Bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn con học hỏi thật nhanh, hiểu biết được nhiều điều. Đặc biệt, cha mẹ có con tự kỷ lại luôn muốn xem thử con mình biết được những gì. Vì thế, họ thường đặt không biết bao nhiêu câu hỏi cho con tự kỷ của mình trong một ngày.
Màu gì đây? Có bao nhiêu quả bóng bay? Con muốn ăn gì? Con muốn mẹ cù lét không? Cái này tên gì? Mẹ hát cho con nghe nhé? Con muốn gì? Con muốn cái này phải không? Mẹ giả vờ làm con mèo nhé? Mèo kêu thế nào con?
Đặt câu hỏi là một cách chúng ta giao tiếp với mọi người hàng ngày. Các câu hỏi có thể có tác dụng nhưng chúng đang được dùng quá nhiều trong khi chúng ta làm việc với trẻ tự kỷ. Nó như là ta thử thách trẻ. Điều này có thể sẽ làm cho trẻ không muốn giao tiếp với chúng ta nữa.
Đây là một số điều nên xem xét khi chúng ta hỏi trẻ một câu hỏi:
TẠI SAO BẠN LẠI ĐẶT CÂU HỎI NÀY CHO TRẺ?
Vì bạn thật sự muốn biết câu trả lời hay vì đó là câu hỏi mà bạn muốn nhấn mạnh một điều gì đó. Ví dụ như “Mưa có ướt không?”, “Cá biết bơi phải không?”. Nếu thật sự câu hỏi như thế thì đừng hỏi con. Hãy làm những gì bạn định làm mà không cần phải thêm câu hỏi vào đó. Câu hỏi của bạn không cần thiết, nó lấy đi không gian và day trẻ rằng câu hỏi của bạn không phải để trẻ trả lời.
BẠN HỎI TRẺ CHỈ ĐỂ NGHE TRẺ NÓI NHỮNG GÌ BẠN BIẾT LÀ TRẺ ĐÃ BIẾT
Ví dụ khi bạn hỏi trẻ màu của một đồ vật chỉ để nghe trẻ nói màu của nó là gì. Nếu bạn biết trẻ đã biết điều này thì hỏi trẻ điều gì khác. Hãy hỏi điều gì thú vị hơn với trẻ mà không cần phải có câu hỏi đúng hay sai. Ví dụ bạn có thể hỏi trẻ nghĩ xem ai trong số người thân là người vui tính nhất.
BẠN HỎI TRẺ ĐỂ BẮT ĐẦU CÂU CHUYỆN
Đây là một cách bắt đầu, nhưng cũng có nhiều cách khác thú vị hơn và cho phép trẻ nói nhiều hơn. Thay bằng hỏi câu hỏi, hãy chia sẻ một câu chuyện, hay nhận xét hoặc suy nghĩ về một điều trẻ có thể quan tâm. Nếu trẻ thích khủng long, bạn có thể nói gì đó như sau:
“Nếu sống trong kỷ nguyên khủng long, mẹ đã làm một toa tàu bằng gỗ để chạy trên đầu khủng long để mẹ có thể ngồi trên đó đi bất cứ đâu mẹ thích.”
Sau đó dừng lại và xem trẻ có suy nghĩ gì bằng lời ngay lúc đó không. Bằng cách này bạn gây hứng thú cho trẻ tự giao tiếp các suy nghĩ và ý tưởng của mình về những gì bạn vừa nói. Điều này sẽ giúp trẻ không chỉ chia sẻ suy nghĩ của mình mà còn tự xây dựng các câu nói của mình.
BẠN ĐẶT CÂU HỎI ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT HOẠT ĐỘNG
Thay vì hỏi một câu hỏi để bắt đầu một hoạt động, hãy thực hiện điều đó ngay và quan sát phản ứng của con. Ví dụ thay bằng hỏi trẻ có muốn vẽ không, hãy lấy bút và giấy ra rồi bắt đầu vẽ, trẻ sẽ cho bạn biết là trẻ muốn vẽ với bạn hay không ngay.
HỎI NHƯNG LẠI KHÔNG HỎI
Có các cách mà bạn có thể hỏi trẻ câu hỏi mà KHÔNG CẦN PHẢI BẰNG GIỌNG NHƯ LÀ BẠN ĐANG THỬ TRẺ. Có thể bằng giọng bạn đang cho trẻ tham gia vào quyết định về việc bạn và trẻ sẽ tương tác như thế nào cùng nhau.
Ví dụ, thay vì nói “con muốn giấy màu gì? Bạn có thể nói “Cô có nhiều giấy màu ở đây, cô đang nghĩ là chúng ta sẽ dùng màu nào để vẽ trước?”
HÃY SUY NGHĨ VÀ THAY ĐỔI CÁCH BẠN KHUYẾN KHÍCH TRẺ GIAO TIẾP BẰNG LỜI NÓI VỚI BẠN!
– Kate Wilde –
– Gánh Xiếc biên dịch –