Lê Thị Phương Hoa – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành, Giám đốc chuyên môn

Xin chào cha mẹ!

Tôi rất hân hạnh được chào mừng bạn đến với Gánh Xiếc nhà Jù (gọi tắt là Gánh Xiếc), nơi chúng tôi đang hàng ngày giúp cha mẹ và các học sinh đặc biệt của mình vượt qua các khó khăn để phát triển bằng tình yêu thương và sự chấp nhận.

“Những người bênh vực tự kỷ là những người tận tâm hỗ trợ và trao quyền cho những người tự kỷ và gia đình họ. Đây là những người có sự hiểu biết sâu sắc về những thách thức mà người tự kỷ gặp phải và làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng quyền lợi và nhu cầu của người tự kỷ được đáp ứng” – American Advocacy Group, tổ chức hỗ trợ/ủng hộ người khuyết tật của Mỹ.

Xin phép các bạn cho tôi được giữ hình ảnh của mình như một người bênh vực tự kỷ, bởi vì trở thành một người bênh vực tự kỷ đúng theo định nghĩa trên là mong muốn cháy bỏng của tôi và Gánh Xiếc, là cái đích mà công việc chúng tôi đang làm mỗi ngày hướng tới, hay nói như người thầy phát triển bản thân của tôi, là nhân dạng 2.0 mà tôi đang xây dựng cho mình.

Tôi sinh ra trong thời đất nước vẫn còn chiến tranh, thế hệ chúng tôi rất nỗ lực học tập để được đi nước ngoài cho đỡ khổ, tôi cũng được đi học 6 năm ở Ukraine. Trong thời gian đó, có một việc làm cho tôi rất say mê, là chăm sóc mấy em nhỏ ở Việt Nam sang học ba lê. Các em đều rất ngoan và chăm chỉ, nhưng tôi luôn có cảm giác các em thiệt thòi vì không được ở gần bố mẹ.

Tôi nhận thấy đây là điều mà tôi làm rất tốt, đem lại niềm vui cho những đứa trẻ. Sau đó tôi trở về nước, cuốn vào cuộc sống thường ngày cho đến khi có con.

Tôi chọn học tâm lý ứng dụng từ xa với một trường đại học ở Anh để hiểu hơn về con mình. Học đến môn “Tự kỷ, tăng động giảm chú ý và các rối loạn phát triển”, tôi thấy môn học này vô cùng thú vị. Thú vị đến nỗi tôi bị ám ảnh và quyết định rằng tôi sẽ chỉ làm việc với trẻ đặc biệt.

Khi tôi đến xin việc ở trung tâm giáo dục đặc biệt duy nhất của nước ngoài lúc đó ở thành phố HCM, Anh Sếp nói với tôi: chị có bằng tâm lý là tốt rồi, nhưng chị cần học tiếp…vài năm nữa với 1000 giờ thực hành để có chứng chỉ phân tích hành vi ứng dụng.

Tôi đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, tôi học nhiều rồi và lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi. Nhưng khát khao được giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt đã thôi thúc, tôi tiếp tục vừa học vừa thực hành.

Tuy nhiên trong suốt quá trình đó, nhiều lần tôi linh cảm thấy có gì không ổn, việc dùng phần thưởng và hình phạt theo cách tiếp cận phân tích hành vi mà tôi được học thời đó có vẻ thiếu tôn trọng những đứa trẻ đặc biệt, và không đem lại kết quả bền vững.

Có lần tôi xem được video về cách người ta bắt chước các hành vi của trẻ tự kỷ như là cách để kết nối với chúng, của chương trình the Son Rise, chương trình mà sau này tôi biết là đã giúp nhiều trẻ tự kỷ phục hồi hoàn toàn. Tôi thấy video này chạm lắm, tôi không thể quên được và đã chia sẻ về nó với người giám sát của mình, một tiến sĩ tâm lý đồng thời là tiến sĩ phân tích hành vi người Mỹ. Nhưng câu trả lời mà tôi nhận được là “chị là một nhà khoa học, tại sao chị lại đi tin vào những thứ không có bằng chứng khoa học như vậy”. Tôi đã không biết nói gì lúc đó.

Bất chấp tất cả những cố gắng của tôi để áp dụng phân tích hành vi một cách yêu thương nhất, càng ngày tôi càng cảm thấy không ổn, “Tại sao những đứa trẻ này căng thẳng, tại sao chúng lại có nhiều vấn đề sức khỏe đến vậy? Tại sao chúng hay bịt tai khi có âm thanh lớn và sợ hãi khi bị chạm vào người? Tôi bắt đầu tin rằng :”chắc chắn phải có cách tốt hơn”.

Tôi tìm đọc sách của người tự kỷ và hiểu nguyên nhân của các hành vi tự kỷ, về những cách can thiệp nhân văn hơn và gốc rễ hơn. Và tôi đến được với chương trình The Son Rise, lần này như có tiếng nói ở bên trong vang lên “hãy dũng cảm lên, đây chính là cái bạn cần”.

Tôi quyết định rút khỏi danh sách các nhà phân tích hành vi và 6 năm trước tôi mở Gánh Xiếc, một doanh nghiệp xã hội với ước nguyện được phục vụ cộng đồng trẻ đặc biệt bằng cách tiếp cận CHẤP NHẬN, THẤU HIỂU VÀ YÊU THƯƠNG.

Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn những cơ hội được làm việc với hàng trăm những khó khăn, mối quan tâm và hoàn cảnh khác nhau, và tôi hiểu rằng mình đang đi trên con đường tuyệt vời đến với nhân dạng, người bênh vực tự kỷ!

Người sáng lập Gánh Xiếc Nhà Jù,

Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa.