Trong Chương trình “Trị liệu chơi” mà tôi hướng dẫn cho các cha mẹ, tôi thích nhất phần nói về động lực. Không phải chỉ vì động lực rất quan trọng trong việc tạo ra các trò chơi để khuyến khích trẻ tương tác hay để giúp trẻ làm những việc chúng ta muốn trẻ làm. Động lực còn giúp cho chúng ta nhìn vào trẻ như những con người toàn diện và giúp trẻ có khả năng tự quyết.
Củ cà rốt và cây gậy
Có một kiểu tạo động lực mà tôi biết rất nhiều cha mẹ sử dụng với con. Đó là khi muốn con làm bài tập, làm việc nhà, làm các công việc chăm sóc bản thân như tắm, dọn phòng, đi ngủ đúng giờ, chơi với em… thì dùng các phần thưởng hoặc hình phạt hay nói như các nhà chuyên môn là CỦ CÀ RỐT và CÂY GẬY (carrot and stick). Chúng ta sẽ hỏi “tôi có thể cho hay lấy đi cái gì để thay đổi hành vi của con lúc này”, tức là kiểm soát con.
Điều kiện hoá (conditioning) cho chúng ta thấy con người cũng đã phản ứng với các phần thưởng và hình phạt. Bạn sẽ thưởng nếu bạn muốn nhìn thấy nhiều hành vi cụ thể nào đó hơn, và phạt nếu muốn nó giảm đi.
Động lực có từ đâu?
Tuy nhiên, ngày nay các cha mẹ, giáo viên và các nhà tâm lý dần dần nhận ra triết lý củ cà rốt và cây gậy có một số vấn đề. Rằng con người, đặc biệt là những người tự kỷ, không luôn đáp lại những ảnh hưởng bên ngoài theo như cách chúng ta chờ đợi.
Giả sử bạn bị một tai nạn và liệt nửa thân dưới, bạn sẽ không đi, chạy và nhảy được nữa. Bạn có buồn khổ không? Bạn có buồn khổ trong thời gian dài không?
Hay tưởng tượng hôm nay bạn trúng sổ số 10 tỷ đồng, bạn có hạnh phúc hơn rất nhiều không? Bạn có hạnh phúc trong thời gian dài không?
Một nghiên cứu năm 1978 đã cho thấy chưa đầy một năm sau khi trải qua những sự kiện như trên, cả những người trúng sổ số và những người bị liệt hầu hết đã trở lại mức độ hạnh phúc ban đầu của mình.
Con người rất giỏi thích ứng với hoàn cảnh, các thay đổi tích cực và tiêu cực đều sẽ trở thành “bình thường” sau một thời gian. Và khi chúng xảy ra, chúng sẽ không tác động mạnh đến cảm xúc hàng ngày của chúng ta nữa. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ phần thưởng hoặc hình phạt nào khi được sử dụng một cách thường xuyên và nhất quán để tạo động lực. Con bạn sẽ được thích nghi nhanh chóng và mất hiệu quả.
Chiến lược ĐƯỜNG ĐỎ
Travis – một người tự kỷ và là một trong những người điều hành Aspergerexperts.com, gọi cách tạo động lực này là chiến lược ĐƯỜNG ĐỎ. Mỗi cố gắng mới để tạo động lực sẽ tạo ra ít kết quả hơn. Và lâu dài sẽ đòi hỏi củ cà rốt phải ngọt hơn và cây gậy phải đáng sợ hơn để có thể duy trì được tác động lúc đầu. Là cha mẹ, trừ khi bạn có sức mạnh và nguồn lực vô hạn, chiến lược này đơn giản là sẽ không thể bền vững theo thời gian.
Và nếu những việc trẻ phải làm như vệ sinh thân thể hay việc nhà phải được thưởng, thì khi không có phần thưởng trẻ có muốn làm không?
Chiến lược đường đỏ có vẻ như tăng sự cố gắng, lòng nhiệt tình và sự nghe lời trong thời gian ngắn. Tuy nhiên việc dùng chúng sẽ tạo ra các hệ quả không mong muốn lâu dài rất khó thay đổi. Khi con người làm việc để đạt được một phần thưởng hay để tránh một hình phạt, bất kỳ khả năng có động lực bên trong nào đều sẽ bị mất đi. Phần thưởng, lời khen, hay các cảm giác ấm áp vui mừng không phải là xấu. Chúng thực ra có thể rất hay, nếu chúng không phải là lý do chính để làm việc đó.
Có một cách tạo động lực hay hơn nhiều, đó là chiến lược ĐƯỜNG XANH.
Chiến lược ĐƯỜNG XANH
Một điều làm tôi tự hào về đất nước mình trong những ngày Covid chính là những điểm cho gạo, thức ăn miễn phí khắp nơi. Tức là có rất nhiều người bỏ công sức và tiền bạc ra giúp người khác. Họ chẳng được phần thưởng nào cả, và cũng không ai phạt họ nếu họ không làm thế. Họ làm thế bởi vì họ có động lực muốn giúp đỡ người khác. Động lực này nằm sẵn trong con người họ.
Chính vì vậy có nhiều thứ khi nói về động lực chứ không phải chỉ củ cà rốt và cây gậy. Đó là chiến lược ĐƯỜNG XANH, một cách tạo động lực toàn diện.
ĐƯỜNG XANH tiếp cận mọi người và các tình huống từ lòng tin và tình yêu thương.
Với chiến lược này, cha mẹ tin rằng con có động lực làm những gì chúng ta muốn con làm. Chỉ là con có thể sợ, căng thẳng, thiếu kiến thức, hoặc chưa hiểu phải làm như thế nào. Chúng ta sẽ không cố gắng ép mọi thứ phải xảy ra. Hay kiểm soát con từ bên ngoài bằng củ cà rốt và cây gậy. Chúng ta sẽ hành động để giúp thúc đẩy động lực tự nhiên từ bên trong đã sẵn có của con.
Tuy nhiên đường xanh sẽ đòi hỏi những hy sinh. Chúng ta phải nỗ lực rất nhiều lúc đầu và sẽ chưa thấy kết quả trong một thời gian. Đây là quá trình tạo ĐỘNG LỰC BÊN TRONG. Nhưng nếu nhìn vào đường xanh, bạn sẽ thấy điểm bùng phát (tipping point) là điểm khi mà con có được động lực bên trong và con tự chọn nó cho mình). Khi đạt đến điểm này thì cả hệ thống sẽ hầu như là tự duy trì.
Các bạn có thấy đường xanh về cơ bản là ngược lại với đường đỏ không?
Cả hai đường đều đòi hỏi nỗ lực, tất nhiên rồi. Thế nhưng cái bẫy của đường đỏ là trông nó có vẻ dễ dàng lúc đầu. Thực ra Đường đỏ khó hơn đường xanh vì theo thời gian nó sẽ đòi hỏi nhiều công sức hơn nếu muốn giữ được kết quả như trước. Với đường xanh sẽ đến lúc cha mẹ có thể dừng lại và chứng kiến con tự quyết.
Để có thể thực hiện được chiến lược đường xanh, các bạn hãy dành thời gian cho con. Hãy lắng nghe sâu sắc, cho con những gì con cần, nói về những động lực của cá nhân con. Đó chính là kết nối để thúc đẩy động lực của con. Hãy tin rằng con sẽ có những quyết định tốt cho bản thân khi con sẵn sàng.
Đây là quá trình lâu dài và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực. Thế nhưng kết quả sẽ rất xứng đáng.
Nếu bạn muốn con dậy đúng giờ để đi học buổi sáng, bạn sẽ không hối lộ, không doạ nạt, hay lật đệm của con lên. Ngược lại bạn sẽ vào phòng con sớm hơn 15 phút để nói chuyện với con. Bạn lấy nước cho con, xoa lưng con, nghe con nói về những lo lắng của mình về trường học. Nói với con là bạn tin con có khả năng dậy đúng giờ. Bạn không nói dối đâu! Bạn không cần phải ép điều đó. Bạn chỉ cần loại bỏ một số cản trở và hướng dẫn con đến với động lực bên trong.
Khi chúng ta dùng chiến lược đường đỏ, chúng ta gián tiếp cho con thông điệp “Bố/mẹ không tin con có thể làm được. Bố/mẹ sẽ phải dùng phần thưởng hoặc hình phạt để con làm”. Còn với chiến lược đường xanh, con sẽ thấy chúng ta tin tưởng con. Rằng con là một con người toàn diện và có thể tự quyết.
Hãy tạo động lực cho con từ LÒNG TIN & TÌNH YÊU THƯƠNG!
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –
Đọc thêm bài viết của tác giả: Thuốc dành cho trẻ đặc biệt
2 thoughts on “Động lực đến từ lòng tin và yêu thương”