Chữ thương được viết như thế nào?
Có chữ thương viết ra thật ngọt ngào, có chữ thương được viết ra từ nụ cười thơ ngây, và lại có chữ thương được viết ra từ cơn đau.
Khi đến với các bạn ở Gánh Xiếc, chú chỉ mới là một cậu sinh viên vừa mới ra trường. Vết thương trên người dường như rất ít, nhưng giờ đây, khi được các bạn nhỏ thân thương gọi là “chú”, chú chẳng buồn đếm trên người mình đã đang có những vết thương nào nữa. Nghe có vẻ xót xa, nhưng đúng là nếu cứ đếm thì chẳng bao giờ đếm hết. Thay vào đó, chú nghĩ rằng, nó đã từng là dấu ấn của một chữ thương nào đó mà chú đã được nhận và cho đi trong cuộc đời này.
Một cậu bạn, chú gọi là cậu bạn vì đó chẳng phải là cậu bé (vì chả bé tí tẹo tèo teo nào), mà gọi là anh bạn cũng không hẳn (vì cậu còn nhỏ bằng nửa tuổi chú), nên thôi cậu bạn. Cậu bạn hay kẹp cổ chú mỗi lần đến Gánh Xiếc nếu chú là người đón. Có hôm mẹ cậu hỏi chú không đau sao, cậu kẹp mẹ thì đau lắm, chú cười haha và nói “Bạn của em mẹ ạ, tụi em toàn kẹp cổ nhau”. Cậu bạn ấy với chú như chỉ kẹp để cùng bước lên cầu thang, có người bạn cùng đồng hành để từng bước đi thêm vui hơn. Tính ra lâu rồi không kẹp cổ cũng nhớ, không biết bây giờ cậu ấy đã cao hơn chú bao nhiêu cái đầu rồi.
Có những ngày cậu bạn rất vui vẻ, thoải mái nhưng cũng có ngày cơn bùng nổ của bạn làm cô chú đứng lên ngồi xuống.
Có những ngày, cũng là cánh tay kẹp cổ ấy nhưng không phải là hai người bạn đi cùng nhau lên cầu thang mà là những cú ghì mạnh mà chú chỉ có thể để yên cố chịu đựng chờ đợi chứ không thể làm gì khác, vì nếu phản ứng lại chỉ càng đau hơn. Để rồi một lúc sau bạn dịu lại, chỉ còn nhìn thấy hai hàng nước mắt lăn trên gương mặt vì sự khó chịu kinh khủng nào đó bên trong mà không ai biết bạn đang thật sự trải qua.
Có những ngày, cậu bạn choàng tới ôm cứng ngắc, đập đầu cậu thật mạnh vào vai chú. Chỉ sau hai cú đập, cậu lùi xa về sau tìm thấy một bức tường và tự đập đầu vào đó. Khoảnh khắc đó, trong ánh mắt của bạn chú đọc được rằng bạn không muốn chú bị đau, bạn cố gắng lùi xa để chắc rằng trong lúc mất kiểm soát đó bạn không với lấy người chú nữa. Nếu chú tới gần để giúp thì bạn lách người sang chổ khác hoặc đẩy chú ra xa. Chú chỉ cố gắng đứng từ xa ném chính xác nhất có thể những vật mềm tới chỗ bạn để bạn đập đầu vào đó mà không bị thương. Mà thương nhất là bạn chỉ cố gắng đập đầu vào chỗ cứng để tìm kiếm cảm giác cho cơ thể chứ không đập vào chỗ mềm. Sẽ có những cách để giúp bạn không bị thương như lấy tấm thảm dày vừa đủ an toàn vừa cho bạn được cảm giác bạn mong muốn. Sau đó bạn cứ đập vào thảm như thế, ngồi trong phòng nghe rõ từng tiếng “binh, binh”.
Nếu cha mẹ đang có con là trẻ tự kỷ lớn, các bạn đang có quá nhiều thứ dữ dội bên trong mà chưa thể nói ra, chưa thể biết nó là gì nhưng nó vẫn đang hiện diện hằng ngày trong người các bạn và làm các bạn phải vật lộn với nó, thì có lẽ cha mẹ sẽ hiểu được những điều này rõ hơn ai hết. Sau những cơn bùng nổ, chú chỉ thấy ánh mắt đầy đau đớn với đôi mắt ướt nhẹp, những cái khịt mũi quen thuộc. Chú thì xót, thì thương mà quay qua quay lại thấy cậu bạn ngồi soi gương rồi, thấy chú thì cười.
Sau mỗi trận như thế, cơ thể sẽ đau và mệt, rồi một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, nửa năm. Có thể chú không còn nhớ nhiều về những nỗi đau đó nữa nhưng những ánh mắt, cảm nhận những nỗi đau mà bạn đã và đang chịu đựng thì chỉ có thể thương nhiều hơn mà thôi.
Những lần bùng nổ bên trên chỉ là những lần không thể nào chuẩn bị để tự bảo vệ bản thân nhưng với bản chất của chú, chú không kiềm lòng được khi nhìn bạn đang vật lộn như vậy. Cô Hoa hay nói “Con thấy không ổn thì cứ chạy vào nhà vệ sinh, bạn bên ngoài sẽ tự điều chỉnh”. Thật vậy, thực tế những gì cô Hoa nói là điều đúng, nhưng chú thi thoảng “lì lợm” lắm, tâm thế chạy là chạy nhưng nếu có thể ở lại với bạn được thì cố gắng ở lại thêm một chút. Nên nhiều khi chú được lãnh đủ, nào là “ăn đập, ăn cào, ăn cắn…” là cũng bởi vì cái lì đó.
Giờ viết những dòng này nước mắt thật sự đã rưng rưng. Chữ “thương” cũng đã viết, mà lòng thì vẫn cứ đau đáu những nỗi đau bên trong mà các bạn tự kỷ nói riêng và trẻ đặc biệt nói chung đang ngày ngày phải vượt qua.
Chú lại “thương” nhiều, nhiều.
– Chú Nhật Anh –