Khi cơn sốt trở nên hiệu quả
Sốt thường khiến bạn cảm thấy lờ đờ, mệt mỏi và cau có. Nhưng ở một số trẻ tự kỷ, cơn sốt khiến chúng trở nên “tốt hơn”. Chúng hòa đồng hơn, lanh lợi hơn, thậm chí là nói chuyện nhiều hơn. Như một người mẹ đã mô tả, những cơn sốt của con giúp cô ấy có cái nhìn thoáng qua về tương lai con cô ấy sẽ như thế nào nếu không tự kỷ.
Các nhà nghiên cứu đã tự hỏi về cái gọi là “hiệu ứng sốt” ít nhất từ năm 1980 khi một đợt nhiễm vi rút xảy ra tại một nhà trẻ dành cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Tâm thần Bellevue ở New York. Nhân viên bệnh viện báo cáo rằng những đứa trẻ trở nên hòa đồng hơn, lanh lợi và nói nhiều hơn trong khi sốt. Khi cơn sốt của chúng giảm dần, những cải thiện về hành vi cũng mất dần. Các nhà nghiên cứu tự hỏi hiện tượng kỳ lạ này có thể cho chúng ta biết điều gì về cơ chế của tự kỷ ? Và các phương pháp điều trị tự kỷ nào khả thi?
Một phương pháp mới
Hiểu được hiệu ứng sốt có thể dẫn đến “những phương pháp mới để cải thiện cuộc sống của những người tự kỷ”, Rebecca Grzadzinski, một nghiên cứu sinh làm việc với chuyên gia về tự kỷ Catherine Lord, giải thích. Trong một nghiên cứu mới, bao gồm cô Grzadzinski và Tiến sĩ Lord đã mô tả các đặc điểm của những trẻ dễ trải nghiệm hiệu ứng sốt nhất.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 2.152 trẻ em tự kỷ trong dự án nghiên cứu Simons Simplex Collection (SSC). Cha mẹ của 362 trẻ em, tương đương 17%, báo cáo rằng con trai hoặc con gái của họ đã trải nghiệm hiệu ứng sốt. Nếu tính theo nhóm, những trẻ khác có kỹ năng nhận thức phi ngôn ngữ thấp hơn, ít ngôn ngữ hơn và hành vi lặp đi lặp lại nhiều hơn so với những trẻ không trải nghiệm hiệu ứng sốt.
Như là một đứa trẻ khác khi con sốt
Trẻ sẽ nói, ‘Mẹ xem chương trình truyền hình yêu thích của con với con nhé!’, ‘Con yêu mẹ.’ và ‘Cảm ơn mẹ.’
Connie Sproul Bonarigo, thành viên hội đồng cố vấn của Mạng lưới người tự kỷ tương tác chia sẻ con gái tự kỷ của bà sẽ hành động như một người khác khi bị sốt. Con gái bà thường xuyên nổi nóng và cáu kỉnh khi khỏe, nhưng lại trở nên điềm đạm, dễ gần và tình cảm khi bị ốm. Bà Connie cho biết “Gần như thể ai đó đã tiêm thuốc an thần cho nó. Nó rất đáng yêu và tình cảm. Nó sẽ nói: Mẹ sẽ xem chương trình truyền hình yêu thích của con với con nhé, Con yêu mẹ và Cảm ơn mẹ. Điều này sẽ tiếp diễn cho đến khi cơn sốt hết dần”. Bà Bonarigo cũng chia sẻ rằng con gái bà giờ đã là người lớn, và vẫn trở nên dễ chịu hơn khi bị sốt.
Haven DeLay từ Texas đã mô tả trải nghiệm tương tự lúc nhỏ của cậu trai tự kỷ 17 tuổi của cô rằng “Khi không bị sốt, nó rất tăng động, stim, đi lại và chạy liên tục. Việc nói nhại lời của nó thì kinh khủng. Khi nó bị sốt, tất cả những điều đó đều dừng lại. Không stim, không run, không giật nữa. Mọi hành vi đều trở nên tốt hơn. Thuốc kháng sinh cũng giúp nó”. (Stim được viết tắt cho các hành vi tự kích thích, chẳng hạn như đung đưa, búng ngón tay và các hành vi lặp đi lặp lại khác thường gặp đối với chứng tự kỷ).
Kiểm nghiệm qua các nghiên cứu thực tiễn
Các nhà nghiên cứu không biết tại sao hiệu ứng sốt xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em có nhiều hành vi lặp đi lặp lại và các triệu chứng khác. Nghiên cứu cho biết “Những trẻ đó có thể có sự khác biệt về não bộ khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi cơn sốt hoặc có thể những thay đổi hành vi khi bị sốt chỉ đơn giản là dễ nhận thấy hơn ở những trẻ có nhiều hành vi lặp đi lặp lại.”
Các nghiên cứu tự kỷ trước đó cho thấy rằng nhiều trẻ tự kỷ trải nghiệm hiệu ứng sốt hơn con số 17% được tìm thấy trong nghiên cứu SSC. Một nghiên cứu nhỏ của các nhà nghiên cứu ở Baltimore cho thấy có tới 80% trẻ em tự kỷ có hiệu ứng sốt.
Trong nghiên cứu năm 2007 đó, cha mẹ của 103 trẻ em được yêu cầu đo nhiệt độ của con họ và đánh giá hành vi của chúng trong và sau khi bị sốt, thấp nhất là 100,4 độ F (38,0 độ C). Ba mươi trẻ em trong số đó bị sốt trong quá trình nghiên cứu; hành vi của chúng được so sánh với những trẻ tương tự không bị sốt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 25 trong số 30 trẻ em bị sốt có ít hành vi bất thường hơn khi bị sốt. Những hành vi bao gồm khó chịu, hiếu động thái quá, cử động lặp đi lặp lại (như vỗ tay) và lời nói không thích hợp. Những thay đổi đó cũng biến mất sau khi hết sốt.
Có thể hiệu ứng sốt xảy ra trên cùng một phổ?
Tiến sĩ thần kinh học Andrew W. Zimmerman, một trong những thành viên tham gia nghiên cứu đã chia sẻ trong một bài báo của Autism Speaks rằng “Việc phát hiện đại đa số trẻ tự kỷ được cải thiện hành vi khi bị sốt cho thấy rằng hiệu ứng sốt có thể phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Có lẽ cha mẹ không phát hiện được sự cải thiện các triệu chứng tự kỷ ở dưới một ngưỡng nhất định. Điều này có thể xảy ra bởi vì bệnh tật có xu hướng làm chúng ta khó nhìn thấy những tiến bộ hoặc như trong nhiều lĩnh vực sinh học, tôi nghi ngờ có một loạt các tác động từ những tác động khó phát hiện đến những tác động nổi bật. Các phản ứng rõ ràng hơn mới có nhiều khả năng khiến cha mẹ báo cáo và tìm hiểu về chúng”.
Những người hoài nghi có thể tự hỏi liệu những thay đổi hành vi có phải chỉ đơn giản là do sự mệt mỏi mà mọi người cảm thấy khi bị sốt hay không. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có một số thứ khác có thể xảy đến với những trẻ trải nghiệm hiệu ứng sốt. Nhóm của Tiến sĩ Andrew đã yêu cầu phụ huynh đánh giá mức độ hôn mê/lờ đờ và hành vi trong và sau khi sốt và phát hiện ra rằng những cải thiện trong hành vi không phụ thuộc vào mức độ mệt mỏi của trẻ khi bị ốm.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng sốt trong tự kỷ
Nghiên cứu sinh Rebecca chia sẻ “Chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy những người tự kỷ suy nghĩ khác và não của họ hoạt động theo một cách khác. Vậy tại sao chúng ta lại loại trừ khả năng cơn sốt có thể tác động khác đến những người tự kỷ?” Tuy nhiên, điều gì có thể xảy ra với trẻ khi nhiệt độ cơ thể chúng tăng lên? “Câu trả lời ngắn gọn là, chúng tôi không biết. Nhưng câu trả lời dài hơn là sốt có thể gây ra những thay đổi tế bào hoặc chuyển hóa tạm thời ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương”, cô Rebecca trả lời. Những thay đổi đó ảnh hưởng đến hành vi. Có thể giải thích đó là những thay đổi đối với hoạt động của các tế bào trong vùng dưới đồi của não hoặc giải phóng glutamine hoặc taurine. Một giả thuyết khác liên quan đến các protein “sốc nhiệt” mà con người tạo ra trong khi sốt để bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
Tiến sĩ Andrew và các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành một nghiên cứu riêng biệt để thử một phương pháp điều trị tự kỷ tiềm năng, một phần dựa trên lý thuyết phản ứng sốc nhiệt. Nhóm của ông đã cung cấp chất bổ sung có chứa sulforaphane cho 30 nam thanh thiếu niên và người lớn tự kỷ. Sulforaphane, một chất hóa học có nguồn gốc từ mầm bông cải xanh, có “hiệu ứng trao đổi chất theo một số cách tương tự như hiệu ứng sốt.”
Trong nghiên cứu này, 15 nam giới tự kỷ được chỉ định ngẫu nhiên để uống giả dược, còn gọi là thuốc giả, là nhóm so sánh. Hơn một nửa số người dùng chất bổ sung đã thấy những cải thiện về hành vi tương tự như những gì được báo cáo trong thời gian bị sốt. Cũng như với sốt, sự cải thiện mất dần khi mọi người ngừng dùng chất bổ sung.
Cần thêm thời gian để kiểm nghiệm Hiệu ứng sốt
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng giả thuyết của họ và chất bổ sung cần được nghiên cứu nhiều hơn, và với nhiều người hơn. Nói chung, các nhà khoa học muốn đảm bảo rằng một kết quả không xảy ra do tình cờ. Vì vậy họ thử nghiệm một giả thuyết hoặc phương pháp điều trị trên một nhóm lớn những người đại diện cho nhóm người bị ảnh hưởng bởi một tình trạng bệnh.
Cô Rebecca cũng muốn có thêm nghiên cứu về sốt và tự kỷ. Nghiên cứu của cô dựa trên lời kể của cha mẹ về các hành vi của con họ khi bị sốt và bước tiếp theo sẽ là đo lường các hành vi một cách khách quan trong và sau cơn sốt của một số lượng lớn những người tự kỷ.
Cô lưu ý rằng nghiên cứu về cơn sốt hiện nay bắt nguồn từ các báo cáo của cha mẹ về hiện tượng này. Cô Rebecca cho biết “Điều quan trọng là các gia đình phải biết rằng họ là động lực cho nghiên cứu này. Vì họ đã khiến hiện tượng này được phát hiện. Vì chúng tôi muốn tìm ra những phương pháp điều trị mới để giúp đỡ họ”.
– Marina Sarris – Interactive Autism Network at Kennedy Krieger Institute
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa biên dịch-