“Play is highest form of research” (Tạm dịch: Chơi là dạng nghiên cứu cao cấp nhất).
Albert Einstein
Với một đứa trẻ, chơi là động cơ của việc khám phám, học hỏi, phát triển các kỹ năng mới và kết nối với mọi người.
Tôi biết đến trị liệu chơi 10 năm trước đây khi được làm việc với cô giám sát của mình lúc đó, một tiến sĩ tâm lý người Mỹ. Kiến thức đầu tiên cô dạy tôi trước khi tôi làm việc với các bé đặc biệt là Parent Child Interaction Therapy (PCIT) – Trị liệu Tương tác giữa Cha mẹ và Con.
Trị liệu này ra đời để giúp cha mẹ quản lý các hành vi không mong muốn của trẻ từ 2-7 tuổi. Thế nhưng sau đó đã được áp dụng rất hiệu quả với nhiều trẻ đặc biệt. Về cơ bản trị liệu này yêu cầu chúng ta hoàn toàn đi theo trẻ, gọi là chơi do trẻ dẫn dắt. Mặc dù sau đó tôi đã được học rất nhiều các phương pháp chơi khác.
Tôi luôn biết ơn người giám sát của tôi đã cho tôi học PCIT. Vì càng học tôi mới càng thấy rằng tương tác hay chơi do trẻ dẫn dắt chính là nền tảng cho mọi tương tác thành công của chúng ta với trẻ. Đó chính là bước đầu tiên cơ bản để giúp trẻ phát triển cảm xúc. Các phương pháp can thiệp tự kỷ phổ biến ngày nay như DIR Floor time, Can Thiệp sớm Denver, Tương Tác Tăng Cường, RIT, The Son Rise đều bao gồm yếu tố chơi do trẻ dẫn dắt.
Tôi đã rất may mắn được chứng kiến trị liệu chơi đem đến từ ngữ cho những bé trước đó không nói được, đem lại tự tin cho những bé yếu kém nhất. Điều kỳ diệu nhất của công việc của tôi có lẽ là được chứng kiến những bé đặc biệt đó cười và không muốn rời khỏi phòng chơi.
Và tôi thấy rõ sức mạnh của sự tham gia của cha mẹ trong quá trình chơi với con!
Với trẻ nhỏ, chơi vô cùng quan trọng trong việc học cách tự điều chỉnh cũng như phát triển vận động tinh và thô, và để phát triển sự gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Nghiên cứu của Margaret Ainsworth năm 1969 về mối quan hệ giữa mẹ và trẻ sơ sinh cho thấy khi người mẹ nhìn và chú ý đến con – đáp lại tiếng bi-bô, ôm ấp, cù lét con… thì trẻ tiếp tục bi bô và cười với mẹ. Tức là khi mẹ đáp lại các nhu cầu và cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ duy trì được trạng thái điều chỉnh, vui vẻ, thoải mái. Nhưng nếu mẹ nhìn trẻ với bộ mặt không biểu cảm hoặc không nhìn, trẻ sẽ trở nên thiếu điều chỉnh, chảy dãi, khóc, khó chịu gần như ngay lập tức.
Khi trẻ lớn hơn một chút, chơi là vô cùng quan trọng giúp trẻ hiểu về sự vĩnh cửu của đồ vật và giúp trẻ gắn bó an toàn với cha mẹ.
Ví dụ khi mẹ đùa lấy đồ chơi của trẻ giấu ra sau lưng, một lúc sau trẻ sẽ nhận ra rằng dù mình không nhìn thấy đồ chơi đó, nó vẫn ở phía sau lưng mẹ. Thường trẻ sẽ kêu lên sung sướng khi tìm thấy đồ chơi đã mất, và chúng học được sự vĩnh cửu của mọi vật.
Những năm sau đó, chơi là lúc trẻ cảm nhận được thế giới.
Trẻ sẽ bắt đầu chơi với các chủ đề của môi trường xung quanh. Qua đó con học các bài học cần thiết về sự độc lập và làm chủ các kỹ năng. Khi trẻ đến trường sẽ có một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Đó là khi trẻ phải xa cha mẹ trong một khoảng thời gian tương đối dài. Việc hiểu được sự vĩnh cửu của mọi vật rất cần thiết để bé yên tâm đi học, biết rằng cha mẹ thả bé ở trường nhưng sẽ quay lại đón bé.
Chơi không chỉ thích thú hay là một hoạt động vui vẻ. Nó còn là một nhu cầu gắn bó quan trọng.
Chơi cần thiết cho sự phát triển thể chất và cảm xúc của trẻ. Khoa học thần kinh cho chúng ta biết rằng khi chúng ta chơi, rất nhiều hoóc môn oxytocin (còn được gọi là hoóc môn của tình yêu thương) được tiết ra làm tăng khả năng kết nối với người khác và thiết lập sự gắn bó, đem lại những trao đổi qua lại cần thiết cho khả năng hoà hợp và tự điều chỉnh.
Trị liệu chơi do trẻ dẫn dắt trong nhiều năm qua đã giúp giải quyết rất nhiều các vấn đề khác nhau của trẻ và các gia đình, tạo ra những môi trường trị liệu an toàn về mặt cảm xúc để thúc đẩy giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ, và được dùng trong các chương trình can thiệp trẻ tự kỷ, tăng động, trẻ trầm cảm, trẻ có các hành vi chống đối, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương…
“Để có thể thật sự hiểu thế giới của trẻ, chúng ta cần sẵn sàng ĐI VÀO THẾ GIỚI ĐÓ, HỌC VÀ SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CỦA CHÚNG”
Clair Mellenthin, tác giả sách “Play Therapy” (Trị liệu chơi)
Tôi đã thật sự vui mừng khi một người mẹ (con của cô chưa có chẩn đoán tự kỷ chính thức) nói với tôi “Kể cả nếu con em không tự kỷ em vẫn muốn học trị liệu chơi để kết nối với con”.
Một cộng sự chia sẻ với tôi câu chuyện em đọc được trong sách của một nhà trị liệu:
“Tôi đã đọc rất nhiều sách và bài báo khoa học, tham dự nhiều hội thảo, hội ý với nhiều đồng nghiệp về trị liệu trẻ em và vị thành niên. Tôi có thể dễ dàng nói về nhóm trẻ này. Cung cấp một nơi trú ẩn tin cậy cho trẻ. Giao tiếp với trẻ trong khả năng của chúng. Cũng như chơi là hình thức sơ khởi nhất để diễn đạt, thực hành nhiều trị liệu trò chơi”
Jeffrey A. Kottler
Tìm hiểu về những cách trị liệu khác cũng là một trong những việc chúng tôi làm để củng cố và cố gắng làm tốt hơn những gì mình làm hàng ngày. Hôm qua khi một cộng sự khác của tôi giảng bài cho các phụ huynh về chơi để giúp con cùng chú ý, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp không lời và linh hoạt hơn, có một phụ huynh hỏi rằng liệu trẻ học lớp 4 lớp 5 có “chơi” được không?
Các bạn có bao giờ nghĩ rằng mình hết chơi chưa?
Hôm qua tôi đã chơi đến 20 ván bài với con gái 17 tuổi của mình. Tôi không thể nói tôi rất sung sướng khi chơi nhất là ở những ván cuối khi mắt tôi díp cả lại vì buồn ngủ. Thế nhưng tôi nhận ra đó là thời gian con tôi cười nhiều nhất trong ngày. Chơi trong trị liệu thực ra chỉ là bất cứ điều gì chúng ta làm với thời gian ta có cùng trẻ, kể cả những trẻ lớn. Đó là đồng hành với trẻ ở bất kỳ những gì mà chúng đang có, ở khả năng hiện tại của chúng.
Sau một thời gian trị liệu chơi như vậy, thường thì cha mẹ sẽ nhận thấy nhiều thay đổi ở con và họ cho rằng các nhà trị liệu chắc phải làm gì đó thật cao siêu hay đặc biệt. Hãy xem đây:
“Bí mật nghề nghiệp, tôi nói với họ, nhưng tôi nghĩ với chính mình, thật buồn cười, không có cuộc đối mặt kinh ngạc hay sự diễn giải sáng rõ nào. Tôi chỉ chơi bài và đi tản bộ. Tôi không thể tin rằng mình được trả tiền vì điều này”
Jeffrey A. Kottler
Trẻ bình thường thích được vui đùa, và trẻ đặc biệt cũng vậy. Khi bạn làm bộ ngốc nghếch và vui vẻ bên trẻ, bạn cho trẻ thấy rằng mối quan hệ của bạn với trẻ và tình bạn quan trọng hơn mọi thứ khác. Hãy tập trung vào chơi trước. Đừng đòi hỏi yêu cầu bất cứ điều gì ở trẻ sẽ tạo ra một không gian cho bạn trở thành thám tử đi tìm những gì trẻ thích. Bạn sẽ phát hiện ra động lực mới khi trẻ cười trước những gì bạn vừa làm.
Nếu trẻ rất vui thích khi tương tác với bạn, trẻ sẽ dễ dàng nghe theo các yêu cầu của bạn.
Đây là một điều tuyệt vời. Vì khi bạn ưu tiên cho việc chơi, bạn tạo ra nhiều cơ hội để giúp các kỹ năng xã hội quan trọng của trẻ. Chúng ta muốn nuôi dưỡng mong muốn cho trẻ chơi với người khác vì trẻ muốn chơi, không phải vì chúng ta bảo trẻ phải chơi. Nếu bạn CHƠI MÀ KHÔNG KỲ VỌNG GÌ, và thật lòng thích chơi với trẻ, bạn đang cho trẻ nhiều cơ hội để cảm nhận thế nào là tình bạn.
Tôi muốn cảm ơn một bà mẹ mà tôi được hân hạnh đồng hành những tuần qua. Mẹ đã làm tất cả những gì mình có thể để áp dụng những điều đã học từ trị liệu chơi cho con. Mẹ kể với tôi là bé trước đây không quan tâm đến bà nội mỗi khi bà mời bé chơi. Nhưng mới đây không những đã chịu chơi với bà mà còn đi theo để rủ bà chơi tiếp mỗi khi bà bận đi làm việc khác.
Mẹ nói: “Mỗi ngày em chỉ có thể chơi 1-2 tiếng với con nhưng luôn cố gắng để bạn vui vẻ nhất trong thời gian đó”
Thật tuyệt vời!
Hôm nay bạn đã CHƠI với con chưa?
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
One Reply on “Chơi là nguồn năng lượng học hỏi vô tận”