Bạn có bao giờ nhận thấy rằng bùng nổ có thể xuất hiện bất ngờ, rất hiếm khi được báo trước!
Mọi thứ dường như đang ổn, rồi “BAMM!” nó xảy ra!
Chúng ta thường bị bối rối trước một cơn bùng nổ không rõ đến từ đâu, và rất hiếm khi được báo trước. Có hai điều tôi luôn tự hỏi: Nó đến từ đâu? Tại sao tôi không thấy nó đang đến? Trẻ không có biểu hiện rõ ràng về sự căng thẳng này. Hãy tin tôi, thường trẻ cũng ngạc nhiên như tôi!
Nhiều trẻ em và người lớn tự kỷ không “cảm nhận” được các hóa chất gây căng thẳng đang tích tụ bên trong họ. “Các cơ quan tiếp nhận cảm giác” bên trong không cung cấp đầy đủ cho họ các phản hồi sớm, giúp cho họ nhận thức rằng họ cần phải hành động để giảm sự quá tải này. Ngoài ra, ngay cả khi họ nhận thức được sự căng thẳng, họ cũng không cảm thấy an toàn để nói bất cứ điều gì về nó.
Hệ thần kinh của trẻ tự kỷ có lượng hóa chất căng thẳng ban đầu/ở trạng thái nghỉ, cao hơn bình thường. Do đó, không cần phải tích lũy thêm nhiều hóa chất gây căng thẳng để đạt đến điểm bùng nổ. Ngoài ra, cần lưu ý rằng khả năng bị bùng nổ cao hơn nhiều nếu hệ thần kinh bị quá tải do ngủ kém, mệt mỏi, bệnh tật hoặc đói. Một chút khó khăn có thể dễ dàng xử lý ngày hôm nay nhưng có thể gây ra bùng nổ ngày hôm sau. Khi chúng ta để đứa trẻ khép kín, bình tĩnh và tự tổ chức, hãy lưu ý rằng trẻ phải mất nhiều thời gian hơn để hệ thần kinh của chúng phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, tuy trẻ không còn các hành vi chống đối hoặc có dấu hiệu căng thẳng bên ngoài, hệ thần kinh của trẻ vẫn ở gần điểm bùng nổ trong một khoảng thời gian sau khi bình tĩnh lại.
Vì trẻ có thể trông không căng thẳng, chúng ta vẫn luôn cần ý thức về các hóa chất gây căng thẳng được tích lũy do các hoạt động liên tục và chuyển tiếp trong suốt cả ngày. Trẻ càng bị người khác đòi hỏi, sẽ càng phải điều chỉnh các tình huống xã hội, sự tích tụ của các hóa chất gây căng thẳng sẽ càng lớn. Một khi hệ thần kinh của trẻ bị quá tải và kiệt sức thì một chút khó khăn đơn giản cũng có thể khiến trẻ phát điên. Thật không may, trẻ có thể không nhận thức được quá trình đó như bạn. Trẻ không cảm thấy điều đó xảy ra cho đến khi quá muộn để có thể làm bất cứ điều gì để đối phó.
Hãy nhớ rằng, các hoạt động, các kích thích giác quan và làm theo các yêu cầu sẽ tạo ra các hóa chất gây căng thẳng, bất kể trải nghiệm đó là thứ trẻ thích hay không. Chúng ta thường liên tưởng bùng nổ với việc trẻ trải qua điều gì đó trẻ không thích hoặc sợ hãi. Điều này không đúng. Chúng thường xảy ra trong hoặc sau các sự kiện vui vẻ và thú vị. Trong những sự kiện này, gia đình thường cho đứa trẻ làm/chơi quá sức và quá nhiều. Cũng như cha mẹ, trẻ không muốn rời khỏi sự kiện vì đang quá vui. Tuy nhiên, trẻ sẽ bị kiệt sức bởi chúng đang căng thẳng để điều chỉnh thích nghi với tất cả các niềm vui và hoạt động này. Cha mẹ thường hay nói với tôi: “chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời; chơi bao nhiêu là hoạt động vui (đặc biệt khi ra ngoài cộng đồng). Hãy nhớ rằng trẻ cần nghỉ ngơi thường xuyên để hồi phục, bất kể hoạt động đó có vui hay không. Nếu có nhiều sự mới lạ, tương tác xã hội và quá tải giác quan, trẻ sẽ cần nghỉ ngơi. Đưa việc nghỉ ngơi vào lịch trình của trẻ, và giữ cho hệ thần kinh của trẻ có tổ chức và được điều chỉnh.
– Gánh Xiếc sưu tầm và biên dịch –