Thế nào là táo bón?
Tại sao mọi người thường không để ý đến táo bón?
Có hai lý do chính khiến nhiều người lơ là việc con mình bị táo bón. Thứ nhất, cách hiểu về táo bón bây giờ là chưa đủ. Thứ hai, các phương pháp chẩn đoán táo bón phổ biển hiện này là không đáng tin cậy. Chúng ta hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu.
Khi nhắc đến táo bón, mọi người sẽ nghĩ ngay đến biểu hiện đầu tiên và duy nhất là “đi ngoài không thường xuyên”. Thực ra, nhiều trẻ bị táo bón nặng vẫn có thể đi ngoài mỗi ngày, thường là hai hoặc ba lần một ngày. Đó là vị trực tràng của chúng tắc quá nhiều phân và trực tràng mất hết trương lực cơ – đến nỗi không thể thải ra được hết. Vì vậy, việc đi ngoài không thường xuyên chắc chắn là một dấu hiệu của táo bón. Thế nhưng một đứa trẻ đi ngoài hàng ngày cũng có thể vẫn bị táo bón.
Chúng ta đã quá tập trung vào tần suất đi ngoài mà bỏ quên điều cấp thiết khi táo bón xảy ra: trực tràng bị căng cứng bởi một khối phân khổng lồ.
Tiến sĩ O’Regan là người tiên phong đề cập đến vấn đề này đối với những bệnh nhân bị táo bón và ông đã ghi lại trong nghiên cứu của mình. Ông khăng khăng sử dụng áp kế hậu môn trực tràng (anorectal manometry) để phát hiện táo bón. Ông còn lưu ý rằng việc sờ bụng trẻ và thảo luận với cha mẹ là vô ích.
Đó là bởi vì trực tràng sẽ luôn căng ra để chứa thêm phân. Một đứa trẻ nhỏ, gầy gò có thể chứa một lượng lớn phân mà không ai nhận ra. Kết quả khám tiết niệu nhi khoa của Zoe Rosso ở Virginia cho thấy bụng của cô bé mềm, không sờ thấy khối phân nào. Tuy nhiên, kết quả chụp X-quang tại phòng khám khác cho thấy một khối phân lớn. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không có gì ngạc nhiên khi táo bón thường xuyên không bị phát hiện! Vài năm sau khi công bố các nghiên cứu của O’Regan, các bác sĩ tiết niệu và bác sĩ nhi khoa bắt đầu nhận ra rằng táo bón tác động đáng kể vào các vấn đề tiết niệu. Thế nhưng họ thường không – và vẫn không – thực hiện đầy đủ các biện pháp để chẩn đoán tình trạng hoặc điều trị tích cực khi họ nhận ra dấu hiệu táo bón ở bệnh nhân. Họ có thể đề nghị một liều thuốc nhuận tràng hàng ngày, bổ sung chất xơ và thế là xong. Chỉ đến khi các bác sĩ bắt đầu chụp X-quang cho những bệnh nhân của mình thì mới nhận ra và tin rằng đường ruột bị tắc nghẽn như thế nào và cần được điều trị tích cực hơn.
12 dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ
Chụp X-quang chắc chắn thấy được trẻ bị táo bón hay không nhưng không nhất thiết phải làm cách này. Có một số tín hiệu để bạn nhận ra tình trạng của con mình:
1. Phân to. Đây là dấu hiệu hàng đầu! Nếu con bị tắc bồn cầu theo định kỳ. Nếu bạn thấy mình bị sốc về lượng phân có thể xuất ra từ một đứa trẻ quá nhỏ, bạn có một đứa trẻ bị táo bón. Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng rằng phân lớn là một dấu hiệu tốt – họ khăng khăng rằng con mình không thể bị táo bón vì bé đi ngoài “phân to, khỏe”. Nhưng phân to chỉ có nghĩa là phân đã chất đống trong trực tràng.
2. Phân rắn. Hầu hết mọi người không nhận ra phân phải là một đống bột nhão như bánh pudding hoặc sữa chua đông lạnh hoặc bánh bò. Những con rắn gầy hoặc những đốm màu nhão cũng ổn. Nhưng nếu phân của con bạn giống như khúc gỗ hoặc xúc xích gà tây hoặc viên tròn, thì con bạn chắc chắn bị táo bón!
3. Ị đùn. Hầu hết những trẻ bị táo bón không ị đùn (encopresis), nhưng tất cả những trẻ ị đùn thì sẽ cực kỳ táo bón.
4. Tè dầm. Hầu như tất cả trẻ em bị tè dầm (enuresis) ban ngày hoặc ban đêm đều bị táo bón kinh niên. Hiếm có lời giải thích nào khác.
5. UTI (Nhiễm trung đường tiểu) tái phát. Nhiễm trùng tiểu mãn tính là do cảm giác khó chịu kép của việc nhịn tiểu và nhịn đại tiện. Một đứa trẻ nhịn đi ngoài sẽ chứa thêm vi khuẩn gây nhiễm trùng trong trực tràng. một cơ quan không được thiết kế để lưu trữ phân. Công việc của trực tràng là cảm nhận phân ở đó và truyền tín hiệu thông tin đó đến não. Nếu một đứa trẻ phớt lờ những tín hiệu này và bắt đầu tích trữ phân, rùi ro vi khuẩn gây nhiễm trùng đến quá gần với thế giới bên ngoài. Những vi khuẩn này cư trú ở đáy chậu (khu vực giữa âm đạo, hậu môn và cuối cùng là bàng quang. Trẻ càng ít đi tiểu thì càng có nhiều cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh lan lên bàng quang.
Thuốc kháng sinh sẽ loại bỏ nhiễm trùng nhưng sẽ không ngăn ngừa tái phát. Cách làm cho vi khuẩn khó di chuyển đến bàng quang là điều trị dứt điểm chứng táo bón.
6. Đi tiểu thường xuyên và/hoặc khẩn cấp. Nếu bạn tự nói với chính mình rằng: “Ủa, nó mới đi tiểu đó mà! Làm sao lại mắc đi nữa?” con bạn bị tiểu nhắc. Nó thường xuất hiện trong độ 4 tuổi, có thể là do phải mất một hoặc hai năm sau khi tập ngồi bô thì các vấn đề về táo bón mới đạt đến lượng tới hạn để chèn bàng quang. Nhưng trẻ em ở mọi lứa đều có thể bị tiểu nhắc. Sự tắc nghẽn trực tràng làm cho các dây thần kinh kiểm soát bàng quang bị rối loạn, gửi tín hiệu bị lỗi – và cực kỳ thường xuyên – đến bàng quang rằng đã đến lúc đi tiểu.
7. Đi cầu không thường xuyên. Như đã đề cập ở trên, một đứa trẻ có thể ị mỗi ngày và vẫn bị táo bón nặng. Tuy nhiên, bạn có thể cho rằng một đứa trẻ ít đi ị là bị táo bón. Trẻ em nên ị một đống bột nhão mỗi ngày.
8. Đi cầu nhiều hơn hai lần một ngày. Nhiều bậc cha mẹ đã bị sốc khi biết về điều này. Họ nghĩ: “Nhưng con tôi hoàn toàn bình thường! Nó không thể bị táo bón!” Thực tế, ị quá thường xuyên có nghĩa là trực tràng của trẻ bị căng ra và thiếu trương lực để tống xuất hoàn toàn.
9. Đau bụng. Nhiều bác sĩ bác bỏ chứng đau bụng ở trẻ em vì triệu chứng này quá phổ biến. Nhưng phổ biến không có nghĩa là bình thường! Không phải tất cả trẻ bị táo bón đều bị đau bụng hoặc phàn nàn về điều đó, vì vậy bạn không thể đưa ra các giả định dựa trên sự im lặng. Táo bón là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng ở trẻ em.
10. Vết són hoặc ngứa hậu môn. Đây là một trong những tinh tế khác. Bạn có thể cho rằng vết phân trên quần lót của con bạn cho thấy bé không giỏi lau chùi. Nhưng những vết són thực sự chỉ ra rằng trực tràng không hoàn toàn trống rỗng. Thường xuyên có vết són là một tín hiệu.
11. Phân siêu lỏng. Trớ trêu thay, những gì trông giống như tiêu chảy thường là dấu hiệu của táo bón. Phân chảy nước có thể là tất cả những gì có thể rỉ ra xung quanh việc tắc cứng trực tràng. Uống thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này.
12. Tiếp tục gặp khó khăn khi tập ngồi bô hoặc trốn đi ị trong tã. Khi một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tập đi vệ sinh trong hơn một vài tuần, điều đó thường có nghĩa là đứa trẻ đó a) chưa đủ trưởng thành hay b) táo bón. Tập đi vệ sinh cho trẻ bị táo bón là một bài tập vô ích. Táo bón trước tiên phải được giải quyết. Ngoài ra, khi trẻ trốn đi ị, không phải vì chúng nhút nhát, đó là bởi vì chúng đang đau đớn.
Tại sao trẻ bị táo bón?
Táo bón ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu và đang có xu hướng gia tăng. Có ba lý do chính gây nên cuộc khủng hoảng này:
1) lối sống của chúng ta, bao gồm chế độ ăn không lành mạnh và không hoạt động thể chất
2) gấp rút tập cho trẻ đi vệ sinh
3) nhà vệ sinh ở trường học
Hầu hết cha mẹ cho rằng táo bón phải do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra, chẳng hạn như không dung nạp gluten hoặc vi rút hoặc rối loạn nhu động ruột kết. Thế nhưng lý do có thể vô cùng đơn giản: đó là lối sống.
Hệ thống tiêu hóa của con người không giỏi trong việc xử lý thực phẩm chế biến sẵn và lối sống ít vận động, vì vậy phân thường nằm im hoặc di chuyển với tốc độ chậm chạp, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề. Đó chưa phải là tất cả. Nó còn nằm ở phép lịch sự (bạn không thể ị ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào!), cách tiếp cận của chúng ta đối với việc tập ngồi bô (để kịp đi học nhà trẻ!), bồn cầu xả nước (đưa chúng ta ra khỏi tư thế ngồi xổm tự nhiên). Khi bộ não con người hiện đại phải đối mặt với tất cả những điều trên, tỷ lệ táo bón cao là không thể tránh khỏi.
Về cơ bản, chúng ta quá thông minh nên đã vô tình làm hại bản thân. Việc trì hoãn đi ngoài khi mắc sẽ không xảy ra với một chú mèo hay tổ tiên của chúng ta. Nhưng con người ngày nay, đặc biệt là trẻ em, thường trì hoãn việc đi vệ sinh. Đôi khi vì nó gây đau, đôi khi vì không tiện.
Như đã đề cập, cảm giác muốn đi ị được kích hoạt khi phân đến trực tràng và truyền tín hiệu đến não thông qua các dây thần kinh rằng đã đến lúc vào nhà vệ sinh. Nhưng nếu chúng ta không ở gần nhà vệ sinh khi nhận được tín hiệu – nếu chúng ta đang ở trong ô tô, trong giờ học ở trường mầm non, hoặc nếu chúng ta mải mê chơi, hoặc nếu chúng ta biết việc đi ị gây đau, chúng ta sẽ ghi đè tín hiệu buồn ị bằng cách căng cơ sàn chậu và cơ thắt hậu môn. Con người có khả năng trì hoãn việc đi vệ sinh trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Đặc biệt, trẻ em là bậc thầy của sự trì hoãn!
Một số trẻ dễ bị táo bón hơn những trẻ khác, vì gen di truyền và vì bản tính.
Một trẻ mẫu giáo có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi đi vệ sinh ở giữa giờ học, trong khi trẻ khác có thể thấy ý tưởng đó là không tưởng. Một số trẻ cảm thấy thoải mái với việc ị trong nhà vệ sinh ở trường học hoặc siêu thị, những trẻ khác cảm thấy ngại ngùng và sẽ không làm điều đó. Một số trẻ em, bị hạn chế bởi chính sách của trường, không được phép ị khi chúng cần.
Việc chú ý đến nhu cầu đi ị của cơ thể có thể đặt ra một thách thức lớn hơn đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ và những trẻ có vấn đề về xử lý giác quan. Chúng có thể không hoàn toàn nhận được tín hiệu để đi ị hoặc không có khuynh hướng hoặc khả năng hành động theo sự thôi thúc này.
Lối sống của chúng ta làm khó trẻ ra sao?
Không có gì ngạc nhiên khi càng ít vận động thì càng dễ táo bón! Thói quen ăn uống và vận động hiện nay là thủ phạm hàng đầu làm gia tăng táo bón. Chúng khiến việc đi ngoài khó khăn hơn, chậm hơn và đau hơn.
Các nghiên cứu cho thấy khả năng mắc táo bón xảy ra ít nhất là gấp đôi ở những trẻ không ăn đủ chất xơ. Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 10% trẻ em ăn đủ lượng chất xơ được khuyến nghị hàng ngày. Nói chung, trẻ em cần khoảng 25 đến 38 gam chất xơ mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của trẻ. Ở hầu hết các quốc gia, trẻ em chỉ tiêu thụ khoảng một nửa chỉ tiêu đó.
Tại sao chất xơ lại quan trọng đến vậy?
Khi bạn ăn một quả lê, phần lớn nó được tiêu hóa bởi dạ dày, được hấp thụ bởi ruột non và sau đó chuyển hóa thành năng lượng, vì vậy bạn có thể duy trì hoạt động. Nhưng các bộ phận của quả lê đó, chủ yếu là vỏ, không thể tiêu hóa được. Những bộ phận đó giữ cho phân mềm và nhầy nhụa bằng cách hấp thụ nước và tăng thêm khối lượng cho phân của bạn. Càng tiêu thụ nhiều thực phẩm có chất xơ, phân của bạn càng nặng, phân di chuyển qua ruột kết càng nhanh và tác dụng nhuận tràng càng tốt.
Trong khi thực phẩm giàu chất xơ giúp phân di chuyển, thì những đứa trẻ của chúng ta đang nạp vào cơ thể những thực phẩm làm chậm đường đi. Pho mát nướng, gà rán, mì ống và pho mát, bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, pizza pepperoni, mì spaghetti và thịt viên – những thực phẩm bạn tìm thấy trong thực đơn dành cho trẻ em tại các nhà hàng và căng tin trường học không giúp ích được gì!
Ngày nay, việc xem màn hình nhiều và ít vận cũng có liên quan đến tỷ lệ táo bón tăng cao. Một nghiên cứu trên 30.000 trẻ em đã tìm thấy mối liên hệ giữa táo bón và thời gian xem TV, chơi điện tử và sử dụng Internet, cũng như tập thể dục ít hơn một giờ mỗi ngày.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là những đứa trẻ sống bằng mì ống và pho mát và ngồi lì cả ngày chắc chắn sẽ bị táo bón, nhưng chắc chắn những hành vi này khiến tình trạng táo bón dễ xảy ra hơn.
Sữa có phải là thủ phạm không?
Một số phụ huynh cập nhật rằng tình trạng ị đùn và/hoặc tè dầm của con họ trở nên tồi tệ hơn khi chúng uống sữa hoặc ăn sữa chua hoặc kem.
Khi sữa gây táo bón, nó thường bắt đầu sớm, vào lúc trẻ chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang sữa bò. Sữa mẹ và sữa công thức thúc đẩy phân nhão vì chúng nhiều nước và dễ tiêu hóa trong khi sữa bò có xu hướng làm đặc phân. Ở một số trẻ sơ sinh, sự dày lên của phân là một bất ngờ khó chịu; đột nhiên, việc ị cảm thấy khó chịu và em bé bắt đầu nín.
Điều này không nhất thiết có nghĩa là em bé không dung nạp, chưa kể dị ứng với sữa. Nó có thể chỉ có nghĩa là đứa trẻ đang phản ứng với một cảm giác mới trong cơ thể. Thông thường, cha mẹ có thể cho trẻ uống lại sữa bò và sữa chua vài tháng hoặc vài năm sau đó, sau khi việc điều trị táo bón đã giúp trẻ vượt qua thói quen ị.
Một số trẻ bị táo bón do không dung nạp sữa. Nó có phải là một dị ứng hay không thì chưa chắc. Ngay cả trong các nghiên cứu cho thấy táo bón giảm đáng kể khi những đứa trẻ bị dị ứng ngừng dùng sữa bò, nhiều trẻ vẫn bị táo bón. Điều này có thể là do thói quen nín lại đã hình thành.
NẾU bạn nghi ngờ con mình không dung nạp sữa, hãy xem liệu việc loại bỏ sữa có giúp ích gì không.
Tập ngồi bô: Thời gian trẻ tập nín đi vệ sinh
Nền văn hóa của chúng ta đang rất vội vã tập trẻ ngồi bô. Trong các cuốn sách và bài báo, người ta chắc chắn nhấn mạnh vào việc hoàn thành quá trình này với tốc độ chóng mặt. Tập bô trong 3 ngày! Tập ngồi bô cho con bạn càng sớm càng tốt! Trong một ngày cuối tuần! Trong một buổi chiều! Tập ngồi bô trước 2 tuổi! Tránh mặc tã và tập luyện từ khi sinh ra!
Làm cha mẹ, một ngày sẽ hạnh phúc thế nào khi con mình bỏ được tã. Rằng sẽ thuận tiện biết bao nhiêu, cho cha mẹ và cho trường mầm non khi có các lớp học đầy những đứa trẻ 3 tuổi đã biết ngồi bô. Nhưng cách tập ngồi bô siêu tốc của chúng ta dẫn đến vô số trường hợp táo bón ở trẻ.
Nghiên cứu được thực hiện ở phòng khám tại Wake Forest Baptist Health cho thấy trẻ em được tập bô trước 2 tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về tè dầm cao gấp ba lần và tăng gấp ba lần nguy cơ bị táo bón so với những trẻ tập bô muộn hơn. Điều này không có nghĩa là trẻ 2 tuổi 1 tháng là phù hợp để tập. Trẻ càng cận 3 tuổi thì càng giảm nguy cơ xảy ra.
Vấn đề là trẻ 2 tuổi không hiểu tầm quan trọng của việc đi vệ sinh khi cảm thấy cơn buồn ị xuất hiện. Chúng nghĩ rằng chỉ lao vào phòng tắm khi thực sự cần. Ở trường mầm non, những đứa trẻ mới được tập bô thường cảm thấy quá nhút nhát để nói với giáo viên rằng chúng cần đi tiểu hoặc đi ị. Hoặc, chúng vui quá mà quên mất hoặc lo sợ bạn bè lấy mất đồ chơi khi ở trong nhà vệ sinh.
Vì thế, thay vì chú ý đến nhu cầu đi vệ sinh, chúng bỏ qua hết tín hiệu từ lần này đến lần khác, cuối cùng trở thành chuyên gia nhịn. Hậu quả có thể không rõ ràng trong một vài năm, khi chứng táo bón trở nên đủ nghiêm trọng để gây ra tình trạng mắc tiểu gấp gáp, thường xuyên hơn và/hoặc tè dầm.
Không chỉ việc vội vàng tập ngồi bô góp phần gây táo bón mãn tính mà còn do việc thiếu theo dõi khi tập ngồi bô. Khi trẻ đã tự đi vệ sinh thành thục, chúng ta có xu hướng ngừng chú ý đến thói quen đi tiểu và ị của chúng. Điều này có thể hiểu được, đối với hầu hết cha mẹ, thật nhẹ nhõm khi không còn phải tham gia quá nhiều vào các lần đi vệ sinh của con mình nữa. Nhưng thật ra, việc tập bô là khoảng thời gian cần được chú ý nhất, bởi vì một khi thói quen nhịn bén rễ rất khó để đảo ngược.
Tập ngồi bô không phải là một kỹ năng như đi xe đạp, sẽ bị khóa ngay khi mọi thứ “đã xong”. Học cách đi vệ sinh khác với việc học cách chú ý đến cảm giác muốn đi vệ sinh của cơ thể. Kỹ năng phía sau đòi hỏi sự củng cố hàng ngày, và đó không phải là một phần trong suy nghĩ của chúng ta. Chắc chắn rồi, chúng ta để ý qua loa thấy trẻ bắt chéo chân và nhún gối là yêu cầu trẻ đi tiểu. Khi chúng ta nhận thấy chúng đã không ị trong một thời gian, chúng ta yêu cầu con đi ị thử nhưng lại không giải thích lí do.
Trẻ mẫu giáo có khả năng hiểu phân khỏe mạnh trông như thế nào và điều gì xảy ra với bàng quang và trực tràng khi nhịn tiểu và nhịn ị. Nếu việc đi vệ sinh lành mạnh được dạy ở trường mầm non và được củng cố ở trường phổ thông và nếu chúng ta theo dõi con mình để phát hiện những dấu hiệu khó nhận biết của táo bón, chúng ta sẽ có ít trường hợp tè dầm và ị đùn hơn rất nhiều.
Nhìn về phía trước
Không có một lý do nào cụ thể để giải thích lí do trẻ bị táo bón. Điều cho mẹ cần tập trung vẫn là chữa trị hơn là cố tìm được nguyên nhân sâu xa.
*Nội dung trên đây được tổng hợp từ Cuốn sách The M.O.P Book của Bác sĩ Steve Hodges và Suzanne Scholosberg.
Một số điều cho mẹ có thể làm trong thời gian con bị táo bón
- Bỏ hoàn toàn sữa bò trong chế độ ăn của con
- Cho con uống đủ nước sạch mỗi ngày tùy theo cân nặng cơ thể (mua máy lọc nước nếu có thể)
- Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, không chất bảo quản, gia vị, không thực phẩm chế biến
- Giảm căng thẳng tối đa có thể cho con từ mọi phương diện (cơ thể, trường học, gia đình…)
- Dành nhiều thời gian chơi với con, chơi theo sự dẫn dắt của con, không ép con làm bất cứ gì con không thoải mái (trừ các trường hợp bất khả kháng), cố gắng chơi thật vui, biết ơn những gì nhỏ nhất con đã và đang làm được
- Giúp cho mình (CHA & MẸ) và những người mà con tiếp xúc được BÌNH YÊN
- Ngoài ra nếu có thể cho con kiểm tra độc tố, lượng Vitamin và khoáng chất trong cơ thể con để có hướng điều trị cụ thể hơn.
Trị liệu chơi của Gánh Xiếc sẽ giúp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng thực hành để có thể thực hiện được những điều này.
– Gánh Xiếc sưu tầm và tổng hợp –
Nội dung sau đây để tham khảo, không có tính chất tư vấn y học hay sức khoẻ. Đề nghị các bạn làm việc với bác sĩ để có những chọn lựa thích hợp