Đã bao lần bạn cố gắng vít ga thật mạnh để “vượt” qua những giây đếm ngược cuối cùng của đèn xanh, nhường chỗ cho đèn vàng và sau đó được nửa chặng vượt là… đèn đỏ?
Đã bao lần giữa trưa hè oi bức, hay chỗ vắng không một bóng người lẫn công an, bạn ngó trước ngó sau rồi cũng đánh liều “vượt” đèn đỏ? Rồi cả những lần khi chỉ còn 2 giây nữa thôi là đèn xanh vụt sáng, nhưng bạn vẫn bất chấp “vượt” dù đã kiên nhẫn được 33 giây đèn đỏ trước đó?
Vượt đèn đỏ được gì?
Trong cả 3 tình huống trên, suy cho cùng vẫn là thử lòng kiên nhẫn của bạn, và cả 3 đều ở trong khái niệm “Vượt đèn đỏ”. Đèn vàng là chậm lại, đèn đỏ là dừng, nhưng với các tình huống trên, đèn đỏ đều là đèn “cố vượt”.
Sau những lần như vậy, có lẽ là bạn sẽ có cảm giác thỏa mãn và thở phào “cuối cùng cũng qua”. Nhưng bạn đâu biết rằng, trong tất cả các tình huống, chúng ta đều có thể gây ra tai nạn với góc ngã tư bên này, và bị phạt tiền nếu như phía xa có công an mà bạn không nhìn thấy? Chắc chắn bạn đều không muốn những điều đó xảy ra rồi.
Đồng ý, nếu bây giờ những điều trên không xảy ra và bạn thành công với nhiều lần “vượt”, thì nghiêm trọng hơn là dần dần ý thức chấp hành Luật giao thông của bạn sẽ chẳng còn nữa. Niềm tin về việc “lần này qua được thì những lần khác chắc chắn cũng trót lọt” sẽ biến chúng ta thành một người vô ý thức lúc nào không hay? Dần dần, bạn sẽ mất đi sự kết nối với Luật lệ, sâu xa hơn là kết nối với xã hội.
Sai lầm khi can thiệp trẻ
Trong can thiệp trẻ tự kỷ cũng vậy. Sai lầm lớn nhất mà chúng ta hay mắc phải, đó là cố gắng “dạy” hay “đưa ra thử thách” cho con khi con chưa sẵn sàng tiếp nhận các thông tin mới. Ví dụ, khi con đang thực hiện các hành vi stims (hành vi lặp đi lặp lại), lúc đó con không giao tiếp bằng lời nói với chúng ta, không phản hồi khi được gọi tên, khi đó con đang gửi đến cho chúng ta một “tín hiệu đèn đỏ”.
Việc của chúng ta trong thời điểm này là gì? Hãy hít thở, và hòa mình với con bằng cách hãy làm giống những gì mà con đang làm, một cách chân thành và đầy thích thú. Đừng gắng gượng hay sao chép một cách cho có, mà hãy dùng tình yêu thương, sự chấp nhận và không phán xét. Con vui, mẹ cũng vui. Con đang lẩm bẩm, bạn cũng sẽ lẩm bẩm theo con. Con vẩy tay, bạn cũng sẽ vẩy một cách đầy hứng thú. Con đi lại, bạn cũng đi lại. Hãy vui vẻ cảm ơn con khi con nhìn sang bạn, và nếu con nhìn bạn thật lâu, thật vui, lúc đó mới dạy hay thử thách!
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng như vậy là không dạy con được cái gì. Đừng vội, thời gian kết nối với con sẽ quan trọng hơn, và khi thời gian kết nối đủ mạnh, bạn sẽ không phải thúc ép chính mình đạt được những mục tiêu với con của mình.
Đèn đỏ càng lâu, cơ hội kết nối càng lớn
Trong phòng chơi, nếu đèn đỏ kéo dài quá lâu, cơ hội kết nối của bạn… càng lớn. Thật kỳ lạ, phải không, nhưng nó chính là vậy đấy. Và nếu bạn không đủ kiên nhẫn và vượt đèn đỏ nhiều lần, điều gì sẽ xảy ra?
Có thể trong một hai lần, bạn vượt đèn đỏ thành công (ví dụ gọi mười lần thì một lần con quay lại chẳng hạn, hoặc khi bạn thấy con chơi hoài một thứ mà không chuyển sang đồ chơi khác, bạn lấy đồ chơi của con đi và khiến con phải nhìn bạn, hay đơn giản là khi con đang chơi thì bạn làm điều gì đó để đánh lạc hướng con đi – tình huống này xảy ra khá phổ biến), nhưng đó chỉ là một sự… thành công tức thời mà thôi.
Vượt đèn đỏ một lần,sẽ được chấp nhận, nhưng vô tình lại khiến cho sợi dây kết nối của bạn với con lại càng mỏng manh hơn. Con sẽ cảm thấy không an toàn, cảm thấy bị kiểm soát, và khả năng cao là con sẽ… cảnh giác bạn hơn và căng thẳng hơn, mà căng thẳng hơn thì lại… stims nhiều hơn. Đến một lúc nào đó, khi giới hạn dành cho việc đèn đỏ quá nhiều sẽ là sự bùng nổ hay những lần không kiềm chế cảm xúc được của con, và rồi, bạn lại đổ lỗi cho sự nổi loạn, thậm chí còn mặc định nghĩ rằng đó là đặc trưng của trẻ tự kỷ. Không phải đâu, bạn nhầm rồi, chẳng đứa trẻ nào khi được hòa mình và kết nối sẽ như vậy cả.
“Tai nạn” chính là bùng nổ.
“Bị phạt tiền” chính là thời gian mà bạn phải bỏ ra, sẽ gấp nhiều lần thời gian bạn dành cho việc hòa mình và kết nối.
“Trở nên vô ý thức” chính là mất đi sự kết nối.
Hãy trân quý những lúc đèn đỏ. Chẳng phải trong dòng đời tấp nập và xô bồ, bạn cũng cần phải nghỉ ngơi ư? Từ lúc nào đèn đỏ lại khiến cho bạn vội vã như vậy?
– Gánh Xiếc Nhà Jù –