Rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em mắc chứng tự kỷ. Một nghiên cứu cho thấy 66% trẻ tự kỷ có triệu chứng mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ.
Hỏi:
Con em 6 tuổi, bé được chẩn đoán tự kỷ khi được 23 tháng. Cho đến nay, giấc ngủ của con luôn bị rối loạn khiến cả nhà rất mệt mỏi. Con rất khó đi vào giấc ngủ. Buổi tối phải mất 2-3 tiếng mới có thể đi vào giấc ngủ. Mà cứ ngủ rồi tỉnh giấc thì phải rúc vào tay mẹ hoặc mẹ ôm, bế thì mới đi ngủ lại. Khi con còn bé thì em còn bế ẵm được nhưng giờ thì thực sự không nổi. Em phải làm thế nào?
Trả lời
Rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Một nghiên cứu cho thấy 66% trẻ tự kỷ có triệu chứng mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ.
Nguyên Nhân
- Có thể do thiếu melatonin: một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa trẻ tự kỷ và lượng melatonin, một loại hormone tự nhiên giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Bạn có thể cho con ăn một số loại thực phẩm gây ngủ một cách tự nhiên như các loại hạt, rau xanh, và các sản phẩm khác giàu canxi và magiê, gà tây, gà, chuối và đậu, các loại trái cây như anh đào chua, nho và dứa có chứa hàm lượng melatonin tự nhiên cao.
- Các tình trạng như lo lắng và trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý thường đi kèm với tự kỷ, dẫn đến mất ngủ và rối loạn giấc ngủ khác.
- Khi con bạn tỉnh dậy vào buổi tối mà phải ôm bạn mới ngủ lại được có thể là bé có những lo lắng hoặc nỗi sợ hãi, có thể những điều này không có thật nhưng hệ thần kinh của bé lại cảm nhận sự sợ hãi. Đúng là khi bé càng lớn thì điều này sẽ càng khó cho cha mẹ, một việc mẹ có thể thử là giảm dần sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với bé, lúc đầu thì ôm, rồi chỉ để bé nằm lên một phần người mình, rồi từ từ chỉ cần để tay lên người bé xem thế nào.
- Các vấn đề y tế phổ biến khác ở những người tự kỷ bao gồm táo bón, tiêu chảy và trào ngược axit đều ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các sản phẩm từ sữa đường và việc ăn uống trước giờ ngủ có thể cản trở trẻ đi vào giấc ngủ vì chúng khó tiêu.
Giải pháp
- Đôi khi bé cần mẹ ôm khi ngủ vì bé muốn có áp lực sâu để giúp bé điều chỉnh cảm giác. Công cụ mà chúng tôi thường sử dụng trong trường hợp này là một chiếc chăn nặng. Khi bé thức dậy mẹ có thể đắp chiếc chăn nặng này cho con và giải thích rằng nó sẽ làm cho con thấy dễ chịu. Nếu có thể mẹ nên cho bé đắp chăn nặng ngay từ lúc ngủ, có thể giúp bé dễ ngủ hơn và bớt thức dậy trong đêm. Ở nước ngoài, có rất nhiều bé tự kỷ hay tăng động ngủ với chăn nặng.
- Cha mẹ nên xin ý kiến của bác sĩ trong những trường hợp về tiêu hóa. Đường ruột khoẻ mạnh hơn sẽ giúp bé điều chỉnh hành vi.
- Các kỹ thuật thư giãn thường cũng giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Chúng bao gồm mát xa, thiền, nghe nhạc nhẹ, đọc sách hoặc đơn giản là nằm trên giường khi đèn tắt. Cha mẹ có thể làm cùng với trẻ và đảm bảo trẻ thực hiện hoạt động hiệu quả.
- Mẹ có thể cho con tập thêm các vận động nặng để giúp con cảm thấy mệt mỏi tự nhiên hơn vào ban đêm, nhưng không tập gần vào giờ đi ngủ (ít nhất là 2-3 tiếng trước giờ đi ngủ).
- Rối loạn cảm giác là một vấn đề lớn đối với trẻ tự kỷ vào mọi thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào ban đêm. Để giúp trẻ ngủ ngon hơn, hãy kiểm tra các âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ phòng và sự thoải mái của giường ngủ trước giờ ngủ.
- Thực hiện một lịch trình đi ngủ cho trẻ: trước giờ ngủ 1-2 tiếng, tạo ra không gian yên tĩnh trong nhà, tắt các thiết bị điện tử, bật nhạc nhẹ âm lượng nhỏ, tránh các trò chơi như cù lét, vật và nhào lộn. Giải thích với con là đến gần giờ ngủ, bây giờ nằm xuống ôm mẹ và đọc sách.
- Nếu trẻ tỉnh táo và có vẻ đau khổ hoặc buồn bã về việc không thể ngủ, hãy trấn an trẻ rằng mọi thứ đều ổn. Nếu con em thích ôm thì có thể ôm con thật nhiều trước giờ đi ngủ và trong ngày, cũng để giúp con giảm bớt lo lắng.
Tôi đã làm việc với một gia đình vật lộn với việc ngủ của con trong vòng gần hai năm. Sau khi được tư vấn, cha mẹ bắt đầu thay đổi. Họ dành nhiều thời gian với con hơn, cho bé hoạt động nhiều hơn, thay đổi chế độ ăn. Cho đến nay bé đã gần như là không tỉnh dậy đêm nữa.
Thái độ của người lớn là vô cùng quan trọng với việc thay đổi hành vi của trẻ tự kỷ. Việc giải thích nhẹ nhàng, cách tiếp cận con làm cho con cảm thấy an toàn trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp được trẻ rất nhiều trong việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình.
2 thoughts on “Làm sao khi trẻ tự kỷ gặp rối loạn giấc ngủ”