Nuôi dạy trẻ Asperger cần phải thấu hiểu và lưu ý đến những khó khăn mà trẻ gặp phải. 9 điều sau sẽ hỗ trợ cha mẹ trong việc nuôi dạy con một cách phù hợp.
Rối loạn Asperger là gì?
Asperger (AS) là một rối loạn thần kinh làm cho một người bị quá tải các giác quan, không thể kết nối xã hội, bạn bè và thu mình vào một thế giới riêng do mình tự tạo ra. Trước đây tự kỷ và AS bị phân biệt, nhưng DSM 5 đã quy định lại AS chính là dạng tự kỷ nhẹ.
Người AS bị quá tải do không xử lý được các kích thích tác động lên các giác quan của mình do vậy, họ luôn đóng mình và thường ở trong trạng thái phòng vệ (defense mode – DM). Khi ở trong trạng thái phòng vệ, người AS sẽ luôn luôn cảnh giác vì lo sợcái gì đó có thể sẽ tấn công mình từ một nơi nào đó.
Người AS có thể ở một trong hai trạng thái: trạng thái phòng vệ hoặc trạng thái kết nối. Nhưng người AS thường ở trong trạng thái phòng vệ, vì thế họ ít khi có thể kết nối được và thu mình vào thế giới của mình tự tạo ra. Người AS hay bị ám ảnh bởi một cái gì đó và họ tạo ra một thế giới của mình xung quanh nó. Vì cuộc sống bình thường có quá nhiều nỗi sợ, họ sẽ cực kỳ tập trung và chuyên tâm vào một thứ. Bạn sẽ thấy nhiều người sẽ rất giỏi về một chủ đề chuyên môn nào đó vì họ không thể kết nối xã hội.
1. Đây không phải là một vấn đề cá nhân
Trẻ Asperger muốn làm những gì tốt nhất cũng như mọi người khác. Không ai thức dậy buổi sáng và tự nhủ “tôi chắc chắn ngày hôm nay sẽ thật tệ, làm thế nào cho điều đó xảy ra đây”.
Vì vậy khi trẻ tấn công bạn (bằng cơ thể hay bằng lời nói) hoặc bằng cái gì khác, hãy nhớ rằng trẻ có những nỗi đau bên trong. Không phải trẻ làm thế vì muốn làm bạn khó chịu, trẻ làm thế vì đang đau khổ.
2. Hành vi có vấn đề là một lời kêu gọi được giúp đỡ
Mọi hành vi đều là một dạng giao tiếp. Nó giúp chúng ta cho người khác thấy cái gì đang xảy ra với cơ thể và trí não của mình. Ví dụ chúng ta cho người khác thấy mình yêu họ bằng các hành vi ôm ấp, hôn.
Trẻ AS cũng cho chúng ta biết cảm xúc của chúng thế nào qua việc thực hiện các hành vi. Khi hành vi có vấn đề xảy ra, đó là lời kêu gọi được giúp đỡ. Trẻ cảm thấy chúng không được người khác hiểu, chúng sợ, khó chịu và không biết phải xử lý thế nào.
Nhiệm vụ của bạn là nhìn phía sau hành vi, và nhận biết cái gì thật sự đang xảy ra, cái gì có thể là nguyên nhân của hành vi đó.
3. Giúp trẻ ra khỏi trạng thái phòng vệ (DM) sẽ làm cho mọi việc dễ dàng hơn nhiều.
DM giống như trạng thái khi bạn đi đâu đó với một túi gạch trên vai và bị bịt mắt. Về nguyên tắc bạn vẫn làm mọi việc như bình thường, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Nếu bạn làm cho một trẻ AS ra khỏi trạng thái phòng vệ, trẻ sẽ làm mọi việc hoặc học tập dễ hơn rất nhiều. Trẻ sẽ tiếp nhận mọi thứ và không né tránh.
4. Đừng chỉ tập trung vào dạy trẻ kỹ năng xã hội ngay, những vấn đề về cảm giác quan trọng hơn rất nhiều.
Nếu bạn chỉ tập trung vào dạy các kỹ năng nhận thức và xã hội, bạn sẽ bỏ qua phần hiệu quả nhất để giúp một trẻ AS.
Giúp trẻ AS hiểu được và nắm giữ được cảm xúc của mình, và đối phó với các cảm giác sẽ không chỉ làm cho cuộc sống của trẻ tốt lên mà còn giúp trẻ chuyển từ trạng thái “phòng vệ” sang “kết nối” để trẻ có thể học được các kỹ năng xã hội một cách tự nhiên.
5. Chẩn đoán không có ý nghĩa nhiều bằng cách giải quyết và sự giúp đỡ
Chẩn đoán sẽ mở các cánh cửa cho chúng ta đến với các thông tin. Thế nhưng việc xây dựng mối quan hệ yêu thương và tin cậy với trẻ còn quan trọng hơn rất nhiều.
6. Bạn sẽ làm gì?
Bạn không thể thay đổi tất cả mọi thứ. Và tất nhiên là bạn không thể giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc. Vì vậy bạn sẽ phải chọn làm gì trước để khỏi kiệt sức.
A: Các vấn đề liên quan đến an toàn, nhất định phải giải quyết
B: Các vấn đề không quá nghiêm trọng và có thể thoả hiệp
C: Các vấn đề không quan trọng
7. Hãy đeo mặt nạ cho bạn trước
Vì nếu bạn bị ngộp thở thì chẳng thể nào giúp được người khác.
Tự chăm sóc bản thân cũng quan trọng như nước và đồ ăn.
Ngoài việc thư giãn (có thể bằng cách thiền hàng ngày) và cho mình thời gian, tham gia một nhóm hỗ trợ như các phụ huynh có con AS chẳng hạn. Hãy nói chuyện thêm với những người hiểu về các vấn đề của mình.
8. Cha mẹ cũng cần thay đổi nhiều như trẻ: khi cha mẹ thay đổi, trẻ sẽ thay đổi.
9. Luôn hy vọng. Không bao giờ là muộn để bắt đầu.
Não của chúng ta sẽ có khả năng thay đổi và thích nghi. Trẻ AS luôn có thể học được các kỹ năng mới, các thói quen và niềm tin mới.
– Danny Raede – Người có Asperger đã trưởng thành
– Gánh Xiếc dịch –