Người Sáng Lập – Giám đốc chuyên môn
Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa
Khi quyết định học tâm lý ứng dụng, tôi có ước mơ là giúp những người mẹ Việt Nam thay đổi cách dạy con để trẻ em Việt Nam trở nên có trách nhiệm, tự tin và năng động hơn, nhất là đối với trẻ em nam. Nhiều thế hệ đàn ông phụ thuộc xung quanh tôi là hệ quả của sự bao bọc thái quá của những người mẹ Việt.
Tuy nhiên đến năm cuối cùng của chương trình này, tôi được học một môn có tiêu đề “ADHD, Autism and other developmental disorders” – Rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ và các rối loạn phát triển khác. Và tôi bỗng thấy nó thật thú vị! Từ thời điểm này tôi bắt đầu đọc và tìm hiểu rất nhiều về những gì liên quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên niềm đam mê tự kỷ và giúp trẻ đặc biệt của tôi không chỉ dừng lại ở đây. Trong suốt 9 năm qua tôi đã đọc không biết bao nhiêu cuốn sách nói về tự kỷ và dần dần tôi nhận ra rằng, những cuốn sách do những người tự kỷ viết chính là những thông tin chính xác và giá trị nhất.
Tôi cũng đã học và đọc thêm nhiều về các phương pháp dạy tự kỷ không dựa trên nguyên lý hành vi. Mỗi phương pháp đều đem lại cho tôi những hiểu biết sâu hơn về người tự kỷ và giúp tôi có thể giúp các học sinh của mình tốt hơn. Tôi khâm phục những người tự kỷ. Bởi hàng ngày, họ phải sống trong một thế giới làm họ căng thẳng và mất tự tin, thế nhưng, rất rất nhiều người trong số họ vẫn sáng tạo, đam mê và đang đem đến cho tất cả chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi có mong muốn mãnh liệt rằng có thể hiểu và yêu thương họ nhiều hơn nữa, và muốn tất cả chúng ta chung sức cho một cuộc sống tốt đẹp của người tự kỷ.
Nếu mọi người hỏi tôi tại sao làm tự kỷ, có lẽ câu trả lời sẽ là “tôi yêu trẻ em, yêu giáo dục và thích được giúp đỡ mọi người, làm tự kỷ đem lại cho tôi cả ba!”
Quản trị viên
Nguyễn Minh Phượng
Được đồng hành và hỗ trợ các bạn nhỏ đặc biệt cũng như cha mẹ của các bạn là mối duyên lành mà tôi vô cùng trân quý.
Đi từ sợi dây kết nối với người cháu có tự kỷ đến khi tôi tham gia làm quản trị viên cho một trung tâm dạy trẻ đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi may mắn gặp gỡ cô Hoa, tất cả như được dẫn dắt để đưa tôi đến với sứ mệnh yêu thương này.
Tôi không mong gì hơn là có thể hỗ trợ được nhiều nhất cha mẹ và trẻ đặc biệt. Con đường thay đổi nhận thức về trẻ đặc biệt có thể chỉ mới bắt đầu thế nhưng với mỗi bước tôi đi cùng Gánh Xiếc, tôi sẽ luôn chăm bẳm cho những bông hoa được nở rộ đẹp nhất trên con đường này.
Tư vấn viên
Nguyễn T. Thùy Trang
Con đường với tự kỷ và các rối loạn phát triển khác đến với tôi như một cái duyên. Sau khi vừa tốt nghiệp Đại học ngành Tâm lý, tôi may mắn được làm việc tại một trường chuyên biệt ở TP Hồ Chí Minh. Công việc của tôi là chăm sóc và theo dạy một bé tự kỷ ở Cà Mau được bố mẹ gửi nội trú tại trường. Buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu bạn học tại trường, còn buổi tối tôi sẽ đến trường chăm sóc, chơi và ngủ cùng bạn. Hai ngày cuối tuần bạn ở cùng tôi, hai cô trò quấn quýt nhau lắm. Tôi rất yêu quý bạn nhỏ ấy.
Ngày mới ra trường tôi chưa hiểu rõ thế nào là can thiệp, cũng chẳng biết chính xác là dạy như thế nào, nhưng tôi chơi với trẻ hoàn toàn theo bản năng, và áp dụng hết tất cả những kiến thức mình từng được học ở trường để chơi cùng trẻ. Rồi thời gian trôi qua, khi đến với những cơ sở làm việc khác, tôi lại được giao nhiệm vụ toàn với các bạn tự kỷ không à. Cũng từ đó, hai chữ “tự kỷ” gắn liền với tôi trong suốt quá trình làm việc của mình.
Tôi có một ước mơ cháy bỏng là Tự kỷ được loại khỏi DSM (Hệ thống Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần – Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), giống như LGBT đã từng như vậy. Tự kỷ không phải là bệnh, chỉ là họ đặc biệt hơn chúng ta mà thôi. Họ cần chúng ta hỗ trợ để có cơ hội được sống như cách họ muốn chứ không phải theo cách chúng ta muốn ở họ.
Dương Mạnh Quân
Xã hội đang gặp rất nhiều vấn đề. Từ sức khỏe thể chất tới sức khỏe tinh thần. Từ chế độ dinh dưỡng tới mức độ căng thẳng quá mức mà rất nhiều người phải thường xuyên chịu đựng. Từ sự thiếu kết nối giữa người với người tới sự phán xét vô lý, bất công hướng tới những người mà khác mình ở một khía cạnh hay mức độ nào đó.
Những người tự kỷ không khác những người mà thường được coi là bình thường. Họ đều chịu ảnh hưởng từ tất cả các yếu tố nêu trên. Họ đơn giản trải nghiệm thế giới một cách khác và thường gặp nhiều khó khăn hơn khi đối mặt với các yếu tố đó. Do đó, hiểu và biết cách hỗ trợ các bạn tự kỷ cũng đồng thời là chìa khóa để hiểu và biết cách hỗ trợ tất cả các thành viên trong xã hội nói chung.
Làm việc tại đây, tôi phát triển được thêm nhiều kỹ năng, trong đó phải kể đến nhất chính là kỹ năng bình thản xử lý các tình huống khi trẻ ăn vạ hoặc khi trẻ gặp rất nhiều đau đớn mà không thể giải quyết hết ngay vào lúc đó. Ngoài ra còn là kỹ năng nhận biết rõ ràng sự cân bằng giữa đặt ra các giới hạn mà trẻ không được phá vỡ, và cho trẻ tự do biểu lộ bản thân ở mức cao nhất có thể.
Khi đến với Gánh Xiếc, tôi cũng dường như vượt qua được những giới hạn của chính bản thân mình. Tôi được tăng thêm hiểu biết về xã hội, về các mối quan hệ, về con người, về các khó khăn và cách giải quyết chúng.
Khi đến với tự kỷ, tôi muốn đóng góp một mục đích rõ ràng, niềm tin không thể lay chuyển, dũng khí để hành động bất kể trở ngại, sự nhiệt huyết, tính kiên định và niềm hi vọng cho bố mẹ có con tự kỷ, bởi vì không ai khác mà chính bố mẹ mới là chìa khóa giúp các con khai mở tiềm năng.
Nếu may mắn trực tiếp gặp bất kì bạn tự kỷ nào, tôi hi vọng phần nào mang tới cho bạn sự thanh thản, cảm thông, năng lượng và niềm tin rằng tiềm năng phát triển của bạn cao hơn trạng thái của bạn ngày hôm nay nhiều hơn nữa
Đậu Hoài Bảo Trân
Khi làm việc với trẻ tự kỷ, tôi cảm nhận các em dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Càng hiểu và biết những khó khăn các em đang phải trải qua, tôi thấy mình ở trong đó, nó thôi thúc tôi ở lại và đi tìm cách thức giúp các em vượt qua. Mặc dù các em sẽ không biểu hiện hoặc nói rõ như những trẻ bình thường, nhưng đó là ánh mắt, nụ cười, cái chạm nhẹ hay níu kéo không muốn tôi về sau giờ can thiệp. Có lẽ đó cũng là động lực lớn nhất mà tôi đi theo con đường này.
Từng góc nhỏ ở Gánh xiếc cũng được chăm chút một cách cẩn thận nên khi bước vào mang lại cho tôi cảm giác bình yên, thoải mái. Tại đây tôi được học thêm nhiều kiến thức mới, vượt qua được giới hạn của bản thân. Chính tại đây đã giúp tôi hiểu được giá trị nhân văn của nghề.
Huỳnh Nhật Anh
Trong quá trình tiếp xúc và làm việc với những trẻ đặc biệt nói chung và trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, tôi nhận thấy các em có quá nhiều những khó khăn và thử thách từ xã hội, các em dường như bị mắc kẹt lại với bản thân mà có ít điều kiện để được công nhận và phát triển. Không chỉ xuất phát từ sự yêu thương mà còn từ sự thôi thúc mạnh mẽ giúp đỡ các em, tạo “chiếc cầu” vững chắc giúp các em tiến lại gần hơn với mọi người và những cơ hội đang chờ đợi các em phía trước, tôi đã bước vào lĩnh vực này.
Hiện tại và chấp nhận là 2 điều khi tôi nghĩ về sự thay đổi của bản thân trong quá trình làm việc tại Gánh Xiếc. Gánh Xiếc cho tôi một môi trường mà ở đó bản thân được yêu thương và yêu thương, tôi cảm nhận sự tồn tại của bản thân là một điều tuyệt vời. Đồng thời tôi cũng nhận thấy tôi học được cách chấp nhận, không chỉ từ những thành viên của Gánh Xiếc mà còn từ các “bạn nhỏ” thân yêu của tôi – những cô cậu bé đáng yêu và vô cùng phi thường.
Trong xã hội ngày nay, người tự kỷ có nhiều khác biệt mang tính thiểu số và bị nhiều người xa lánh, kì thị, có cái nhìn không thiện cảm. Mong muốn lớn nhất của tôi đó là làm sao cho mọi người hiểu và đồng cảm với họ với những khó khăn mà họ chịu đựng, những khác biệt có muôn vàn lý do để được chấp nhận và yêu thương.
Nguyễn T. Kim Vân
Khi vùng đất tự kỷ còn là gam màu xám.
Tâm trí mình mang một màu hồng tươi.
Vùng đất ấy cần được pha màu lại.
Đầu nghĩ, chân bước,
trong tim nở một nụ cười.
Mong sẽ là thế hệ những Người Chơi Hạnh Phúc.
Hiểu người tự kỷ hơn, để họ là chính mình.
Sống thật chắc cho từng phút hiện tại.
Gửi yêu thương vào cuộc sống đẹp xinh.
Phạm T. Thanh Hằng
Trong môi trường sống xung quanh mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn nhỏ và khá hứng thú khi được ngồi quan sát cách bọn trẻ chơi với nhau. Khi còn học đại học rồi ra trường, mình có đi làm gia sư và nhận ra rằng những đứa trẻ của mình có khó khăn trong học tập hoặc diễn đạt điều chúng muốn. Có thể nó là tiền đề khiến mình quan tâm đến nhóm trẻ này.
Mình thích chơi và chí ít mình thấy bọn trẻ cười khi chơi với mình, chúng thể hiện cảm xúc nhiều hơn và cho mình thấy rằng chúng biết. Gánh Xiếc là nơi mình được thỏa mãn đam mê chơi, chơi và chơi. Chơi khiến cho những ý tưởng trong đầu mình bật ra một cách tự nhiên như chính hơi thở của mình vậy và ở Gánh Xiếc mình được làm điều đó.
Mình vẫn nhớ câu nói của thầy cô khi còn ngồi trên ghế giảng đường “nghề CTXH không phải là làm điều gì đó thật hoành tráng phô trương, mà người làm CTXH là những người làm công việc thầm lặng, sẽ đi vào từng ngõ ngách tối tăm của cuộc sống con người và thắp sáng nơi đó lên”.
Nguyễn T. Thùy Ninh
Chuyên ngành của mình là Tâm lý học giáo dục, nghĩa là mình có thể làm nhiều mảng khác trong giáo dục như kỹ năng sống, tham vấn học đường, giáo dục mầm non,… Mọi thứ mình đều đã làm qua và lúc đó quyết định theo giáo dục mầm non. Rồi có một chị nói với mình rằng muốn làm trong mầm non, em nên thử làm với các bạn nhỏ đặc biệt trước vì nó giúp cho em tính kiên nhẫn. Thế là mình bắt đầu thực tập ở các cơ sở giáo dục đặc biệt với mục tiêu “làm với các bạn nhỏ đặc biệt thành công thì sau này làm trong lĩnh vực gì cũng đều dễ dàng cả”. Một thời gian làm với các bạn nhỏ, thậm chí là có thời gian mình ăn, ngủ, chơi, chăm sóc các bạn ấy toàn thời gian, lắng nghe câu chuyện của từng bạn, mục tiêu của mình dần thay đổi. Mình quyết định sẽ thực sự theo đuổi lĩnh vực này, không chỉ vì bản thân học hỏi được nhiều thứ mà còn mong muốn mình có thể góp được kiến thức, sức lực của bản thân cho các bạn nhỏ và các gia đình có trẻ đặc biệt.
Truyền thông
Nguyễn Ngọc Hạnh Dung
Tuổi thơ chính là nền tảng phát triển của cả một đời người. Đặc biệt hơn, đối với các bạn nhỏ tự kỷ thì tuổi thơ ấy lại gặp nhiều khó khăn hạn chế hơn so với các bạn đồng trang lứa. Vì thế, được là một phần ý nghĩa trong tuổi thơ của các bạn – vừa là người dẫn dắt vừa là người bạn đồng hành – chính là con đường đưa tôi theo đuổi lĩnh vực này.
Tôi mong muốn có thể lan tỏa được sự quan tâm và thấu hiểu đúng mực dành cho hai từ “Tự kỷ” đến mọi người với tinh thần yêu thương – tôn trọng của Gánh Xiếc.
Bùi Thúy Hằng
Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên gặp cậu bé tự kỷ T. Cậu bé đã khiến tôi ấn tượng và tự nhủ rằng “mình phải làm gì đó”. Từ những ngày đầu làm việc với các bạn đặc biệt, tôi luôn cảm thấy một sợi dây kỳ lạ kết nối tôi với các bạn, mãnh liệt lắm, dù đôi lúc tôi chẳng làm gì. Đó chính là sự tò mò khiến tôi khám phá lĩnh vực đầy thú vị này.
Đến với Gánh Xiếc, tôi phát hiện ra, thực ra các bạn tự kỷ có thể làm cho chính các bạn được hạnh phúc theo cách riêng của mình. Thế giới của các bạn có quá nhiều điều thú vị, và các bạn được cảm thấy an toàn trong thế giới đó. Nhưng thế giới của “chúng ta” thì lại ngược lại, chẳng có gì thú vị, chỉ toàn sự phán xét, sự không chấp nhận, sự không tôn trọng và thật là tẻ nhạt. Đó chính là lý do mà các bạn chẳng thấy thế giới của chúng ta thú vị một chút nào.
Tôi thông cảm và trân trọng các phụ huynh đến với Gánh Xiếc. Họ là những người thực sự giỏi, thực sự quyết tâm và thật mạnh mẽ. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn kiên cường để giúp con.
Cũng chính vì được làm việc với nhiều đối tượng trẻ khác nhau, tôi nhận ra mình là một người Tăng động giảm chú ý. Gánh Xiếc là nơi tôi được chấp nhận, được tôn trọng và được là chính mình. Tôi thực sự biết ơn tất cả mọi người ở đây, và cả những đứa trẻ.
Tình yêu vô tận dành cho trẻ em với tôi như một bản năng. Tôi yêu chúng một cách vô điều kiện. Trẻ em hồn nhiên, vô tư, giúp người lớn nhận ra được rất nhiều bài học. Dù đôi lúc chính tôi cũng khó chịu bởi những thứ không đâu, nhưng chỉ cần ánh mắt trong sáng, nụ cười khoái chí của chúng, mọi thứ như dịu lại. Trẻ em là những mầm non, và giống như những tia nắng ấm áp, tôi muốn chiếu sáng tất cả tinh khôi vào những mầm xanh bé bỏng. Với lĩnh vực với trẻ đặc biệt này, tôi mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực, thay đổi cách nhìn của mọi người về những định nghĩa, những nhãn dán mà mọi người đặt nên.