Con trai tôi hơn bốn tuổi mới bắt đầu nói những từ đầu tiên. Bây giờ con hơn bảy tuổi, ngôn ngữ vẫn rất hạn chế. Cũng như các bà mẹ có con tự kỷ khác, tôi trải qua hết mọi cung bậc cảm xúc: từ đau khổ, phủ nhận, tự trách mình, than trách ông trời, tìm mọi cách chữa trị cho con và đến hôm nay thì tôi đã tìm được bình an cho tâm hồn mình. Tôi viết lên đây một mảnh chuyện nhỏ trong những câu chuyện hằng ngày. Hy vọng nó mang đi một chút năng lượng tích cực đến với ai đó đang cần một chút động viên hay đồng cảm trong giai đoạn khó khăn này.
Quá trình tìm hiểu về tự kỷ của tôi đã dẫn tôi tới nhận thức rằng: Con tôi được sinh ra trong một ngách hẹp, rất hẹp.
Cách duy nhất để giúp con mình là tôi đi vào đó để làm bạn với con, con tin tưởng tôi rồi thì sẽ đồng ý cùng tôi đi ra. Khi tôi cố gắng đi vào thế giới của con, tôi gặp một khó khăn lớn là như hầu hết trẻ tự kỷ khác, con tôi thích chơi lặp đi lặp lại một số trò và phải hành động/nói đúng ý của bé thì bé mới chịu. Phải nói là chơi theo bé tôi muốn bệnh. Các trò của bé có thể kể ra là: leo cầu thang bộ đến mỗi tầng thì bồng bé lên sờ cái bảng số tầng và đọc số (nhà tôi tầng 11: leo xuống và leo lên). Tôi ngồi làm trạm thu phí cho bé chạy xe/đẩy xe đi qua và hai người phân vai nói đúng các cụm từ: “xe chờ – đưa tiền – mở cửa trạm – xe đi qua – đóng cửa lại”. Bé đã chơi y chang như vậy 7749 lần. Tôi nghĩ, một ngày nào đó tôi bị mất trí, điều cuối cùng tôi còn có thể nhớ là những cụm từ này. Hay trò mười hai giờ trưa dắt nhau xuống đường đến mấy cái cây xù xì hoặc có gai thì sờ và nói: “ui cha, gai chích, đau quá”. Mỗi trò như vậy chơi n lần nhân m buổi. Và luôn luôn tôi là người nản trước… Tôi dụ bé chơi trò khác hoặc tôi trốn đi làm việc riêng. Mặc kệ bé muốn làm gì thì làm, tôi phải nạp lại cái xô cảm xúc của tôi trước đã. Tôi đã tự nhủ với lòng mình là hôm nào đó tôi sẽ chơi trò của bé cho tới khi nào bé tự nản và chuyển qua trò chơi mới thì thôi. Nhưng gần như tôi chưa bao giờ thành công.
Mới đây thôi, như mọi lần, tôi xếp máy bay cho con tôi ném ra cửa sổ. Máy bay mà con tôi đã ném ra cửa sổ có thể tính theo ngàn chứ không tính trăm nữa. Những lần trước, đa phần khi con tôi lại gần cửa sổ ném máy bay thì tôi đang xếp chiếc tiếp theo. Khi con tôi ném xong sẽ tới bàn tôi đang ngồi để lấy chiếc mới. Lần này tôi không vội xếp chiếc mới mà lại gần nhìn con ném máy bay. Tôi thấy con tôi ngồi im không ném. Tôi nói bé: “Ném máy bay đi con”. Bé không trả lời mà nhìn xa xăm vào bầu trời. Bé cứ ngồi im một lúc lâu như vậy. Tôi định lấy máy bay mà bé cầm trên tay để ném. Bé nói: “Không” và giữ chặt máy bay lại. Rồi tôi thấy con áp tai vào song cửa sắt, đưa tay ra ngoài để cảm nhận tiếng gió. Mắt bé lim dim như đang cảm nhận điều gì đó mà tôi không thể cảm nhận được. Lúc này tôi mới để ý gió hơi nhiều. Rồi gió lặng lại và bé ném máy bay. Máy bay bay bồng bềnh rất đẹp và rớt xuống công viên sau nhà. Trong phút chốc, tôi hiểu ra bé đang chờ một cơn gió phù hợp mới ném máy bay đi. Tôi quan sát kỹ nhiều lần tiếp theo, bé đều chờ cơn gió phù hợp mới ném. Máy bay thì mỗi cái bay mỗi kiểu nhưng đều bay rất đẹp, rất nhẹ nhàng, bồng bềnh và thong thả.
Con trai tôi hiểu được tiếng gió.
Rồi chị gái của bé thấy hai mẹ con chơi vui quá nên cũng tham gia chơi cùng. Nhiều lúc chị gái ném, bé ra sức can ngăn nhưng khả năng ngôn ngữ của con chỉ có thể kéo chị lại và nói “không” nhưng chị gái vẫn ném. Tôi quan sát những lúc chị gái làm mà bé can ngăn không được thì máy bay thường bị một cơn gió to lùa đi vội vã và mất hút hoặc xoay tròn chúi đầu xuống đất và nhanh chóng vượt ra khỏi tầm mắt của mình. Chị gái của bé sau nhiều lần bị gió lùa máy bay đi mất thì công nhận rằng bé nghe tiếng gió giỏi hơn và sau đó tin tưởng vào sự chỉ đạo ném máy bay của bé. Đây không phải là lần đầu tôi nhìn con ném máy bay, nhưng đây là lần đầu tôi thực sự chú tâm đủ để có thể nhìn thấy điều mà con đang thấy. Và đây là thành công đầu đời của tôi: tôi đã chơi cho tới khi bé tự kết thúc cuộc chơi trước vì tôi thực sự quá hứng thú với trò này rồi. Và tôi càng vui hơn với thành công đầu đời trong hành trình đi vào khe hẹp. Tôi hân hoan tới tận mấy ngày sau đó và cả bây giờ, khi ngồi nhớ lại, cảm xúc của tôi thật khó tả thành lời. Trước đó, tôi cũng cảm nhận mình có thành công đôi chút về hiểu con. Nhưng nó chỉ là thành công về việc tôi hiểu con mình, hiểu khó khăn của con để chấp nhận và nâng đỡ. Hôm nay thành công của tôi không chỉ ở chỗ tôi hiểu con tôi, mà tôi còn cảm nhận được như con và vui niềm vui giống như con nên với tôi, thành công này mới là đỉnh của chóp.
Những hôm tiếp theo, tôi rủ bé chơi ném máy bay nhưng bé nhiều lúc không thèm chơi với tôi trò này nữa. Hoặc có lúc bé chỉ ném hai, ba chiếc rồi ngưng. Tôi cảm nhận rằng những khi đó, cơn gió không phù hợp để ném máy bay nên bé không chơi hoặc ngưng sớm. Tôi nhớ trước đây, nhiều lúc tôi đang rất bận nhưng bé nhất định bắt tôi xếp mấy chục chiếc máy bay để ném. Tôi xém nổi điên nhưng vì mục tiêu đi vào khe hẹp để dắt con ra nên tôi vẫn xếp trong hậm hực. Hình như đó là những ngày gió đẹp mà tôi đã bỏ qua mất rồi. Mấy nay tôi chờ ngày con tôi quay lại bắt tôi xếp máy bay nhưng cơn gió ấy vẫn chưa đến.
Có vẻ như khi bạn đã học được bài học trong một tình huống nào đó thì thượng đế không cần tạo thêm cơ hội nữa.
Đây là kinh nghiệm nghe tiếng gió của “đứa trẻ ngàn lần ném máy bay” mà chúng ta không có được. Bé không đủ ngôn ngữ để giải thích tại sao nên chờ một cơn gió phù hợp mới ném. Hay chính chúng ta đang quá đề cao việc giao tiếp bằng ngôn ngữ mà thiếu đi sự lắng nghe bằng tin tưởng và cảm nhận. Có người bạn nói với tôi rằng: Bạn ấy nhận ra bạn ấy không cần lời nói để hiểu đứa con chưa tới 2 tuổi chưa nói giỏi của mình. Con bạn ấy muốn gì thì bằng một cách nào đó bạn ấy đều biết được. Tôi nghe mà chưa dám tin ngay. Nhưng càng ngày tôi càng tin điều này: Có rất nhiều cách để hiểu. Cũng có rất nhiều cách để yêu. Có rất nhiều cách để sống. Bạn không cần hoàn hảo. Con bạn cũng không cần hoàn hảo. Mà thực ra không ai hoàn hảo. Ai cũng sinh ra, sống một cuộc đời KHÁC NHAU, rồi chết. Nên tôi đã chọn cho mình, cho con mình, cho gia đình mình vui vẻ trong phút giây hiện tại, ở đây.
Chúc bạn có chút thời gian cho bản thân, để tâm hồn lắng đọng xuống và tận hưởng món quà đặc biệt mà thượng đế đã chọn bạn để trao tặng. Chúc các bạn đi qua mùa dịch trong yêu thương và bình an. Sài Gòn, ngày được quây quần bên nhau thứ n, 2021.
Tâm sự từ một người mẹ có con Tự kỷ trong Group Chơi với trẻ tự kỷ, tăng động.