Khi nói đến những vĩ nhân nói chung và những nhà học giả lỗi lạc nói riêng, hiếm có tên nào nổi bật như Einstein. Điều đáng tò mò là Einstein từng nói rằng “Chơi là dạng nghiên cứu cao cấp nhất (Play is a highest form of research)”.
Nghiên cứu bao gồm quan sát, thăm dò, thu thập các dữ liệu, liên kết các mảng thông tin, thử nghiệm các ý tưởng, hợp tác với các cộng sự… tất cả với mục đích là tìm phương án giải quyết hay làm sáng tỏ một vấn đề, một câu hỏi, một vướng mắc nào đó trôi nổi trong tâm trí. Nếu miêu tả “nghiên cứu” như vậy, thì có lẽ tất cả những người trưởng thành trong xã hội đều nghiên cứu. Hãy nghĩ mà xem. Nếu bạn làm một công việc văn phòng và quên chuẩn bị bữa trưa từ nhà, thì đến buổi trưa, không phải rằng bạn sẽ “nghiên cứu” để cứu vớt cái bụng cồn cào sao? Cho dù bạn là một họa sĩ, nghệ sĩ, hay làm trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ… bạn cũng sẽ nghiên cứu. Không có một ngoại lệ nào hết. Ngay cả một đứa trẻ, chơi cũng là một cách nghiên cứu.
Các học thuyết cổ điển nói chung nhìn nhận “chơi” như thứ giúp đốt bỏ năng lượng thừa, mang tính giải trí và thư giãn, tái tạo năng lượng sau khi đã làm việc cực nhọc. Vào thế kỷ 19, nhà học giả Herbert Spencer cho rằng “chơi” là một cơ chế để giải phóng năng lượng thừa không cần thiết cho mục đích sinh tồn.
Các học thuyết hiện đại xem xét “chơi” từ khía cạnh cách thức nó tác động tới sự phát triển của trẻ. Theo các nhà giáo dục Dietze và Kashin, “người học không còn được coi là một người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, mà là một người chủ động tạo ra ý nghĩa.”
Mặc dù ở bề mặt, nền giáo dục phổ cập phần nào mô phỏng “nghiên cứu” và giúp trẻ chuẩn bị cho cuộc sống sau này của người trưởng thành, nhưng chúng có những nhược điểm nhất định. Về bản chất, kiến thức trong nền giáo dục nói chung mang tính nhồi nhét từ ngoài vào và trẻ phải tiếp nhận một cách thụ động, không phải vì trẻ muốn có các kiến thức đó vì chúng mang nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng đối với bản thân trẻ, mà bởi vì trẻ phải có chúng thì mới qua được các kỳ thi. Tuy nhiên, đây lại chính là một thứ nữa đi ngược lại với sự “nghiên cứu” thật sự và vai trò trẻ sẽ đảm nhận khi trưởng thành.
Một người trưởng thành chủ động sắp xếp, lên kế hoạch thực hiện các thứ cần thiết tùy thuộc vào mục tiêu bản thân họ thấy cần, muốn và quyết định theo đuổi, không phải thực hiện các hoạt động để thỏa mãn các kỳ thi, về bản chất là các mục tiêu bên ngoài mà người khác áp đặt lên họ. Ngoài ra, có người có thể nói rằng những kiến thức nền giáo dục phổ cập dạy thật sự quan trọng đối với trẻ, bởi vì chúng là nền tảng trẻ dựa vào để hướng tới các công việc sau này. Ở điểm này, có bao nhiêu người trưởng thành thật sự nhớ và áp dụng phần lớn hoặc tất cả các kiến thức mình học thời tiểu học và phổ thông vào các công việc? Rất ít.
Việc đi học trong nền giáo dục phổ cập có một số lợi ích nhất định, nhưng không nhất thiết là tất cả những gì trẻ cần để phát triển toàn diện. “Chơi” đủ quan trọng để Liên Hợp Quốc phải công nhận đó là một quyền lợi cụ thể của trẻ em. Trẻ em cần sự tự do và cơ hội để chủ động thực hiện tất cả những gì diễn ra trong một công cuộc “nghiên cứu”, và chính trong quá trình chơi, trẻ em trực tiếp tập luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống khi trưởng thành. Trong khi chơi, trẻ thử nghiệm với những vật thể, trải nghiệm mới, giải quyết các vấn đề, chế tạo, sáng tạo, kiểm tra các ý tưởng và thăm dò, khám phá. Chính những tính chất cốt lõi của “chơi” mới có thể cho phép sự tập luyện sâu sắc này.
“Chơi” là như thế nào?
Nó đầy hứng thú và thú vị, và chính điều này kích thích trẻ dành trọn tâm trí vào trải nghiệm, cố gắng vắt óc để hiện thực hóa ý muốn của bản thân đối với trò chơi. Tiếp đến, chơi không có một mục tiêu nào ngoài chính trò chơi, hay nói cách khác, không có một hoạt động học tập nào nhất thiết phải xảy ra trong khi chơi, và chính sự “thiếu định hướng rõ ràng” này cho phép trẻ hoàn toàn mở rộng tâm trí, tự khám phá trải nghiệm và tự động não cố gắng tìm tòi, nắm bắt, thấu hiểu những gì đang diễn ra và giải quyết các khó khăn, thách thức gặp phải.
Ở bản chất, chơi diễn ra một cách ngẫu hứng và tự nguyện, và chính sự “thiếu cấu trúc rõ ràng” này làm mọi thứ sống động, mới mẻ và tự do, những tính chất luôn đi kèm với sự sáng tạo và tư duy đột phá. Quan trọng nhất, chơi bao hàm sự tham gia chủ động của người chơi, và đây là yếu tố quyết định việc liệu một người trưởng thành có thể hòa nhập hiệu quả vào xã hội hay không, đặc biệt vào thời buổi biến đổi vô cùng nhanh chóng với tính cạnh tranh rất cao hiện nay.
Sau cùng, chơi có thể bao hàm yếu tố giả vờ. Đây là một điều rất quan trọng bởi vì chơi không chỉ cho phép trẻ tái hiện lại những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với trẻ, và từ đó giúp trẻ nắm bắt, nhận biết và xử lý những gì diễn ra với bản thân hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chơi còn cho phép trẻ mường tượng, hình dung ra những bối cảnh khác hẳn, to lớn hơn nhiều so với những gì trẻ trực tiếp trải qua trong quá khứ, và chính điều này cho trẻ một cái nhìn toàn diện hơn về thế giới, không bị mặc kẹt trong một mảng nhỏ duy nhất là trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân hàng ngày của trẻ. Khi có một cái nhìn và tư duy toàn diện, thì trẻ sẽ hành xử và phát triển toàn diện hơn.
Các phương pháp giáo dục hiện đại Montessori và Steiner bao gồm rất nhiều yếu tố của “chơi” trong đường lối dẫn dắt sự phát triển. Một số ví dụ bao gồm trồng cây và chăm vườn, đi quanh khuôn viên trường và nhận dạng các loại cây, hoa và côn trùng, tạo các tác phẩm nghệ thuật sử dụng các chất liệu đa dạng như bút chì, đất sét, màu nước, giấy và phấn…
Tất cả những điều này có thể hơi trừu tượng cho đến khi bạn trực tiếp chơi với trẻ một cách đúng nghĩa như miêu tả ở trên, như một người đầy hứng thú muốn tham gia cùng hoạt động với trẻ, nhưng không đòi hỏi trẻ phải làm hệt theo ý mình, cũng như không trực tiếp áp đặt lên trẻ một kế hoạch, một mục tiêu, một đường lối cá nhân mình thấy có giá trị. Vai trò của mình chỉ đơn giản là chia sẻ khoảnh khắc cùng trẻ, chia sẻ kiến thức, góc nhìn và sau cùng trẻ sẽ tự đưa ra các quyết định cho bản thân và học hỏi từ các kết quả, hậu quả của các quyết định đó.
Ví dụ, trẻ chơi xếp hình. Trẻ xếp từng khối một chồng lên nhau, cố gắng xây một tòa tháp thật cao. Khi xếp tới một độ cao nhất định, tòa tháp đung đưa rồi đổ sập xuống bung ra thành nhiều mảnh. Trẻ thử xếp lại vài lần nữa tương tự như trước. Lại đổ xuống. Trẻ nhìn qua mẹ. Mẹ đang xếp một ngôi nhà to rộng và hơi cao. Thấy những gì đang diễn ra, mẹ giải thích là phần nền móng và thân càng to và rộng thì thứ mình xếp sẽ càng vững, ngay cả khi xếp lên rất cao. Nghe vậy, thay vì lấy từng khối một chồng lên nhau như trước, trẻ xếp hai khối cạnh nhau, rồi cứ thế chồng các lớp tiếp theo lên, mỗi lớp hai khối, và lần này tòa tháp lên được cao hơn trước, nhưng tới một độ cao nhất định, tòa tháp bắt đầu đung đưa rồi đổ sập xuống. Thấy vậy, trẻ chuyển qua xếp bốn khối cạnh nhau ở nền móng, rồi chồng các lớp tiếp theo lên, mỗi lớp bốn khối, và lần này khi đã xếp hết các khối, tòa tháp lên cao hơn tất cả các lần trước, và cũng đứng vững vàng. Thông qua trải nghiệm chơi, trẻ học được một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, cũng như thử nghiệm, kiểm nghiệm và áp dụng các kiến thức trẻ có.
Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, nhưng giúp minh họa bản chất của những trải nghiệm thiết yếu trẻ nên được có để khai mở tiềm năng trong con người trẻ, để phát triển các tính chất không thể thiếu cho tương lai, cho cuộc sống của một người trưởng thành. Sau cùng thì, sự học hỏi và phát triển không nhất thiết phải nhàm chán, tẻ nhạt. Nó hoàn toàn có thể vui nhộn, đầy hứng thú và cuốn hút trong khi “chơi.”
– Tư vấn viên Dương Mạnh Quân –