Bạn đang bất lực, sợ hãi nhìn con mình, tự hỏi khi nào con mới ngừng tấn công mọi người. Một cậu bé 12 tuổi, đang trong độ tuổi thay đổi mạnh về tâm sinh lý. Cậu cao lớn, có sức nặng ngang ngửa hoặc hơn cả bạn. Cậu đứng chỉ cách bạn chừng một cánh tay và đang cố gắng muốn tấn công bạn. Trong tư thế phòng thủ, bạn dừng lại trong một tích tắc, không biết con mình tiếp theo sẽ làm gì. Cắn? Đấm? Hay sẽ lao thẳng vào bạn và cho một cú hích bằng cùi chỏ? Bạn nhìn thẳng vào ánh mắt của con, dè chừng nhất cử nhất động. Khi đôi mắt ấy trừng lên, bạn chỉ muốn cầu cứu ai đó giúp bạn thoát ra nỗi sợ này.
Bạn không ngừng truyền thông điệp với con rằng: Tại sao thế hả con? Con bị làm sao? Mẹ ở đây mà. Mẹ vẫn là người bên cạnh con mỗi ngày. Mẹ yêu thương con nhất mà tại sao con lại tấn công mẹ? Mẹ đã làm gì có lỗi với con ư? Làm ơn hãy nói cho mẹ biết là con đang muốn gì, con đang đau chỗ nào?…
Cuộc chiến không rõ hồi kết…
Ngày này qua ngày khác, bạn hoang mang và tìm đủ mọi cách để chấm dứt điều đó xảy ra, nhưng mọi thứ trở nên ngược lại. Con không những không ngừng tấn công bạn mà còn với cả những người thân trong gia đình. Bạn bắt đầu ở trong một hố đen không lối thoát, đầy tuyệt vọng và lo lắng. Liệu mình và người thân sẽ chịu đựng điều này đến bao giờ? Khi con mỗi ngày một lớn hơn, khỏe mạnh hơn, còn mình già hơn và yếu đi. Chúng tôi biết bạn đang trong cuộc chiến đó.
Chúng tôi cũng đã từng trong những hoàn cảnh đó giống bạn, thậm chí còn tệ hơn. Ai trong chúng tôi cũng đều có vết tích để lại của những cuộc tấn công. Có những phụ huynh được chứng kiến qua camera và không khỏi “bàng hoàng, xót xa” cho các cô/chú. May mắn thay, họ được chứng kiến, để biết rằng, dù có bị tấn công thì các cô/chú vẫn yêu thương và chào đón con. Chúng tôi làm được, chắc chắn rằng bạn cũng sẽ làm được.
Từ cơn quá tải đến sự bùng nổ
Tấn công người khác là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bùng nổ. Nguyên nhân từ sự quá tải cảm xúc, quá tải giác quan, sự khó chịu trong cơ thể của con. Những tác nhân đó khiến con căng thẳng một cách cực độ. Con không thể kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình. Trong thời điểm này, gần như con không nhận thức được những hành vi nguy hiểm mà mình làm. Đồng thời, con làm đau người khác cũng không phải do cố tình (trừ những trường hợp do con bị yêu cầu hoặc ngăn cản làm một điều gì đó). Khi hiểu về vấn đề này của con, bạn hãy áp dụng một số kỹ thuật sau đây:
Sáng lên như cây thông Nô-en?
Đây là 100% trạng thái của con sẽ có khi xuất hiện những dấu hiệu bùng nổ. Nhận diện những trạng thái đó của con là điều cần làm, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ hoảng loạn. Chúng tôi gọi đó là trạng thái “sáng lên như cây thông Nô-en” – đầy sự kích thích cho hành động chạy trốn hoặc chống trả mà con đang gặp phải.
Vậy bạn có nên làm như vậy không? Tất nhiên là không. Thay vào đó, thái độ bình tĩnh quyết định tất cả. Chỉ khi bạn bình tĩnh, bạn mới có thể nhận đoán được các nguyên nhân và hình dung cách xử lý. Sự từ tốn, chậm rãi của bạn sẽ giúp con trở nên trấn tĩnh lại. Nếu như bạn cuống cuồng hoặc hoảng loạn, điều đó có thể là nguồn gây ra việc tìm kiếm phản ứng sau này của con.
Ôm con hay vỗ về là điều nên làm lúc này
Với trẻ còn bé, bạn hoàn toàn có thể ôm con vào lòng và vỗ về, điều này có thể giúp con bình tĩnh lại nhanh hơn. Với những trẻ lớn, bạn có thể thử một số kỹ thuật cảm giác cho trẻ như mat-xa hoặc chăn nặng. Nếu bạn biết nguyên nhân khiến con bùng nổ, hãy chia sẻ và công nhận cảm giác của con, xác nhận nỗi lo lắng và nói với con rằng con đang được an toàn. Có một số trường hợp không thích việc chạm vào người, điều này có thể khiến con tấn công mạnh hơn hoặc đẩy bạn ngã, hãy tôn trọng và cho con không gian để con có thể trấn tĩnh.
Nói đúng lúc
Việc bạn truyền thông điệp yêu thương cho con là điều thật tuyệt vời. Đừng ngại ngùng để nói ra những câu nói như “mẹ ở đây, con sẽ ổn thôi” hay “bố biết con đang khó chịu, và con ở đây sẽ an toàn” với con. Nhưng nếu việc nói khiến cho con quá tải, hãy dừng lại. Hãy truyền tín hiệu bằng ánh mắt, cử chỉ, sự giãn cơ trên khuôn mặt bạn. Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều!
Bảo vệ chính bạn
Có rất nhiều phụ huynh đã thừa nhận với chúng tôi rằng, họ đã rất sợ hãi trong thời điểm đó. Chỉ cần nghe tiếng gầm gừ, một ánh mắt hay một cái nhau mày là bạn đã chuyển sang chế độ chạy trốn/chống trả. Điều đó chẳng có gì sai vì bạn là một con người và đó là một phản xạ tự nhiên của hệ thần kinh.
Hãy nhận diện thật nhanh, bình tĩnh và bảo vệ cho chính mình. Nếu ngay đó có bóng Yoga, hãy cầm lấy nó. Nếu có một thanh cắn, hãy đưa cho con. Nếu bạn biết bạn không thể chịu đựng được trước sức mạnh của con, hãy vào nhà vệ sinh, khóa cửa và vẫn truyền cho con thông điệp yêu thương: Mẹ sẽ ở trong này cho đến khi con ngừng tấn công và bình tĩnh lại, mẹ sẽ ra ngoài. Đừng sợ hãi, đừng chống trả, đừng giận dữ. Tất cả những điều này chỉ làm tệ hơn như đổ thêm dầu vào lửa mà thôi. Hãy nhớ, đảm bảo rằng xung quanh con không có đồ vật nguy hiểm khi bạn ở trong nhà vệ sinh.
Ngừng tấn công hay ngưng phạt
Đây là điều chúng tôi khuyên các phụ huynh tuyệt đối không áp dụng lúc này (và cả những thời điểm khác). Không thể lấy việc kiểm soát hành vi để khống chế và bắt ép con ngừng tấn công lại. Mối quan hệ giữa bạn và con sẽ nhạt dần và có thể mất hẳn khi bạn làm điều này. Thậm chí bạn có thể biến sự căng thẳng mỗi ngày của con càng tăng cao và sự bùng nổ mỗi ngày lại dày thêm.
‘Phòng’ tấn công còn hơn ‘tránh’ bị đòn
Đã đến lúc bạn là một nhà thám tử. Hãy ghi lại tất cả những lần bùng nổ của con, tìm hiểu nguyên nhân và mức độ chịu đựng. Tất cả những công việc này sẽ giúp ích cho bạn. Một cậu bé 4 tuổi của chúng tôi đã ngừng tấn công hay khóc lóc với những người xung quanh. Đó là khi chúng tôi tìm ra được trong thực đơn của cậu có đồ nếp. Đồ nếp khiến cho cậu khó chịu mỗi lần ăn xong.
Hãy luôn cho con một môi trường an toàn và không quá tải. Bên cạnh đó, cho con vận động và thỏa mãn giác quan để tinh thần con được thoải mái nhất. Đồng thời, hãy xây dựng một mối quan hệ kết nối, không căng thẳng. Và điều đặc biệt là đừng bao giờ ép con. Đây là những việc bạn có thể phòng được những cơn bùng nổ không đáng có của con bạn. Từ đó, việc con ngừng tấn công sẽ hiện thực hóa nhanh chóng.
Bạn là những người làm cha mẹ. Không ai ngoài bạn là người yêu thương vô điều kiện với con. Không ai ngoài bạn đồng hành với con trong suốt cuộc đời. Không ai có một sự cam kết lớn lao giống như bạn với con. Bạn có quyền được sợ hãi. Bạn có quyền được hoang mang. Bạn có quyền được thất vọng. Tuy nhiên tất cả những điều đó liệu có làm cho sự bùng nổ của con giảm đi hay không? Nếu câu trả lời là không, chúng tôi khuyên bạn nên thay đổi bằng những cách trên.
Hãy chia sẻ những điều này cho những người thân. Chúng tôi tin chắc rằng mọi thứ sẽ thay đổi với con, cuộc sống của bạn và cả những người xung quanh bạn.
– Gánh Xiếc –