Một lời khích lệ con trẻ hay người đồng hành đôi khi sẽ là bàn đạp cho họ tiến về phía trước, nhưng một lời chê bai cũng có thể lay đổ niềm tin bên trong dữ dội.
“Ngu quá, bài dễ thế mà không làm được!”
Lời cô giáo quát tôi giữa lớp, khiến mặt tôi đỏ bừng. Một lúc sau, nó chuyển sang tái mét. Tôi cảm thấy ù tai và chóng chánh. Cả lớp cười vang rần. Kể từ đó, tôi luôn cảm thấy tự ti, sợ cảm giác lên bảng hay phải đứng trước đám đông. Tôi chỉ ước, giá như cô giáo có thể nói bằng cách khác, nếu không động viên được cũng chẳng sao, nhưng đừng chửi tôi trước tập thể như thế.
Tôi tự hỏi, có lúc nào bố mẹ tự đếm xem, trong ba mươi phút hay một giờ chơi với con, mình đã hỏi con bao nhiêu lần? Mình gây sự chú ý để con phải quay sang nhìn miễn cưỡng bao nhiêu lần? Hay đếm mình đã khen/công nhận những gì con làm được bao nhiêu lần hay chưa?
Sau này, khi làm việc với nhiều bạn nhỏ, tôi tự thay đổi thói quen cho mình. Nếu trước đây tôi sẽ chăm chăm vào những gì các bạn chưa làm được thì bây giờ tôi sẽ chú ý và ghi lại những gì các bạn làm được, kể cả cười một nụ cười chóng vánh. Ban đầu danh sách đó chỉ lác đác hai, ba điều thôi, rồi dần dà tôi đếm được mười và sau này danh sách đó ngày một dài hơn.
Ồ, nó cực kỳ có hiệu quả! Tôi phá vỡ những định kiến trước đây dành cho các bạn, như “À thì, cái này khó thế thì làm sao con làm được”, “Trẻ tự kỷ không hiểu những gì chúng ta nói đâu” hoặc đôi khi vô tình dán nhãn cá nhân cho các bạn: hung hăng, hay đòi hỏi, dễ bùng nổ, phiền nhiễu… Và lúc này đây, trong mắt tôi, các bạn có đầy năng lực để làm được nhiều hơn những gì mình tưởng tượng.
Tôi không đếm được nữa, vì bây giờ danh sách mà các bạn làm được đã là vô cực. Niềm tin trong tôi mỗi ngày được củng cố mãnh liệt hơn, vững chắc hơn.
Còn cha mẹ thì sao? Mọi người có muốn đếm không? Hãy thử cầm bút lên, và thử xem, ngày hôm nay con đã làm được những gì nhé!
– Tư vấn viên Đậu Hoài Bảo Trân –