Bạn có mệt mỏi vì mỗi lần cắt tóc cho con lại là một cực hình không? Bạn có cảm thấy chán nản mỗi khi bạn và gia đình lên cả một kịch bản để “dụ” con cắt tóc?
Có rất nhiều ông bố, bà mẹ cũng giống như bạn. Với một việc tưởng chừng như đơn giản và rất dễ dàng với mọi đứa trẻ khác, thì với đứa trẻ của bạn, bạn cảm tưởng như con đang bị tra tấn vậy. Người này giữ tay, người kia giữ đầu, đi ra tiệm thì làm um sùm lên cả quán của người khác: tiếng la hét, tiếng khóc lóc… Mắt con ánh lên sự sợ hãi, cáu giận, nhưng cũng là sự khẩn cầu, van xin rằng: “Mẹ ơi về nhà đi, con không muốn cắt tóc đâu!” Bạn vừa luống cuống, vừa xấu hổ. Một lúc sau thì bạn cũng bùng nổ theo con. Và cuối cùng lại bất lực đưa con về nhà.
Có những lúc cũng xong chuyện đấy, tóc cũng cắt xong. Thế nhưng đầu tóc con nham nhở do con vùng vẫy hoặc khi con đang ngủ phải cắt lén lút. Hay có khi cả nhà vừa trải qua một trận chiến, mồ hôi nhễ nhại, mọi người phải phối hợp vô cùng ăn ý thì mới xong chuyện. Dù vậy, đứa trẻ vẫn sợ hãi. Và chỉ cần nói đến từ “cắt tóc”, nó đã ôm tai bỏ chạy.
Nếu bạn nhận thấy mình và con của mình trong những ý kể trên, thì chúng tôi hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Tất cả những việc làm mà rất nhiều gia đình đang áp dụng cho việc cắt tóc của con như cắt tóc lúc con đang ngủ, “dụ” con ra tiệm cắt tóc bằng một cách nào đó (treo phần thưởng, nói dối) hay tệ nhất là ép bằng được con cắt tóc. Tất cả chỉ làm tăng thêm sự bất ổn, tạo cảm giác mất kiểm soát và sợ hãi ở phía con. Và chắc chắn đó không phải là những biện pháp lâu dài.
Trước tiên, chúng tôi muốn các cha mẹ trả lời câu hỏi lớn nhất trong tình huống này: VÌ SAO CẦN CẮT TÓC CHO TRẺ TỰ KỶ?
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ, thật ngớ ngẩn, tại sao lại hỏi câu hỏi này cơ chứ. Nhưng hãy bình tĩnh, mọi thứ đều có nguyên do của nó. Việc mong muốn con mình có một bộ tóc đẹp đẽ, hợp thời trang, phù hợp với giới tính không có gì sai cả. Nhưng với những khó khăn về rối loạn xử lý cảm giác mà con đang gặp phải, thì đây quả là một cực hình. Bạn đã từng nhìn thấy con khóc lóc, la hét. Chắc chắn bạn là người hiểu rõ nhất việc đó kinh khủng như thế nào với con của mình rồi.
Nhưng bạn vẫn cố, bởi mong muốn con có một mái tóc đẹp và mát mẻ.
Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ là con cắt tóc sẽ mát nhưng thực tế đứa trẻ cũng chẳng cần cột tóc lên để bản thân chúng… thấy mát. Và chúng ta lại nghĩ rằng, cắt tóc lại là một phần của chăm sóc sức khỏe. Nhưng liệu có phải thực sự như vậy không? Nếu con của bạn gặp vấn đề về da liễu (mắc một số bệnh về da đầu) thì có thể. Nhưng với các trường hợp khác, các cha mẹ hãy cùng nhau suy nghĩ nhé.
Chúng tôi nghĩ, lợi ích duy nhất của việc con sẵn sàng chịu cắt tóc là tóc của con sẽ không rũ xuống che mặt hoặc che tai của con, nhờ thế mà con sẽ dễ dàng nhìn và giao tiếp với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, không cần phải cắt tóc mới làm được việc đó. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ tóc của con theo một kiểu cách nào đó để dễ kiểm soát, việc này giúp con trông thu hút với các bạn đồng trang lứa. Nhưng nếu đứa trẻ đang khó chịu và chưa sẵn sàng, điều cần ngay lúc này, có lẽ là sự bình tĩnh của tất cả chúng ta.
Để trả lời câu hỏi trên, cha mẹ có thể trả lời các câu hỏi nhỏ:
- Cắt tóc cho trẻ tự kỷ có nên là một giới hạn không? Chúng tôi đã từng chia sẻ về việc trao cho con quyền kiểm soát tối đa trong cuộc sống hàng ngày. Dù có giới hạn thì phải nhất quán và chỉ chiếm 10% trong một ngày thôi. Vậy cắt tóc có nên nằm trong 10% đó? Chúng ta có nhất thiết phải tranh giành quyền kiểm soát với việc cắt tóc này?
- Cắt tóc cho trẻ tự kỷ mang lại những lợi ích nào?
- Đánh đổi với việc tạo ra sự căng thẳng với con, thì cắt tóc có quan trọng đến mức phải thực hiện không?
- Nếu bắt buộc phải thực hiện, thì chúng ta sẽ thực hiện đến mức độ nào?
Bây giờ, chúng ta cùng nhau vào phần quan trọng nhất! Vậy bí quyết để có thể hỗ trợ việc cắt tóc cho trẻ tự kỷ là gì?
Chúng tôi gợi ý cho bạn 4 bước trước khi có thể tiến đến việc cắt tóc cho trẻ tự kỷ như sau:
Bước 1: Tạo nền tảng cho sự thoải mái
– Xây dựng kết nối với mọi người trong gia đình là yếu tố hàng đầu.
Việc xây dựng các mối quan hệ sẽ là điều kiện đủ để khiến cho trẻ cảm thấy an toàn, chấp nhận và tôn trọng. Trong tất cả các hoạt động với con của mình, hãy trở thành một người bạn thân thiện, chấp nhận con, hiện diện với con một cách chân thành và thoải mái. Điều này sẽ tiến tới cho việc giúp tinh thần con ổn định, từ đó sẽ điều chỉnh tốt hơn. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình hãy tạo điều kiện và cơ hội để trẻ được nhìn người khác cắt tóc. Ví dụ như khi các thành viên cắt tóc cho nhau hay là đi ra ngoài cắt tóc.
– Vận động thể chất là phần quan trọng
Chúng tôi khuyến khích cha mẹ hãy cho trẻ vận động thật nhiều mỗi ngày. Chúng ta biết rằng trẻ của chúng ta gặp rất nhiều vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác. Vì vậy vận động sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc điều hòa các giác quan. Các hoạt động như bơi, leo trèo, xích đu, bê vác vật nặng cũng như hoạt động massage sẽ giúp cho con được giảm tải các rối loạn về cảm giác. Từ đó con sẽ bình tĩnh và tự chủ tốt hơn. Tuy nhiên cha mẹ hãy nhớ là mình sẽ mời gọi và tìm động lực để con vận động, chứ không phải là bắt ép con nhé!
– Giúp con làm quen với các yếu tố trong tình huống cắt tóc và dễ chấp nhận nếu tình huống cắt tóc xảy ra
Trong phòng chơi 1-1, khi trẻ đưa đến cho chúng ta dấu hiệu đèn xanh. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tương tác của con với mình. Ví dụ con nhìn, cười, ngồi vào lòng hoặc nói yêu cầu, cha mẹ có thể massage đầu cho con. Nếu trẻ không cho mình chạm vào đầu, hãy cảm ơn và nói không sao cả. Bên cạnh đó, hãy chơi với đồ chơi liên quan đến việc cắt tóc trong phòng chơi như kéo (đồ chơi), tông đơ (không có pin), lược…
– Tạo động lực trong các trò chơi bằng những thứ mà con yêu thích.
Nếu con thích búp bê hoặc siêu nhân, chúng ta có thể tưởng tượng ra các trò chơi và chơi cùng với con, rằng đưa búp bê/siêu nhân đi cắt tóc. Hãy cho con làm thợ cắt tóc chẳng hạn. Hoặc nếu con thần tượng ai đó (MC, diễn viên), bạn có thể in các tấm hình của người đó với mái tóc mà họ đang có, rồi chơi trong các trò chơi, hào hứng nói với con về việc người đó có mái tóc như thế nào, nếu tóc thế này thì bao nhiêu lâu họ phải đi cắt một lần. Làm gì cũng được, miễn con vui là được.
Nếu con có thể trò chuyện và quan sát tốt, bạn có thể giải thích việc cắt tóc thông qua các câu chuyện diễn tả các hành động liên quan, như tỉa cây, cắt lông (cho thú cưng).
Bước 2: Chuẩn bị cho hoạt động cắt tóc
Đã bao giờ bạn nghĩ vì sao lại có nhiều dịch vụ phát sinh ở một tiệm cắt tóc chưa?
Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mà không muốn đến tiệm cắt tóc mà lại được tận tình masssage da đầu, rửa mặt chăm sóc da, được ngồi trong điều hòa mát lạnh, nghe nhạc du dương, uống một ly sinh tố và tận hưởng một không gian siêu thư giãn cả nhỉ.
Tất cả mọi dịch vụ phát sinh ra ở tiệm cắt tóc, không đơn giản chỉ để cho con người cảm thấy thoải mái, mà có lẽ là cần thiết để “át” đi những sự khó chịu mà hoạt động cắt tóc gây ra: phải ngồi hàng giờ đồng hồ, mùi thuốc tóc nồng nặc, tiếng kéo lẻng xẻng hay tiếng ép tóc xì xèo, việc đụng đến da đầu khi kéo tóc, kẹp tóc cũng là một sự khó chịu, chưa kể đó là nơi mà chúng ta sẽ phải quấn một cái áo choàng to đùng không mấy thoải mái nữa.
Nói đến đây thì có thể cũng đã hiểu vì sao trẻ tự kỷ lại khó chịu với việc cắt tóc rồi đúng không?
Bởi đó là một trải nghiệm đa giác quan cực độ: những vụn tóc rớt lên da nhạy cảm của con, tiếng kéo/tông đơ, cảm giác áo choàng quàng quanh cổ, sự nhạy cảm của da đầu… Tất cả đều quá tải với con, khiến con cảm thấy đó là một điều kinh khủng. Vậy để chuẩn bị cho hoạt động cắt tóc này, chúng ta cần hạn chế tối đã những điều trên xảy ra khiến con cảm thấy khó chịu. Một số ví dụ có thể hỗ trợ như: xịt tóc ướt để tránh các vụn tóc rớt trên da, sử dụng kéo không gây âm thanh…
Bước 3: Lên kế hoạch
Việc thông báo và lên kế hoạch cho hoạt động cắt tóc là một điều cực kỳ cần thiết. Hãy cho con chọn một ngày con muốn cắt tóc hoặc bạn hãy chọn một ngày nào đó và thông báo cho con cụ thể về ngày, giờ, tuần… Bao nhiêu lâu con sẽ cắt tóc một lần, và vào khi nào, số nét cắt là bao nhiêu. Và hãy cho con một sự yên tâm bằng cách nói với con “bố, mẹ sẽ không làm rơi tóc trên da của con” hoặc “bố, mẹ sẽ dừng lại nếu con cảm thấy không thoải mái”.
Vào ngày mà con sẽ cắt tóc, sẽ tuyệt vời nếu bố mẹ làm một lịch trình bằng hình ảnh để con dễ hình dung ra. Lịch trình này sẽ được chia sẻ vào những ngày gần ngày sẽ thực hiện việc cắt tóc. Điều này sẽ giúp con cảm thấy an tâm hơn và dễ dàng chấp nhận hơn.
Bước 4: Thoải mái với việc con từ chối
Một khi con đã làm bạn với quá trình và thư giãn, hãy đề nghị xem bạn có thể cắt tóc được cho con hay không. Chúng ta sẽ bắt đầu với một nhúm tóc nhỏ trước. Hãy khen con thật hào hứng, chân thành và đầy năng lượng khi con cho phép bạn cắt tóc. Tiếp tục thử với nhúm tóc nhỏ tiếp theo.
Nếu con từ chối để bạn cắt tóc, hãy trao cho con quyền kiểm soát và biết rằng con cần nhiều thời gian hơn để làm quen với quy trình này. Đã có rất nhiều cậu bé để mái tóc dài thật đáng yêu, và cũng nhiều cô bé có mái tóc thướt tha chẳng hề luộm thuộm nếu không cắt tóc.
Để có thể tiếp tục được với các bước trên, chúng ta hãy giữ cho mình sự kiên định và một thái độ cực kỳ thoải mái. Hãy có niềm tin và yên tâm rằng, đến khi con sẵn sàng, con sẽ quen với việc cắt tóc và thậm chí sẽ để bạn dắt con đến thợ cắt tóc vào một ngày không xa. Khi con đã quen với việc cắt tóc tại nhà, ít nhất là 2 tháng, lúc đó bạn hãy nghĩ tới việc đưa con đến tiệm cắt tóc nhé.
Hãy nhớ: bình tĩnh và thoải mái!
Khóa học hỗ trợ cha mẹ biết cách xây dựng kết nối với con: https://ganhxiecnhaju.org/chuong-trinh-tap-huan-tri-lieu…/
Chúc cha mẹ thành công!