Chúng ta đã biết những sự thiếu chắc chắn của xã hội gây ra rất nhiều lo lắng cho những người tự kỷ. Cố gắng định hướng trong một thế giới với các quy tắc xã hội vô hình như ngôn ngữ mơ hồ, các ý nghĩa ẩn, các giao tiếp phi ngôn ngữ, các quan điểm khác biệt thường khiến những người tự kỷ đoán sai, đọc sai các dấu hiệu và trở nên thiếu đồng bộ với người khác. Sự khó đoán trong xã hội của chúng ta tự nhiên đã gây ra các lo lắng. Với những kỳ vọng của mọi người, ý nghĩa của các kỳ vọng đó, trẻ phải hành động như thế nào, phải nói gì? Chúng mệt mỏi, kiệt sức, và lo lắng.
Ngoài sự thiếu chắc chắn này, một nguồn lo lắng lớn khác đến từ những phản hồi/nhận xét tiêu cực trẻ nhận được từ những người xung quanh.
Khi lớn lên, người tự kỷ thường có nhiều năm tháng nhận được các nhận xét tiêu cực. Khi hành vi của bạn không phù hợp với mong đợi của người khác, bạn sẽ bị gắn mác là lười biếng, ngu ngốc, thô lỗ, chống đối và thách thức. Khi mọi người không hiểu sự khác biệt trong xử lý cảm giác của bạn, họ giải thích hành vi của bạn là có chủ ý và bạn cần một kỷ luật tốt và kiên quyết.
Những đứa trẻ này liên tục chịu những phản hồi tiêu cực, thiếu công nhận từ những người khác, bất kể chúng cố gắng thế nào. Những người khác thường từ chối hiểu các khác biệt trong xử lý cảm giác và la mắng làm trẻ xấu hổ, ra lệnh và yêu cầu trẻ phải thay đổi. Và những đứa trẻ tự kỷ học được từ rất sớm rằng sự khác biệt tự kỷ của chúng là xấu, bị lỗi và cần phải bị kìm nén.
Giả vờ làm người bình thường!
Từ những năm đầu tiên, chúng ta thường tập trung vào việc dạy trẻ trở nên bình thường nhất có thể. Không ngừng cố gắng thay đổi chúng, để hành động bình thường và ngăn chặn chứng tự kỷ của chúng. Yêu cầu chúng kìm nén các hành vi tự kích thích, ngăn chặn những hành vi kỳ quặc, cho chúng các giá trị bắt buộc, bắt chúng tham gia xã hội nhiều hơn và phải liên tục giả vờ mình bình thường.
Điều này có một số tác động tiêu cực đến trẻ tự kỷ:
- Nó dạy chúng rằng chúng thiếu giá trị, bị lỗi và cần phải thay đổi. Tạo ra lòng tự trọng kém, bản sắc yếu, lo lắng lan tỏa và trầm cảm.
- Việc kìm nén các hành vi như tự kích thích và các mối quan tâm kỳ quặc đòi hỏi nỗ lực có ý thức, làm cho chúng bị kiệt sức về mặt nhận thức và mệt mỏi về mặt cảm xúc. Tự kích thích là một cơ chế tự nhiên để giảm lo lắng và điều hòa hệ thần kinh. Nhiều hành vi lặp đi lặp lại của trẻ tự kỷ là các cơ chế đối phó thích ứng. Nỗ lực kìm nén những hành vi này sẽ chỉ làm tăng sự lo lắng và cuối cùng dẫn đến “kiệt sức tự kỷ”. Cố gắng thay đổi hành vi mà không hiểu và tôn trọng các chức năng của các hành vi đó là rất nguy hiểm.
- Việc không ngừng cố gắng dạy, huấn luyện và trị liệu cho trẻ nói, suy nghĩ và hành động như người bình thường chính là đang đem đến các phản hồi thiếu công nhận, rằng trẻ bị lỗi, không xứng đáng và cần phải thay đổi. Điều này có thể dẫn đến người tự kỷ cố gắng kìm nén chứng tự kỷ của họ, cố giả vờ bình thường và giả mạo việc họ là ai.
Chúng ta càng cố gắng để thay đổi trẻ, chúng ta càng có nguy cơ không công nhận chúng, giao tiếp rằng chúng không đủ tốt hoặc không xứng đáng.
Thật không may, trong những mong muốn đầu tiên của chúng ta khi thay đổi trẻ, thông thường, sự hỗ trợ của chúng ta chỉ đem cho chúng thông điệp rằng chúng bị lỗi, không xứng đáng, và chúng cần phải là một cái gì đó không phải là chúng. Chúng ta phải cẩn thận khi lôi chúng đi từ phương pháp trị liệu này sang phương pháp trị liệu khác, thiết kế các bảng kế hoạch can thiệp hành vi, uốn nắn các hành vi thường không có ý nghĩa gì với chúng, nói với chúng rằng chúng bị lỗi và không được chấp nhận. Các phản hồi tiêu cực liên tục này dẫn đến lo lắng và trầm cảm lan tỏa.
Đứa trẻ cần sự hiểu biết và chấp nhận trước, sau đó sự hỗ trợ yêu thương để phát triển.
Chúng ta cần dừng lại và trước tiên giao tiếp với trẻ tình yêu vô điều kiện cho dù trẻ là ai, chấp nhận và tôn trọng chúng, và sau đó hỗ trợ với tình yêu thương để giúp trẻ phát triển. Không khác gì những đứa trẻ khác.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không dạy cho chúng các kỹ năng sống, các đặc điểm xã hội để chúng có thể điều chỉnh trong xã hội của chúng ta và điều trị các rối loạn đồng thời xảy ra như lo lắng, rối loạn cảm giác và các vấn đề sức khoẻ. Nhưng khi chúng ta liên tục cố gắng khiến chúng kìm nén hành vi tự kích thích, bỏ qua các khác biệt về xử lý cảm giác của trẻ và cố gắng dạy chúng trở thành một thứ gì đó không phải là chúng. Chúng ta có nguy cơ không công nhận sự tồn tại của chúng, tạo ra con đường dẫn trẻ đến sự hoảng loạn và tuyệt vọng trong tương lai.
– Bill Nason –
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa biên dịch –