HỌC ĐỂ LÀM GÌ?
Có bao nhiêu người trong chúng ta khi đi làm hoặc trong cuộc sống sử dụng đến nửa số kiến thức đã học trong trường phổ thông, đặc biệt là những kiến thức của những năm cuối? Tôi nhớ mình học 12 năm tiếng Nga trong trường học (hình như còn học giỏi nhất lớp), rồi thêm 8 tháng học tiếng Nga tăng cường thế mà thời gian đầu sang Nga chẳng may giẫm chân vào người khác chỉ biết nói “spasibo” (cảm ơn).
Các nhà cải cách giáo dục dành không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc để thay đổi chương trình học phổ thông. Hết năm này qua năm khác, không biết trong quá trình đó họ có đặt các câu hỏi “HỌC ĐỂ LÀM GÌ” và “LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ THÍCH ĐI HỌC” không?
Một đứa trẻ đến trường nếu thấy mình học giỏi hoặc ít nhất là không bị phê bình, được giúp đỡ và khuyến khích học những môn mình không giỏi, được dạy bởi những giáo viên tâm huyết, thật sự hiểu và yêu thương, được các bạn quý mến, có thể tương tác với thầy cô giáo và các bạn, không bị căng thẳng bởi các kích thích trong trường học, chắc chắn sẽ thích đi học.
Nỗi niềm của cha mẹ
Mong muốn cháy bỏng của rất nhiều cha mẹ có con đặc biệt là con được đi học ở trường với các bạn bình thường. Cũng dễ hiểu thôi vì cha mẹ đều có niềm tin rằng con đi học đồng nghĩa với việc con mình giống các bạn, con mình trở nên bình thường.
Nhưng liệu cha mẹ có được phép hay có thời gian tìm hiểu xem con mình đang trải nghiệm những gì ở trường không? Cha mẹ có biết tại sao mỗi buổi sáng con lại giả vờ mệt hoặc lần lữa từ chối đi học không? Hay chỉ mặc định là con “lười biếng” hoặc “hư”?
Thấu hiểu cho con
Mỗi lần tôi nói chuyện với bố mẹ về việc đi học của trẻ đặc biệt là một lần tôi bị thôi thúc phải bênh vực trẻ. Kể cả khi điều đó làm cha mẹ không hài lòng. Nếu cha mẹ chịu khó nghe và đọc những gì những người tự kỷ, tăng động hay những người gặp các rối loạn phát triển muốn chúng ta hiểu, thì cha mẹ sẽ thấy chính việc cha mẹ ép con phải đến trường khi chưa sẵn sàng đang càng ngày càng làm mong muốn được đi học của con mất dần.
Hoà nhập là mục tiêu cuối cùng của chúng ta cho trẻ đặc biệt. Thế nhưng ai cũng biết rằng không phải chúng ta cứ cho con đến trường là con hoà nhập được. Điều này cần đúng thời điểm và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ với nhà trường để có thể giúp cho việc đến trường của con được thành công. Chúng ta muốn trẻ học giao tiếp xã hội, nhưng nếu mỗi lần giao tiếp đều là bị ép buộc hoặc mang đến thất bại cho trẻ (cô giáo phán xét, bạn bè trêu chọc, bắt nạt) thì đứa trẻ của chúng ta sẽ càng thấy giao tiếp không thú vị. Trẻ càng sợ hãi giao tiếp, tức là càng khó trở nên “bình thường”.
Với mỗi hành động mình làm vì con, mong cha mẹ hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng. Đừng để kết quả đi ngược với lý do của hành động đó. Học chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta giúp nó trở thành mong muốn của trẻ.
HỌC CÓ TỐT HƠN CHƠI?
Một phụ huynh mới đăng ký tham gia chương trình của chúng tôi, cả trong buổi phỏng vấn cũng như sau khi đã học xong buổi lý thuyết đầu tiên, chị vẫn chưa hoàn toàn thoải mái với “trị liệu chơi”. Chị bày tỏ mong muốn là cho con tự kỷ của mình được tham gia một chương trình “học” đầy đủ, kiểu giống như các bạn đi học ở trường.
Tôi nghĩ là tôi hiểu mong muốn này của mẹ, có vẻ như ai cũng muốn cho con mình được “bình thường”. Nhưng thực ra nếu các bạn nghĩ kỹ thì sẽ thấy làm con người chúng ta đều muốn làm một điều gì đó khác “bình thường” đúng không? Các con tôi cho rằng tôi là một người rất “không bình thường” vì tôi hầu như chẳng quan tâm đến gì khác ngoài thế giới của những đứa trẻ đặc biệt.
Lắng nghe từ Carly – một đứa trẻ đặc biệt
Tôi đã đọc được nửa cuốn sách “Carly’s voice” nói về hành trình của một cô bé tự kỷ. Cô không nói được nhưng có thể viết sách. Hai điều ấn tượng nhất với tôi là tâm trạng của cha mẹ cô và cách cô học. Cuốn sách này giúp tôi hiểu rõ hơn về những người cha mẹ tôi đang được may mắn đồng hành cùng. Tâm trạng họ nếu giống như bố mẹ Carly thì sẽ là một đồ thị hình sin luôn lên xuống theo tình trạng cơ thể, thần kinh, và các tiến bộ của con.
Cách Carly tiếp nhận thông tin và kiến thức đã làm tôi thật sự kinh ngạc. Mặc dù trước đây tôi đã đọc nhiều sách của người tự kỷ viết và biết là trí thông minh của họ không hề giống như kết quả test IQ hay cái nhãn “chức năng thấp”/”tự kỷ nặng” gắn liền với một trong số họ.
Ở giai đoạn sau khi Carly đã giao tiếp qua việc đánh máy được một thời gian. Vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, cô bắt đầu viết truyện. Đó là câu chuyện tưởng tượng về các con vật trong đó các nhân vật chính là biểu tượng của từng người trong cuộc sống của cô, từ bản thân cô, đến chị gái sinh đôi, bố, mẹ, anh trai, hai nhà trị liệu gắn bó lâu dài nhất với cô và luôn bênh vực cô. Họ cũng là những người đã phát hiện và thúc đẩy khả năng giao tiếp qua đánh máy của cô.
Tôi xin tạm dịch một đoạn bố Carly viết:
“Chúng ta nghĩ chúng ta hiểu con mình. Chúng dễ tính hoặc khó tính, thoải mái hoặc cau có. Chúng thông minh kiểu sách vở hoặc kiểu đường phố, hoặc không thông minh lắm. Carly, tuy nhiên, chẳng giống ai và luôn luôn thay đổi. Điều này làm tôi thiếu tự tin và hơi lo sợ. Khi nó còn bé, tôi tưởng tượng nó như là một người lạ trong một thế giới xa lạ. Có lẽ nó đã có các cuộc hội thoại trong đầu mình, nhưng vì nó sống trong thế giới mà những người xung quanh nói bằng một ngôn ngữ nước ngoài khó hiểu làm cho nó trở thành người lữ khách bất đắc dĩ giữa chúng ta.
Nhưng tôi đã nhầm. Nó đã và đang nghe, học, và suy nghĩ. Những cái nhìn xa xăm không phải là dấu hiệu chúng tôi đã mất nó. Nó vẫn đang tư duy và xử lý thông tin. Có thể là nó đang viết những dòng cho cuốn sách của mình. Nó đã biết đùa và có các quan sát thông minh. Và suy nghĩ – NÓ LUÔN LUÔN SUY NGHĨ”.
“Việc của chúng ta không phải là giúp cho trẻ thông minh hơn, mà là mở khoá trí thông minh mà trẻ đã có sẵn” – Raun Kaufman, một người tự kỷ.
Có rất nhiều cha mẹ khoe với tôi là con của họ biết cái này hay cái kia. Kể cả biết nói câu này hay câu kia, mà không hề được ai dạy một cách cụ thể cả. Đó chính là bởi vì trẻ tự kỷ hoàn toàn có khả năng học. Nhưng không nhất thiết phải học theo cùng quy trình hoặc phương pháp chúng ta áp dụng cho những đứa trẻ bình thường. Có thể vì trẻ của chúng ta khác thường nên một cách tiếp cận khác thường sẽ phù hợp hơn?
Trị liệu chơi của chúng tôi tập trung dạy trẻ muốn kết nối với mọi người. Hiểu được có một người bạn là thế nào. Thể hiện tình cảm, thể hiện mối quan tâm thật sự đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Hiểu được các sắc thái xã hội, chia sẻ các mối quan tâm, tiền đề cho khả năng tham gia xã hội thành công. Những kỹ năng mà tôi tin rằng bạn không bao giờ có thể dạy trẻ qua việc ngồi bàn dùng thẻ hoặc chỉ qua các câu chuyện xã hội.
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
Xem thêm các bài viết cùng tác giả: Rối loạn điều chỉnh cảm xúc