Thật là khó cho các cha mẹ nuôi con tự kỷ có được viễn cảnh. Các ông bố và bà mẹ luôn bị ràng buộc vào các đòi hỏi hàng ngày của việc làm cha mẹ. Điều này khiến họ dễ dàng quên rằng bất kỳ cái gì đang xảy ra lúc này chỉ đại diện cho một thời điểm. Khi đứa trẻ có vẻ bị tắc trong các hành vi gây rối và phức tạp, có thể sẽ khó tưởng tượng được nó sẽ tiến bộ được trong tương lai.
Đặc biệt là trong những năm đầu, cha mẹ lo lắng rằng con họ có thể sẽ không bao giờ có ngôn ngữ hoặc không bao giờ tiến bộ hơn việc lặp lại được vài câu. Cha mẹ sẽ tự hỏi liệu con gái mình có bao giờ thôi không xếp các con thú nhồi bông thành hàng theo đúng thứ tự, nếu con trai mình sẽ có thể quan tâm đến những đứa trẻ khác. Điều làm cho người tự kỷ căng thẳng cũng làm cho cha mẹ căng thẳng – sự không chắc chắn – trong trường hợp này, là về tương lai.
Điều quan trọng phải nhớ là người tự kỷ sẽ trải qua các giai đoạn phát triển cũng như chúng ta. Tôi đưa ra một trải nghiệm của một gia đình của một đứa trẻ tôi biết từ mẫu giáo lên đến thanh niên và rồi trở thành người lớn.
Gia đình Dominque
Một trong các ký ức đau buồn nhất của Bob Domingue là khi Nick 4 tuổi. Nick có thể nói nhưng thỉnh thoảng khép mình trong im lặng và nhiều khi phải vật lộn với việc giao tiếp. Một nhà trị liệu khuyên Bob và vợ là Barbara, rằng điều quan trọng là phải ép Nick dùng ngôn ngữ bất cứ khi nào có thể. Một buổi chiều trong bếp, Nick lại gần bố, nắm lấy tay bố và dẫn bố đến tủ lạnh.
“Con muốn gì, Nick?”, Bob hỏi.
Im lặng, Nick kéo tay bố đến tay cầm của cánh tủ lạnh.
“Con muốn gì?”, Bob nhắc lại. Anh làm theo lời khuyên của nhà trị liệu mà quên đi bản năng cha mẹ.
Rất khổ sở, Nick nói một từ “Cửa”.
Bob hiểu chính xác con trai mình cần gì: một cốc nước trái cây. Nhưng ông vẫn cố ép, bắt buộc Nick phải dùng từ để nói với mình. Nick chỉ làu bàu.
“Con muốn sữa à?”, bố hỏi. Bob cầm hộp sữa giơ lên.
Làu bàu, lắc đầu.
Bob giơ một lọ dưa chuột muối lên “Con muốn dưa chuột muối hả?”
Nick, rõ ràng là đã bực bội và chán nản. Thằng bé thở dài, lê bước đến góc bếp, ngồi xuống và từ từ khóc trong yên lặng.
Hàng chục năm sau, hình ảnh đó còn làm Bob và Barbara buồn. “Nó muốn giao tiếp. Tại sao tôi lại hành hạ nó như thế? Bob nói “tôi đã hoàn toàn không cần phải làm thế”.
Barbara nói bài học thật rõ ràng: rằng họ cần phải tin vào bản năng của mình về con. “Nếu là cha mẹ chúng ta cảm thấy đây là những gì chúng ta nên làm, thì đó là những gì chúng ta nên làm” cô ấy nói “Chúng ta cần phải làm theo bản năng mách bảo”.
Trực giác đó đã giúp gia đình họ trên con đường dài 3 thập kỷ, con đường bao gồm nhiều thách thức, đau khổ và và những điều bất ngờ.
Trích từ sách Uniquely Human của Barry Prizant