Ngày 15/02/2014, hai nhà nghiên cứu y khoa danh tiếng, bác sĩ Philip Landrigan và bác sĩ Philippe Grandjean đã kêu gọi kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng hóa chất công nghiệp trên toàn cầu nhằm ngăn chặn một bệnh dịch đang âm thầm hoành hành gây rối loạn trên não bộ của trẻ em, đó là chứng tự kỷ và chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).
“Chúng tôi lo sợ nhất là trẻ em trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng của những hóa chất độc hại. Chúng âm thầm lấy đi mất trí thông minh của các em, gây cho các em những hành vi rối loạn, hủy diệt tương lai của các em, và gây thiệt hại cho toàn xã hội.”
Đó là lời báo động của hai bác sĩ Philip Landrigan của Đại học Y khoa Mount Sinai, NY và bác sĩ Philippe Grandjean của Đại Học Y Tế Harvard, Boston trong phần kết luận của một nghiên cứu khoa học đăng trong báo Thần Kinh Học Lancet. Hai vị cho biết là tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi họ phải kêu gọi một hệ thống kiểm soát toàn cầu để bảo vệ các bộ não non nớt của trẻ em.
Không phải ngẫu nhiên mà các chứng rối loạn phát triển như tự kỷ và ADHD gia tăng một cách trầm trọng và đều đặn trên toàn cầu như hiện nay.
Hiện tại ở Mỹ 1/88 trẻ được chẩn đoán mang chứng tự kỷ, con số gia tăng 600 phần trăm trong 20 năm, và số trẻ mang chứng ADHD đã nhảy vọt lên 50 phần trăm trong 10 năm nay.
Những khiếm khuyết phát triển thần kinh não của trẻ em: Tự kỷ, ADHD, chứng khó đọc, và các khiếm khuyết về nhận thức hiện đang lan tràn trên khắp thế giới. Cả triệu trẻ đang bị những chứng này và càng ngày con số càng gia tăng. Khoảng từ 10-15% các trẻ sơ sinh bị các chứng rối loạn phát triển thuộc dạng thần kinh và não cũng như các hội chứng tự kỷ và ADHD đã lan tràn khắp thế giới. Những khiếm khuyết này đưa đến những hậu quả trầm trọng cho xã hội, chất lượng cuộc sống của trẻ em giảm sút, học vấn sa sút, và những hành vi rối loạn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của toàn thế giới gia tăng.
Mặc dù yếu tố gen đóng vai trò quan trọng, nhưng yếu tố gen cũng chỉ được xác định trong khoảng 30 tới 40 phần trăm số các trẻ bị chứng rối loạn phát triển, còn lại chúng ta không giải thích được tại sao những hội chứng này đã gia tăng nhanh chóng như vậy.
Chính những nghiên cứu khoa học đã cho thấy các hóa chất công nghiệp được dùng phổ biến trong môi sinh đã có ảnh hưởng lớn tới cái gọi là một “dịch độc” đang âm thầm hủy hoại an sinh của xã hội con người.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã cho biết số lượng hóa chất nguy hại tới các bộ não non nớt đã gia tăng gấp đôi trong 7 năm qua.
Hai nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của hóa chất công nghiệp từ 30 năm nay. Năm 2006 họ đã công bố 5 hóa chất độc hại đến sự phát triển của não bộ, gây nên một số chứng rối loạn phát triển thần kinh như tăng động giảm chú ý (ADHD), tự kỷ, chứng khó đọc (dyslexia) và các khiếm khuyết về nhận thức khác. Đó là thủy ngân methyl, asen (arsenic), biphenyl đã polyclo hóa (PCB) và toluene. Chất PCB dùng trong hằng trăm loại sơn, nhựa, đồ cao su và chất nhuộm. Chất toluene có trong các đồ gia dụng như chất làm lỏng sơn, bột giặt, sơn móng tay, chất tẩy và chống đông đá. Nhưng các chất này chỉ bị cấm ở Mỹ từ 1979.
Từ các nghiên cứu kế tiếp, hai ông đã công bố thêm 6 hóa chất độc hại khác nữa là manganese, fluoride, chlorpyrifos, dichlorodiphenyltrichloroethane, tetrachloroethylene và polybrominated diphenyl ether.
Landrigan cho biết là cứ mỗi năm họ tìm ra thêm một chất nguy hại cho bộ não đang phát triển của thai nhi hay trẻ sơ sinh. Hai ông khẳng định còn nhiều chất nữa chưa được xác định và công bố tiếp.
Theo Grandjean: “Qua các thí nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân trưởng thành, chúng tôi được biết là các hóa chất xâm nhập vào não bộ qua màng não huyết cản và gây ra nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh cho họ. Đối với trẻ em trong thời thai nhi, những hóa chất đó lại càng cực kỳ độc hại, vì bộ não đang phát triển là một cơ quan dễ bị tổn thương nhất, dễ bị những thiệt hại vĩnh viễn.”
“Những giảm sút liên tục về mức độ thông minh mà chúng tôi thấy ở trẻ em, thanh thiếu niên đã tiếp xúc với những hóa chất độc có thể dự đoán cho chúng ta biết rằng bệnh thoái hóa thần kinh sẽ là một vấn đề lớn cho xã hội sau này. Theo một nghiên cứu nước uống ở nhiều vùng ở Trung Quốc, chỉ số thông minh IQ của trẻ em ở những vùng nước uống có độ fluor cao, thấp hơn 7 điểm so với chỉ số IQ của trẻ em các vùng khác.”
Một loạt vấn đề nảy sinh khi bộ não bị đe dọa bởi những chất độc hại
Chỉ số IQ ảnh hưởng qua lại tới sự phát triển của một quốc gia. Một nước nghèo, thì dân số thường có IQ thấp, và IQ thấp lại đưa tới một xã hội nghèo hơn nữa. Các nước đang phát triển lại sử dụng nhiều hóa chất độc công nghiệp đó, các thuốc diệt sâu không được kiểm soát chặt chẽ, khiến vấn đề trầm trọng hơn. Môi sinh của họ không được bảo vệ an toàn và vòng luẩn quẩn IQ tác động kinh tế và xã hội sẽ liên tục xảy ra.
Theo Landrigan, điều đáng lo ngại không đơn giản ở chỉ số IQ mà thôi, mà là tất cả những vấn đề về hành vi như ADHD, trẻ không kiểm soát được những bùng nổ cảm xúc, những hành vi đưa tới những vấn đề rắc rối. Chúng kéo dài suốt từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Những tệ nạn xã hội, sử dụng ma túy, những hành vi bạo động sẽ gia tăng dẫn tới việc phải gia tăng các nhà giam, các chương trình cải tạo, và giáo dục đặc biệt.
Tại Mỹ, 20 năm sau khi người ta cấm sử dụng xăng dầu có chì, thì tỷ lệ án mạng đã giảm rõ rệt. Điều này chứng minh việc tiếp xúc với các hóa chất độc của con người ở tuổi thơ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển não bộ và hành vi khi trưởng thành. Chúng ta hiện có thể thấy những người già đã tiếp xúc với hóa chất chì đã bị sút giảm nhận biết và trí nhớ, tiếp xúc với manganese và các loại thuốc diệt sâu có chất rotenone, paraquat và maneb, trichloroethylene đưa tới chứng Parkinson.
Chất độc tràn lan trong đời sống hiện nay
Theo nghiên cứu, các sản phẩm của các công ty liên doanh mang cùng một thương hiệu quốc tế sản xuất ở châu Âu không có hóa chất độc hại trong khi sản xuất ở Mỹ thì lại đầy rẫy. Ví dụ chất phthalate ở trong các mỹ phẩm như dầu thơm, thuốc nhuộm tóc, xà bông gội đầu và tắm, đồ chơi nhựa, màn cửa plastic, các đồ nhựa để chứa thực phẩm và các lớp nhựa màng bọc. Chất đó có cả ở trong các ống dẫn nước bằng nhựa, các ống y khoa, các túi đựng chất lỏng, các thảm trải và vật liệu xây cất bằng chất vinyl, để làm cho nó dẻo dai. Và đặc biệt trong các đồ chơi trẻ em.
“Chúng tôi lo ngại là còn nhiều hóa chất khác trong các hàng gia dụng hằng ngày khiến bộ não trẻ em bị đe dọa, nhưng độ an toàn chưa bao giờ được thử nghiệm. Hiện nay chưa có những kiểm soát có thể bảo vệ trẻ em được khi các em tiếp xúc hằng ngày những chất độc đó trong quần áo, đồ chơi, bàn ghế, trong không khí.”
“Chúng ta cần hạn chế các chất độc đó trước sự gia tăng trầm trọng của bệnh tự kỷ và ADHD.” Đó là lời của bác sĩ Anagnostou của Trung tâm phục hồi cho thiếu nhi, Toronto. Ông cho rằng chúng ta có đủ bằng chứng là hóa chất có một phần gây ra các rối loạn phát triển như bệnh tự kỷ. Do đó chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng về vấn đề này.
Theo hai nhà khoa học, chúng ta đã không kiểm soát tính an toàn của các hóa chất độc hại đó, và bây giờ cần khẩn cấp nghiên cứu những tác hại lâu dài của chúng.
“Ngăn chặn sử dụng hóa chất độc hại để bảo vệ an toàn cho các thế hệ tương lai là giải pháp cấp thiết. Để ngăn chặn dịch bệnh rối loạn phát triển do các độc tố ảnh hưởng thần kinh, chúng tôi đề nghị một kế hoạch toàn cầu. Những hóa chất chưa được kiểm chứng là an toàn cho não bộ đang phát triển, và đang được dùng phải được kiểm chứng ngay lập tức. Chúng tôi đề nghị khẩn cấp lập ra một viện nghiên cứu quốc tế để đi tới bảo vệ cho các não bộ đang phát triển trên toàn cầu.”
Nguồn: Bản tin của cơ quan thông tấn CNN ngày 17/02/2014; 2. Công bố nghiên cứu y khoa của hai bác sĩ Philippe Grandjean và Philip Landrigan, Tác động của những hóa chất độc trên sự phát triển của não bộ và hành vi, xuất bản ngày 15/02/2014 trên báo khoa học Lancet Neurol, tr. 330-38, số 13, 2014,
Ghi chú: Chứng khó đọc (dyslexia) là một dạng khuyết tật học tập, một dạng rối loạn về đọc dễ nhận ra với những biểu hiện như khó khăn trong việc giải mã từng chữ, đánh vần, đọc đúng, đọc lưu loát… Theo thống kê của Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, có 70% – 80% số trẻ mắc chứng khó đọc trong tổng số trẻ khuyết tật học tập (learning disabilities) đến khám và trị liệu tại khoa.