dao 2 lưỡi. Vai trò của thuốc chống loạn thần nôm na là ức chế các chất gây hưng phấn của não bộ (nguyên nhân gây những hành vi không kiểm soát được ở trẻ). Cũng chính vì có tác dụng ức chế như vậy nên thuốc sẽ có tác dụng phụ tương ứng: lờ đờ, phản ứng chậm,… Dùng thuốc làm hạn chế các hành vi gây thương tích cho bé so với những tác dụng phụ có thể gặp phải thì cân nhắc lợi ích với nguy cơ mà dùng thôi ạ”
Lời khuyên cho cha mẹ
Và với những hiểu biết hiện tại của bản thân, tôi gửi đến các cha mẹ một số lời khuyên khi sử dụng thuốc cho trẻ đặc biệt:
1. Sử dụng thuốc như là biện pháp cuối cùng. Trước tiên hãy thử chế độ vận động cảm giác, các chất bổ sung và can thiệp khác để điều trị các nguyên nhân cơ bản của hành vi của trẻ.
2. Chỉ thử một loại thuốc tại một thời điểm, bắt đầu với liều lượng thấp và tăng dần liều lượng cho đến khi thấy hiệu quả. Cố gắng tránh sử dụng nhiều loại thuốc, đặc biệt là bắt đầu cùng một lúc.
3. Nhạy cảm với thuốc là điều cần chú ý, một số trẻ chỉ chịu được liều lượng rất nhỏ. Ngoài ra, trẻ càng nhỏ, hệ thần kinh càng dễ bị tổn thương bởi các tác dụng phụ tiêu cực.
4. Một bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm về tự kỷ sẽ rất tốt cho con bạn. Đặc biệt nếu họ biết lắng nghe và làm việc cùng với bạn. Hãy nhớ rằng, bạn hiểu con mình hơn bất cứ ai.
5. Theo dõi rất cẩn thận bất kỳ thay đổi nào trong hành vi hoặc tâm trạng của trẻ khi bắt đầu dùng một loại thuốc. Trẻ em phản ứng rất riêng và rất khác nhau với cùng một loại thuốc. Những gì hiệu quả với một đứa trẻ có thể có tác dụng ngược lại đối với những đứa trẻ khác. Nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị lo âu lại có thể làm tăng hành vi và lo lắng.
6. Chỉ dùng tiếp thuốc nếu nó có tác dụng rõ ràng. Nếu thuốc thực sự có tác dụng điều trị, bạn sẽ thấy tâm trạng, sự chú ý hoặc hành vi của con mình được cải thiện đáng kể. Nếu bạn chỉ thấy những thay đổi nhỏ thì việc đưa hóa chất vào người trẻ là không đáng làm.
7. Không bao giờ chỉ sử dụng thuốc, hãy cố gắng xác định và điều trị các yếu tố gây ra lo lắng, rối loạn tâm trạng và hành vi thách thức. Luôn nỗ lực thực hiện các chiến lược chủ động để giảm bớt các tác nhân gây căng thẳng và dạy các kỹ năng đối phó tốt hơn để giúp trẻ đối phó với căng thẳng. Thuốc nên được xem như một chiến lược tạm thời để làm dịu và tổ chức hệ thống thần kinh để trẻ có thể học các chiến lược đối phó hiệu quả hơn. Khi các vấn đề ổn định, bắt đầu giảm dần thuốc với hy vọng có thể ngừng thuốc.
Thuốc không phải là cách chữa trị duy nhất
Mặc dù hầu như với rối loạn tăng động giảm chú ý trên thế giới, thuốc vẫn là cách điều trị phổ biến. Tuy nhiên tôi thấy rất nhiều các tiến sĩ tâm lý bao gồm cả những người đã vượt qua được rối loạn tăng động giảm chú ý của chính mình đưa ra các phương pháp điều trị không dùng thuốc thành công cho rối loạn này như Dr. Craig Childress, Dr. Ned Hallowell, Dr. Paul Jenkins. Dr. Emily Anhalt.
Tại Gánh Xiếc, chúng tôi cũng đã giúp nhiều cha mẹ thành công trong việc ngừng thuốc cho con sau một thời gian thực hiện trị liệu chơi. Thường khi trẻ bắt đầu kết nối tốt hơn với cha mẹ, các hành vi bùng nổ sẽ giảm đi và trẻ ổn định hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Trước khi quyết định dùng thuốc cho con, mong cha mẹ có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng và sáng suốt.
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
Đọc thêm bài viết của tác giả: Động lực đến từ lòng tin và yêu thương
2 thoughts on “THUỐC DÀNH CHO TRẺ ĐẶC BIỆT”