Quá trình làm việc với nhiều trẻ đặc biệt và các cha mẹ giúp chúng tôi nhận ra rằng hầu hết các rối loạn phát triển đều có một yếu tố quan trọng và hầu như là thách thức chính: rối loạn điều chỉnh cảm xúc.
Việc công nhận rối loạn điều chỉnh cảm xúc ở người rối loạn phát triển
Những người tự kỷ, người có rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn sang chấn, cũng đều nói khó khăn lớn nhất của họ chính là điều chỉnh cảm xúc. Tuy nhiên tại sao các tiêu chí chẩn đoán (trong cẩm nang chẩn đoán và thống kê các bệnh thần kinh DSM) của các rối loạn này đều không đề cập đến? Đây là điều tôi luôn luôn thắc mắc cho đến ngày hôm qua, khi tôi nghe được câu chuyện của một cô gái có ADHD.
Jessica McCabe là một cô gái được chẩn đoán ADHD và đã trải qua rất nhiều thất bại trong cuộc sống vì các triệu chứng của rối loạn này. Giờ đây cô trở nên nổi tiếng một phần nhờ kênh youtube “How to ADHD/ Sống với ADHD thế nào” giúp những người ADHD hiểu và đối phó với nó.
Cô đã tìm hiểu rất nhiều về ADHD và nói rằng nó chẳng phải là một rối loạn mới và đã mang rất nhiều những tên khác nhau qua năm tháng. Các triệu chứng của ADHD đã được ghi lại trong các tài liệu từ những năm 1700. Trong đó các rắc rối về cảm xúc mà người ADHD phải trải nghiệm luôn luôn là một phần lớn của nó – cho tới năm 1970.
Điều gì đã xảy ra vào năm 1970?
Năm đó các nhà nghiên cứu quyết định sẽ nghiên cứu ADHD (và các rối loạn thần kinh liên quan khác) một cách nghiêm túc. Dễ hiểu thôi, họ muốn tập trung vào các đặc điểm của ADHD mà họ có thể đo được ở trong phòng thí nghiệm. Và vì cảm xúc là điều sẽ rất khó để đo được trong phòng thí nghiệm nên họ đã loại bỏ ra khỏi các kết quả nghiên cứu. Và cuối cùng thì chỉ có “thiếu tập trung, tăng động và bốc đồng” được đưa vào DSM phiên bản chính thức đầu tiên như là các triệu chứng cốt lõi của ADHD.
Những năm sau đó, mặc dù có rất nhiều chứng cớ về rối loạn điều chỉnh cảm xúc trong các nghiên cứu về ADHD, nhưng có vẻ như đã quá muộn để đưa thêm nó vào. Kể cả đến bây giờ sau bốn lần cập nhật của DSM nó vẫn chưa được công nhận. Tiến sĩ Joel Nigg, một người ADHD khác, cũng nói “điều chỉnh cảm xúc là một phần quan trọng của ADHD đã bị các phương pháp can thiệp truyền thống bỏ qua”. Nhà hoạt động trị liệu Amy Laurent sau khi làm việc với hàng trăm người tự kỷ đã kêu gọi chúng ta hãy chuyển từ “quản lý hành vi” sang “điều chỉnh cảm xúc” cho những người tự kỷ.
Vấn đề mà lĩnh vực can thiệp các rối loạn phát triển đang gặp phải bắt nguồn từ chính các tiêu chí chẩn đoán của DSM.
Trong một thời gian dài chúng ta tập trung vào các phương pháp “có bằng chứng khoa học”, tập trung vào cải thiện các hành vi “đo lường và quan sát được”. Và nhiều người nhận ra rằng cải thiện được một hành vi thì hành vi khác lại xuất hiện.
Điều có thể còn đáng lo ngại hơn nữa chính là những căng thẳng mà người có rối loạn phát triển phải chịu đựng do cách chúng ta giúp họ cải thiện hành vi nhưng không chú ý đến cảm xúc của họ. Những khó khăn cốt lõi mà những người trong cuộc đang rất cố gắng nói với chúng ta hàng ngày nhưng ít chuyên gia hoặc các nhà nghiên cứu quan tâm đến.
Không biết chúng ta có thể chờ đợi được gì ở DSM6 nhưng chắc chắn chúng ta không muốn nhiều thế hệ trẻ tự kỷ, ADHD hay các rối loạn phát triển khác phải trải qua những giờ trị liệu “không cảm xúc”. Chuyên gia sang chấn nổi tiếng Bessel Van Der Kolk của đại học Havard nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, người được trị liệu chỉ có thể tiến bộ nếu họ có cảm xúc tích cực và sâu sắc về người trị liệu”.
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
Xem thêm bài viết khác của tác giả: Động lực từ lòng tin và yêu thương, Thuốc dành cho trẻ đặc biệt
2 thoughts on “Rối loạn điều chỉnh cảm xúc”