Bé Nathan 5 tuổi đang rất phấn khởi sắp được đi sở thú cùng cha mẹ, nhưng mẹ bé lo bé không kiểm soát được các hành vi của mình ở đó. Vì vậy mẹ đã giải thích rất cẩn thận kế hoạch can thiệp của mình. Mẹ mang theo 10 cái kẹo dẻo. Nếu Nathan ngoan mẹ sẽ cho bé cả 10 cái sau khi đi sở thú về. Mỗi lần bé có hành vi không mong muốn, bé sẽ bị mất 1 cái.
Chỉ sau nửa giờ đầu Nathan đã mất 5 cái kẹo. Sau đó nó đổ khoai tây chiên của anh trong bữa trưa, và mẹ nói là nó chỉ còn 3 cái. Buồn quá, Nathan đẩy ghế của mình quá xa về phía sau trong khi ngồi và làm nó lộn ngược, mẹ lại càng thất vọng.
Thật không may, kế hoạch can thiệp của mẹ đã bị đổ bể ngay từ đầu.
Tại sao vậy? Bởi vì nó dựa trên những mặc định sai lầm: rằng Nathan có khả năng kiểm soát hành vi của mình. Trong khi tập trung phổ biến vào “tự điều chỉnh” của các chuyên gia, các nhà giáo dục và cha mẹ thì chúng ta rất hay bỏ qua một điều quan trọng rằng: chúng ta không thể dạy trẻ tự điều chỉnh. Tự điều chỉnh là một quá trình phát triển mà chúng ta chỉ có thể nuôi dưỡng và khuyến khích bằng một cách: thông qua các trải nghiệm cùng điều chỉnh cảm xúc với những người lớn thật sự quan tâm và chú ý đến trẻ.
Vậy thì làm thế nào để trẻ phát triển khả năng “tự điều chỉnh”? Qua thời gian, khi trẻ trải nghiệm việc có được những gì mình cần về mặt cảm xúc và thể chất, trẻ sẽ phát triển một sự kết nối giữa cơ thể và não bộ mạnh mẽ, điều này sẽ làm cho trẻ thực hành được việc kiểm soát hành vi và cảm xúc “từ trên xuống” (top down). Trẻ bắt đầu có được khả năng này lúc 3-4 tuổi, và tiếp tục phát triển nó trong suốt tuổi thơ của mình.
Nhưng khả năng tự điều chỉnh đòi hỏi sự phát triển của não bộ để trẻ tiếp tục thực hiện nó. Nếu chúng ta đòi hỏi trẻ kiểm soát hành vi trong khi trẻ thiếu nền tảng của sự kết nối cơ thể và não bộ, chúng ta đang đòi hỏi cái không thể. Và thật không may, chúng ta đang đòi hỏi cái không thể từ rất nhiều trẻ, những trẻ chưa có đủ sự phát triển thần kinh để tự điều chỉnh.
Thường những gì chúng ta đòi hỏi ở trẻ tạo ra một mặc định sai lầm: rằng trẻ đã có kiểm soát “từ trên xuống”, cho phép chúng nghĩ được về cơ thể và trí não và kiểm soát được hành vi của chúng. Một sự thật là rất nhiều trẻ có hành vi thách thức chưa có khả năng này.
Cha mẹ thường tin rằng nếu một đứa trẻ đôi khi kiểm soát, tức là nó luôn có khả năng làm việc đó. Niềm tin sai lầm này cho thấy sự đòi hỏi không cân xứng – một sự chênh lệch giữa niềm tin của cha mẹ và khả năng của trẻ.
Khi trẻ thiếu sự kiểm soát “từ trên xuống”, chúng ta cần phải bắt đầu với việc cùng điều chỉnh cảm xúc – khi đó nhưng người lớn thật sự quan tâm và chú ý tới trẻ nhận biết và chăm sóc những nhu cầu thể chất và cảm xúc của trẻ. Chúng ta làm điều này thông qua mối quan hệ. Trong chuyên môn phụ của tôi là chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ sơ sinh, chúng tôi gọi cái này là “sử dụng trị liệu bằng chính mình”.
Nói một cách khác, chúng ta giúp xây dựng não của trẻ từ dưới lên (bottom up). Nếu đứa trẻ có các khó khăn kinh niên trong việc kiểm soát cảm xúc hoặc hành vi, đó là dấu hiệu nền tảng từ trên xuống của trẻ còn yếu. Trẻ cần được những người lớn yêu thương, chú ý và không thành kiến nhận thấy những khó khăn trẻ đang gặp phải. Chính các mối quan hệ này sẽ hỗ trợ khả năng để trẻ có được sự tự kiểm soát về cảm xúc và hành vi.
Qúa nhiều các chương trình giáo dục và dịch vụ xã hội bỏ qua tầm quan trọng chiến lược của các mối quan hệ, thay bằng chỉ tập trung vào quản lý hành vi. Chính vì vậy tôi bỏ rất nhiều thời gian của mình dạy những nhà trị liệu và cha mẹ về sự phát triển xã hội và cảm xúc. Một hiểu biết cơ bản về khoa học thần kinh và phát triển cảm xúc xúc xã hội có thể giúp chúng ta hiểu làm thế nào để tránh đòi hỏi trẻ quá nhiều và quá sớm. Nó cũng giúp chúng ta tránh gây ra (mặc dù không cố ý) sự bối rối và xấu hổ cho những trẻ không hiểu tại sao chúng lại không thể hành xử tốt hoặc không thực hiện được những yêu cầu của người lớn, mặc dù chúng rất muốn. Chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến các nhu cầu của những trẻ đã có các trải nghiệm tồi tệ thời niên thiếu và các căng thẳng có hại. Hệ thống phần thưởng và hình phạt, đang được sử dụng rộng rãi cho những trẻ này hiện nay, được khuyến cáo là không nên. Tôi giải thích lý do tại sao trong cuốn sách mới về các hành vi thách thức của tôi.
Khi chúng ta yêu cầu quá nhiều từ trẻ quá sớm, chúng ta đã kích thích một sự tự phê bình mặc dù không cố ý, Kristin Neff, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về sự từ bi với bản thân (self compassion) đã đưa ra giải pháp: chúng ta có thể chỉ cho trẻ từ sớm làm thế nào để từ bi với chính mình và chấp nhận những đặc điểm dễ bị tổn thương của mình. Nói cách khác, khi hành vi là vấn đề, chúng ta có thể giúp trẻ từ bi với mình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn.
Khi chúng ta đang hiện diện với trẻ, và nhận biết những cảm xúc của mình một cách từ bi, chúng ta gìn giữ một yếu tố đáng giá nhất trong quá trình phát triển khả năng tự điều chỉnh của trẻ: sự kết nối giữa người với người.
– Mona Delahook, PhD – Gánh Xiếc dịch.
Great content! Super high-quality! Keep it up! 🙂
Hope they are helpful to you! Thank you so much.