Ngày…tháng…năm…
Vào một buổi chiều như bao buổi chiều thường lệ, tôi vào phòng và chơi cùng với Minh, cậu bé tự kỷ 4 tuổi. Cậu mê mẩn với những chiếc ô tô. Cậu nằm trên sàn và dùng tay đẩy chiếc xe chạy đi chạy lại. Bỗng nhiên, cậu nằm ngửa ra và ngước mắt nhìn lên. Tôi cũng làm theo, nằm xuống sàn bên cạnh cậu bé. Tôi di chuyển vị trí nằm để có thể cùng nhìn về phía mà Minh đang chăm chú nhìn. Tôi phát hiện cậu bé đang nhìn bầu trời bên ngoài khung cửa sổ. Bầu trời hôm nay thật xanh, không một bóng mây nào, màu xanh dương trong vắt thu hút tôi và chúng tôi cứ nằm im như thế ngắm nhìn bầu trời. Rồi tôi nghe bên cạnh có tiếng động, Minh ngồi dậy và tôi cũng bật ngồi dậy theo. Cậu bé lướt mắt qua tôi và cười. Đó là khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên.
Chúng ta thường nghĩ, các trẻ tự kỷ thường thiếu hụt nhiều kỹ năng và người lớn như chúng ta, những người được xem là có nhiều kỹ năng xã hội hơn sẽ “can thiệp”, sẽ “trị liêu”, sẽ “giúp đỡ” những đứa trẻ ấy hòa nhập xã hội. Thế nhưng cái khoảnh khắc Minh nhìn tôi ngày hôm ấy đã khiến tôi vỡ òa cảm xúc. Cảm ơn cậu bé đã cho tôi những phút giây thật bình an và thư giãn. Tôi không biết là đã bao lâu rồi tôi mới để tâm hồn mình thật thảnh thơi và an yên như thế, không nghĩ bất cứ điều gì để có thể ngắm nhìn bầu trời. Tôi đã viện cớ cho sự bận rộn và tất bật của mình để lãng quên không gian xung quanh đang diễn ra như thế nào. Khoảnh khắc nụ cười Minh đáp lại tôi như một sự biết ơn tôi đã ngắm bầu trời cùng cậu ấy.
Tôi đã từng hướng dẫn các phụ huynh có con tự kỷ khi hòa mình những nguyên tắc như :
- Hãy giữ im lặng khi trẻ im lặng.
- Làm những điều mà trẻ đang làm
- Sử dụng các đồ vật riêng khi hòa mình (những đồ mà trẻ không dùng đến)
- Ở một khoảng cách và vị trí phù hợp khi hòa mình.
- Không cố gắng tạo sự thu hút hay lôi kéo trẻ sang một hoạt động khác.
5 điều trên đây, tôi nghĩ phụ huynh hoàn toàn có thể thực hành nó tốt trong một thời gian ngắn trong phòng chơi. Thế nhưng điều cốt lõi để chúng tôi gọi nó là “hòa mình” chứ không phải “bắt chước” chính là thái độ chân thành của mỗi chúng ta . Và điều này không đến ngay tức thời mà nó là cả một quá trình đồng hành, trải nghiệm, yêu và trân trọng mỗi hoạt động con làm. Cảm ơn Minh đã dạy tôi sống chậm lại, quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, sử dụng trái tim mình để cảm nhận và yêu thương. Đó là điều tôi học được từ thế giới của những người tự kỷ.
– Cô Trang –