Bạn làm gì khi sửa một chiếc xe đạp gỉ?
Hãy tưởng tượng bạn có một cái xe đạp gỉ và bạn muốn sửa lại để dùng. Bạn sơn lại thật đẹp rồi nói “nhìn kìa, trông chẳng khác gì xe mới”. Nhưng thực ra nó vẫn là một cái xe đạp gỉ và chỉ một thời gian sau, sơn lại tróc và chỗ gỉ vẫn như cũ.
Ngược lại, bạn cũng có thể cạo hết chỗ gỉ đi rồi đánh bóng nó lại, sau đó mới sơn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều sức lực, nhiều hơn mọi người nghĩ. Nhưng vấn đề là sơn cái xe gỉ chỉ lừa phỉnh bạn thôi và sẽ không mang lại cho bạn kết quả mong muốn. Khi bạn cạo sạch gỉ và làm mới chiếc xe, chỉ khi đó, xe mới có thể thật sự chạy tốt vì không còn các vấn đề cốt lõi nữa.
Đây chính là sự khác biệt giữa thực hiện điều trị bề nổi và điều trị gốc rễ. Đáng buồn là điều này xảy ra hầu như trong mọi lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ trên thế giới. Khi chúng ta ốm, những thứ thuốc, đặc biệt là thuốc Tây mà các bác sĩ kê cho chúng ta hầu hết chỉ giúp làm giảm các triệu chứng, ít ai dành thời gian để giải thích và giúp chúng ta xử lý gốc rễ của các cơn đau đầu hay đau bụng để giúp cho những cơn đau đó không xảy ra về sau nữa, có lẽ một phần vì các công ty dược cần phải bán được nhiều thuốc.
Câu chuyện từ phụ huynh
Một phụ huynh đã từng kể với tôi là con cô hay cắn đầu bút khi làm bài. Cô đã vẽ mặt buồn dán lên đầu bút như là cách để giúp con nhớ không được cắn, nhưng rồi bé tháo mặt buồn đó ra để tiếp tục cắn, bé còn nói “mẹ để mặt buồn làm cho con không cắn được”. Nếu như nguyên nhân của việc cắn bút chỉ là do bé không nhớ lời mẹ dặn thì có thể cách xử lý của mẹ đã thành công, nhưng với hầu hết trẻ đặc biệt, nguyên nhân gốc rễ của nhiều hành vi là do các bé căng thẳng và lo lắng, và hành vi cắn bút chính là cách để giải toả lo lắng đó.
Rất nhiều các chương trình can thiệp hành vi của trẻ đặc biệt chỉ tập trung vào những gì các nhà trị liệu quan sát được: khóc lóc, la hét, đánh bạn, không nghe lời… và người ta thường sẽ tìm kiếm và thay đổi những gì xảy ra sau hành vi tuỳ theo các “chức năng” của hành vi đó : “thu hút sự chú ý”, “đạt được phần thưởng vật chất”, “trốn tránh hoạt động/nhiệm vụ”, “đạt được phần thưởng tự thân”.
Tôi cũng đã mất 7 năm để thực hành cách can thiệp này
Trong quá trình đó những câu hỏi như “ Tại sao trẻ lại phải thu hút sự chú ý?”, “Tại sao trẻ lại phải trốn tránh nhiệm vụ?”, “Tại sao trẻ lại cần phần thưởng tự thân”… đã luôn hiện ra trong đầu khi tôi thấy việc mình cố tình không chú ý đến trẻ (khi chức năng của hành vi là thu hút sự chú ý), không cho phép trẻ trốn tránh nhiệm vụ (khi chức năng của hành vi là trốn tránh nhiệm vụ) làm tôi luôn thấy không thoải mái.
Đặc biệt là việc ngăn trẻ làm những hành vi tự kích thích mà sau này tôi mới hiểu là chúng có tác dụng làm trẻ bớt căng thẳng. Điều này khiến tôi đến giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn còn cảm giác có lỗi. Cũng may mắn là những người tự kỷ, tăng động và cha mẹ họ đã giúp tôi tìm được các câu trả lời và thay đổi cách can thiệp của mình.
Nhưng đúng là giúp trẻ giải quyết các nguyên nhân thật sự của hành vi đòi hỏi rất nhiều sức lực và sự kiên trì.
Ví dụ để giúp một đứa trẻ bớt lo lắng có thể cần sự góp sức và thay đổi của tất cả những người lớn trong cuộc sống của trẻ, từ cha mẹ, các nhà trị liệu, thầy cô cho đến anh chị em hay ông bà.
Nếu bạn có thể đi tới gốc rễ thật sự của các hành vi và giải quyết triệt để, các hành vi đó sẽ không cần phải xảy ra nữa. Một vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều so với trường hợp cái xe đạp gỉ là nếu bạn chỉ xử lý những gì thuộc về bề nổi của hành vi của trẻ, ngoài việc bạn sẽ không thay đổi được hành vi, bạn còn có thể sẽ đánh mất lòng tin của trẻ dành cho bạn.
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
Xem thêm bài viết cùng tác giả: Chơi là nguồn năng lượng học hỏi vô tận