Chúng ta làm sao biết đứa trẻ đang nghĩ gì, trừ khi chúng nói cho chúng ta biết?
Vài năm trước, mình được làm việc với một em học sinh lớp 6. Theo mẹ thì em không tập trung và học lực rất yếu, đôi khi mẹ phải làm giúp em để em không bị cô giáo mắng, có khi cả hai mẹ con phải thức tận khuya để làm bài tập. Biết em rất thích nấu ăn, thích được chơi với chó, thích được lắng nghe và thích được khích lệ, mình đáp ứng sở thích của em bằng cách mua đồ về cùng em nấu những món em thích, chở em đi đến các quán cà phê có nuôi chó để em vui – điều mà từ trước giờ em vẫn bị cấm.
Rồi một ngày, em mở lòng nói với mình rằng: “Chị ơi, có phải em bị tự kỷ không?” Mình ngạc nhiên: “Tại sao em hỏi như vậy?” Em trả lời: “Từ hồi em học lớp 3 cô giáo nói em như vậy, rồi bạn bè em cũng nói em như vậy, đến lớp 6 em cũng bị nói như vậy. Đôi khi em rất chán và muốn tự tử…”
Mình lặng người. Em đã để suy nghĩ này của mình trong lòng rất lâu, để rồi hôm nay mới giãi bày ra được. Trường học, cô giáo, bạn bè, thực sự có ai hiểu những gì họ nói có nghĩa là gì không? Rõ ràng, chỉ là em không tập trung và học lực yếu. Và dù em có giống như những gì mọi người nói, thì cũng chẳng có gì đáng sợ, mà đáng sợ hơn là thái độ mà họ dành cho em. Sau lần trò chuyện đó, mình đã trao đổi với mẹ em. Mẹ em học cách hiểu con hơn, lắng nghe con tâm sự hơn, rồi em cũng tự giác học mẹ không can thiệp vào đó nữa.
Một vài bạn nhỏ đặc biệt khác, mình hỏi đến trường ai là bạn của con. Câu trả lời nhận được là những cái tên, rồi chính bạn đó luôn đánh con, lấy đồ của con, trêu chọc con nhưng đôi khi cũng giúp con… Dù con nói được nhưng cũng khó diễn tả cảm xúc của chính mình cho người khác hiểu là con vui hay con khó chịu về điều đó.
Cha mẹ nghĩ, con cần đến trường để có môi trường học tập, có bạn bè con sẽ học cách giao tiếp với bạn. Đó là một cách tốt để giúp con nếu con có sự thích nghi tốt, nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Đối với các bạn có khả năng học thuật thì việc tiếp thu nó chắc hẳn sẽ dễ dàng hơn, còn các bạn nhỏ mặc dù chưa có ngôn ngữ hoặc có nhưng ít thì sao? Có lẽ đó sẽ là hàng rào đầy thép gai cho con.
Tại sao là hàng rào đầy thép gai mà không phải hàng rào bê tông? Bởi mình nghĩ rằng, các con sẽ trải qua rất nhiều thử thách: môi trường mới, các mối quan hệ giữa thầy cô và bạn bè, thời gian con ngồi trong lớp, và những bài học liên quan đến học thuật… ti tỉ thứ mà con chưa hiểu nó ra làm sao, con bắt buộc phải nhồi nhét tất cả vào đầu và xử lý những khó chịu bên trong con.
Vượt qua được hàng rào này, có lẽ cơ thể con sẽ nhiều trầy trụa chi chít những vết thương lòng lắm.
– Tư vấn viên Đậu Hoài Bảo Trân –