Nếu gia đình bạn đang phải đương đầu với các hành vi bạo lực và thách thức của trẻ bị rối loạn phát triển, thì đây là một số thông tin cơ bản mang tính hướng dẫn dưới góc nhìn của một phụ huynh. Đây là điều được rút ra từ những gì tôi học được trong suốt 10 năm từ những hành vi vừa bạo lực, vừa thách thức của Toby – con trai tôi.
Tôi biết luôn có hy vọng vì Toby đã thành công trong việc thay đổi hành vi của mình. Và tương lai của Toby trở nên lạc quan hơn nhiều so với những gì tôi từng dám hy vọng. Phải mất một thời gian dài và rất nhiều công sức, nhưng chúng tôi đã làm được. Tôi rất tự hào về con. Nếu Toby làm được thì con bạn cũng vậy.
Đây có thể là nơi bạn bắt đầu…
1. Hành vi bạo lực và thách thức ở trẻ rối loạn phát triển
Khi một đứa trẻ bị rối loạn phát triển, hành vi bạo lực và thách thức là rất phổ biến. Khoảng 1/4 trẻ em được chẩn đoán tự kỷ hoặc khuyết tật học tập sẽ phát triển hành vi bạo lực và thách thức. Đây còn được gọi là VCB (Violent and Challenging Behavior). Trẻ có rối loạn phát triển khác như ADHD cũng có thể có những hành vi này
2. Sự thật về VBC
VCB ở những đứa trẻ này không phải do cha mẹ nuôi dạy không tốt. Đây không phải lỗi của bạn và cũng không phải lỗi của con bạn. Đây là một phần của tình trạng phát triển thần kinh. Tuy nhiên, với sự can thiệp và hỗ trợ đúng cách, trẻ có thể thay đổi hoàn toàn các hành vi của mình.
3. VCB có thể thể hiện theo nhiều cách khác nhau.
Đó có thể là các cuộc tấn công vật lý đối với cha mẹ, anh chị em hay người khác, bao gồm đấm, đá, đánh, giật tóc, cắn, ném đồ đạc hoặc sử dụng các vật dụng trong nhà làm vũ khí. Hành vi hoặc ngôn ngữ mang tính đe dọa, lăng mạ và các cuộc tấn công bằng lời khác. Đó cũng bao gồm việc phá hỏng tài sản và nhà cửa.
4. Nguyên nhân từ đâu?
Mặc dù trông giống như hành vi cực kỳ tồi tệ nhưng không phải vậy, VCB xuất phát từ sự lo lắng cực độ. VCB có thể bị kích hoạt do một số vấn đề liên quan đến sự khác biệt về xử lý cảm giác, khó khăn trong quá trình chuyển giao, trường học, khó khăn trong giao tiếp hoặc/và nhiều vấn đề khác.
5. Mỗi hành vi đều là một hình thức giao tiếp, VCB cũng không ngoại lệ
Các hành vi cũng thường có mục đích. Khi cư xử theo cách này, trẻ thường đang cố gắng nói với chúng ta điều gì đó. Chúng cũng có thể đang đáp ứng một trong những nhu cầu của mình. Tìm ra chính xác những gì trẻ đang cố gắng nói với chúng ta và tại sao trẻ làm điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu con và hành vi của chúng tốt hơn. Đó thường là chìa khóa để bắt đầu tìm cách xoay chuyển VCB. Tuy nhiên, không dễ để tìm ra nguyên nhân đằng sau hành vi của trẻ vì nó hiếm khi rõ ràng.
6. Có thay đổi hành vi bạo lực thách thức hay không?
Có, hành vi này có thể thay đổi được. Trẻ em có thể được hỗ trợ để phát triển các cách giao tiếp hiệu quả hơn và ít nguy hiểm hơn cũng như sẽ có các chiến lược có thể giúp trẻ đáp ứng nhu cầu của mình. Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.
7. Việc thay đổi hành vi là một cuộc hành trình
Tuy nhiên, có rất ít, nếu có, “cuộc điều trị chóng vánh” qua một đêm. Sự tiến bộ sẽ được đo lường bằng những bước nhỏ. Có thể sẽ có những khoảng thời gian mà các gia đình cảm thấy họ không đi đến đâu hoặc thậm chí thụt lùi. Hãy vững tin và tiếp tục hành trình.
8. Điều gì xảy ra bên trong khi con bùng nổ bạo lực?
Khi trẻ đang ở giữa một cơn bùng nổ bạo lực, điều đó có nghĩa là chúng đang chịu nỗi đau khổ lớn và chúng bị quá tải. Cơ chế “chạy trốn hoặc chống trả” của chúng được kích hoạt. Theo nghĩa đen, chúng đang chống trả lại hoặc trong một số trường hợp cố gắng chạy trốn. Bởi vì chúng cảm thấy sự sống của mình đang gặp nguy hiểm.
9. Cơ chế “chạy trốn chống trả” là gì?
Cơ chế “chạy trốn hoặc chống trả” là một phản ứng hoàn toàn bình thường đối với các nỗi sợ hãi, căng thẳng và lo lắng. Cơ chế này được phát triển để giúp chúng ta sống sót từ hàng nghìn năm trước. Khi ấy nguyên nhân chính gây ra sợ hãi, căng thẳng và lo lắng là đối mặt với kẻ thù hoặc các con thú săn mồi. Để sống sót, chúng ta phải chống trả để thoát khỏi khó khăn. Tức là giết kẻ thù để ngăn nó giết chúng ta, hoặc bỏ chạy nhanh hơn nó có thể theo kịp.
Mặc dù xã hội đã thay đổi đến nỗi những nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi, căng thẳng và lo lắng trong thế kỷ 21 hiếm khi cần phản ứng đó của cơ thể. Tuy nhiên. cơ thể con người vẫn được trang bị theo cách đó để phản ứng khi chúng ta cảm thấy bị áp lực.
10. Điều gì xảy ra khi kích hoạt cơ chế “chạy trốn chống trả”?
Khi cơ chế chống trả hoặc chạy trốn được kích hoạt, tất cả năng lượng của chúng ta đều tập trung vào sức mạnh cơ bắp. Đồng thời, bộ não sẽ ngừng hoạt động một phần để chúng ta có thể tập trung cho cơ thể. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ đang trong giai đoạn bùng nổ bạo lực sẽ khó truy cập vào phần não có khả năng phán đoán, kiểm soát các xung động, lắng nghe lý trí hoặc đáp lại các yêu cầu của chúng ta.
11. Một đứa trẻ phải trải qua cảm giác này như thế nào?
Trong trạng thái cảm xúc cường độ cao này, trẻ sẽ cực kỳ sợ hãi, rất bối rối và không thể xử lý các suy nghĩ hoặc ý tưởng một cách rõ ràng. Nếu trẻ nghe thấy cha mẹ la mắng chúng hoặc nếu trẻ nhận ra sự hoảng sợ, căng thẳng hay phán xét trong giọng nói của người khác, thì cảm giác nguy hiểm của chính chúng có thể tăng lên. Điều này có thể khiến cơn bùng nổ bạo lực trở nên leo thang.
Ở giai đoạn này, trẻ đã mất tự chủ và không thể đáp lại người khác một cách hợp lý. Mọi hướng dẫn bằng lời nói, yêu cầu hoặc thể hiện cảm xúc từ người khác sẽ chỉ khiến chúng thêm bối rối và có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
12. Phải làm gì khi con ở giữa cơn bùng nổ VBC?
Điều cần thiết là phải bình tĩnh, càng im lặng và càng không đe dọa càng tốt. Bây giờ không phải là lúc để cáu gắt và mắng mỏ trẻ. Thậm chí không được thể hiện cảm xúc của bạn. Điều này thật sự là một thách thức lớn bởi vì khi trẻ đang ở giữa một cơn bùng nổ bạo lực sẽ gây cảm xúc tiêu cực đối với mọi người xung quanh. Đặc biệt là với các thành viên trong gia đình.
Cần phải luyện tập và nỗ lực rất nhiều để giữ bình tĩnh nhưng đó có lẽ là điều quan trọng nhất cần làm khi đang ở giữa một cơn bùng nổ cực độ. Để có thể giữ bình tĩnh, sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể tăng cường nội lực và khả năng kiên cường của bản thân. Đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần của mình.
13. Cha mẹ chính là bến đỗ an toàn cho con lúc này
Trẻ trong cơn bùng nổ đã hoàn toàn mất kiểm soát và sợ hãi, bởi vậy bạn, cha mẹ của chúng chính là tảng đá an toàn của chúng. Nếu bạn có thể truyền cho trẻ cảm giác yên bình, vững chắc như đá, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm và bớt sợ hãi.
Tuy nhiên, nếu trẻ thấy bạn không đối phó tốt khi chúng đang bùng nổ, nỗi sợ hãi của chúng có thể tăng lên. Nhiều khả năng trẻ sẽ bị cuốn theo cảm xúc của bạn nếu bạn thể hiện sự sợ hãi bằng ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và hành động của mình. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy như bạn đang xác nhận rằng thế giới thực sự là một nơi rất bất ổn và không an toàn ngay lúc đó và có thể làm cho cơn bùng nổ tồi tệ hơn và kéo dài hơn.
Tôi biết rằng đó là một đòi hỏi lớn khi phải giả vờ rằng mọi thứ đều bình tĩnh và vui vẻ trong khi bạn có thể bị tấn công. Thế nhưng giọng nói bình tĩnh đặc biệt có thể thực sự giúp giảm cơn bùng nổ.
14. Giữ bình tĩnh trong cả giọng nói của bạn
Một phương pháp để giữ cho cảm xúc không thể hiện trong giọng nói của bạn là hát bất cứ điều gì bạn muốn. Ca hát gần như tự động giữ cho giọng nói của chúng ta trung tính và không có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi, phán xét. Chỉ cần hát các từ theo một giai điệu để trẻ biết rằng bạn đang ở đó, bạn hiểu và mọi việc sẽ ổn. Hát thật đơn giản, rõ ràng và tích cực. Ngoài ra, hãy cho trẻ thời gian để xử lý những từ đó trước khi lặp lại chúng hoặc nói điều gì đó khác.
15. Giữ cho không gian yên tĩnh
Cố gắng ngăn cản người khác nói chuyện trong phạm vi con bạn có thể nghe được trong lúc trẻ bùng nổ. Hiện tại, con bạn đang mất kiểm soát, hoàn toàn bị quá tải. Các giọng nói khác trong cùng một phòng có khả năng sẽ phản tác dụng.
16. Cho trẻ thời gian và không gian càng nhiều càng tốt
Việc cố gắng giữ người trẻ có thể làm tăng cảm giác sợ hãi, hoảng sợ và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, an toàn luôn là điều tối quan trọng. An toàn của trẻ, của chính bạn, anh chị em của chúng và bất kỳ ai khác xung quanh. Nếu có thể, hãy di chuyển những người khác đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt. Ví dụ như một căn phòng khác trong nhà, cho đến khi cơn bùng nổ kết thúc.
17. Quá tải giác quan cũng có thể là nguyên nhân gây VCB
Những nguyên nhân phổ biến nhất của bùng nổ là sự lo lắng tột độ có thể được kích hoạt bởi một số thứ, bao gồm cả quá tải giác quan. Nhiều rối loạn phát triển gây ra các vấn đề về xử lý cảm giác, do đó âm thanh, mùi, ánh sáng, xúc giác, v.v…từ đó có thể gây ra cảm giác khó khăn. Đôi khi đau đớn ở trẻ có thể tích tụ cho đến khi chúng không thể chịu đựng được nữa. Bạn có thể tìm ra vấn đề giác quan nào có nhiều khả năng gây ra khó khăn cho con bạn. Và hãy cố gắng thay đổi môi trường sống để làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với trẻ. Điều này có thể giải quyết được rất nhiều khó khăn.
Lý tưởng nhất là nhờ một Chuyên gia Trị liệu hoạt động đánh giá kỹ lưỡng và giúp trẻ điều hòa cảm giác. Nếu không thể làm điều đó, quan sát hành vi của trẻ cũng có thể cung cấp cho bạn manh mối về các khó khăn xử lý giác quan của chúng. Thường những sự điều chỉnh đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt lớn như tai nghe khử tiếng ồn hoặc bố trí không gian an toàn để trẻ rút lui khi mọi thứ bắt đầu trở nên quá tải.
18. Giảm quá tải giác quan cũng chính là giảm căng thẳng
Trong khi bùng nổ do các vấn đề có thể liên quan đến cảm giác, việc giảm ánh sáng và giảm tiếng ồn cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Hãy cố gắng giúp trẻ giảm mọi kích thích giác quan càng nhiều càng tốt, bao gồm cả xúc giác.
Nếu trẻ đang buồn hoặc đau khổ, bản năng của cha mẹ thường là an ủi chúng bằng cái chạm hoặc cái ôm. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng trong lúc hỗn loạn, sự động chạm này có thể làm dịu trẻ nhưng cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bởi cảm giác quá tải. Hãy thử và tìm những gì con bạn cần bạn giúp. Đồng thời hãy tỉnh táo và nhận thức được bất cứ điều gì có thể gây ra tình trạng quá tải về giác quan của trẻ cũng như những gì có thể làm giảm nó.
19. Các nguyên nhân khác của sự lo lắng tột độ có thể là các quá trình chuyển giao
Đó là khi trẻ được yêu cầu ngừng làm một nhiệm vụ để chuyển sang làm việc khác, ví như trẻ bị yêu cầu tắt ipad để ăn tối. Trẻ có rối loạn phát triển thường cần thời gian để xử lý sự thay đổi cũng như cần nhiều cảnh báo rằng một hoạt động sẽ cần sớm dừng lại. Trẻ có thể sẽ phản ứng rất tệ khi được yêu cầu dừng điều gì đó mà không có thông báo trước. Đồng hồ hẹn giờ có thể hữu ích. Thông báo cho trẻ biết rằng trong mười phút nữa sẽ đến giờ ăn tối. Sau đó trẻ được cho xem đồng hồ để thấy thời gian trôi qua một cách trực quan.
20. Việc sử dụng hình ảnh là một biện pháp hiệu quả
Hình ảnh có thể giúp ích rất nhiều cả khi đang trong cơn bùng nổ và trong cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh giúp trẻ hiểu hơn về tuần tự những hoạt động trong một ngày của chúng. Bảng “Bây giờ / Tiếp theo / Sau đó” có thể ứng dụng rất hiệu quả. Hầu hết chúng ta sử dụng thông tin trực quan để tăng cường hiểu biết, ví dụ, khi chúng ta nghe tin tức trên radio thường ít ảnh hưởng đến chúng ta hơn là xem cùng một mục tin tức trên TV. Trẻ của chúng ta cũng vậy. Hãy sử dụng hình ảnh để cho trẻ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
21. Một ví dụ thực tế cho việc sử dụng ipad
Nếu một đứa trẻ sắp phải ngừng chơi ipad để làm một việc khác, thì hình ảnh cũng là một cách rất tốt để cho trẻ biết khi nào chúng có thể tiếp tục sử dụng ipad. Có thể hữu ích khi tạo một chuỗi hình ảnh với “ipad” “bữa tối” “tắm” “ipad” “giờ đi ngủ”. Một số trẻ của chúng ta gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ khi chúng có thể không biết liệu chúng có được sử dụng lại ipad hay không. Hình ảnh có thể giúp trấn an trẻ rằng chúng sẽ có thể quay lại những gì chúng muốn làm sau đó.
22. Khiếm khuyết về giao tiếp
Khiếm khuyết về giao tiếp rất phổ biến ở trẻ có rối loạn phát triển. Điều này có thể rất khó để chúng ta, những người trưởng thành, nhận ra. Một đứa trẻ có thể có vốn từ vựng tốt và có thể diễn đạt, nhưng có thể không thể xử lý và hiểu được những gì người khác nói với chúng ở mức độ đó. Tuy nhiên, người lớn hay cho rằng trẻ đã hiểu mọi thứ một cách hoàn hảo.
Khiếm khuyết giao tiếp cũng có thể là nguyên nhân lớn gây ra lo lắng, sự thất vọng bởi vì trẻ không thể nói rõ ràng cảm giác của chúng và những gì chúng cần ngay lúc đó. Khi trẻ bắt đầu trở nên đau khổ, kỹ năng giao tiếp của chúng cũng có thể bị suy giảm nghiêm trọng hơn. Khi người lớn không nhận ra điều này, những khó khăn trong giao tiếp của trẻ có thể không được chú ý. Điều này có thể gây ra các giả định và hiểu lầm, rồi từ đó kết hợp lại và làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Sử dụng hình ảnh có thể giúp tăng cường hiểu biết ngay cả với những trẻ nói tốt nhất và cũng có thể giúp giảm bớt lo lắng. Tốt nhất nên cho rằng trẻ sẽ gặp khó khăn trong một số lĩnh vực giao tiếp và có sẵn hình ảnh để giúp trẻ giao tiếp.
23. Sự căng thẳng đến từ trường học
Trường học có thể là một nguồn gây lo lắng cho trẻ. Một tình trạng rất phổ biến mà cha mẹ thấy là khi trẻ đi học về thì bùng nổ bạo lực xảy ra rất nhanh. Nhiều người cho rằng trẻ vui vẻ ở trường vì chúng đã hành xử tốt cả ngày nhưng chắc chắn có điều gì đó không ổn ở nhà vì đó là nơi các hành vi đang xảy ra. Trong thực tế, điều xảy ra hoàn toàn ngược lại.
Nhà là nơi trẻ cảm thấy đủ an toàn để bộc lộ mọi cảm xúc của mình. Vì vậy chúng sẽ cố kìm nén mọi cảm xúc tiêu cực của mình và giữ bên trong cho đến khi về nhà mà không ai, ngoại trừ gia đình, có thể nhìn thấy. Nếu điều này giống như con của bạn, có thể là chúng đang “che đậy” những khó khăn của chúng trong ngày ở trường học và những lúc khác. Dùng mặt nạ là một cơ chế đối phó được nhiều người tự kỷ nói đến mà trẻ sử dụng để che giấu những lo lắng và bất ổn nội tâm của mình.
24. Một suy nghĩ sai lầm
Một đứa trẻ dường như sẽ cố tình nhắm vào người chăm sóc chính của chúng, thường là người mẹ. Điều này sẽ khiến người mẹ vô cùng đau đớn và khó chịu đựng. Những người khác có thể cho rằng điều này chứng tỏ rằng người mẹ là người bằng cách nào đó đã gây ra hành vi của trẻ. Hoàn toàn sai lầm. Đó là bởi vì trẻ tin tưởng người gần gũi với chúng nhất nên chúng cũng thể hiện những hành vi tồi tệ nhất của mình.
25. Trẻ cần thấu hiểu và đồng cảm
Vì VCB không gây ra bởi sự không vâng lời hoặc hành vi ngỗ ngược, nên các chiến lược hành vi tiêu chuẩn được cha mẹ ở mọi nơi sử dụng sẽ không có tác dụng. Về cơ bản, trẻ đang kêu cứu trong tình trạng khó chịu tột cùng. Vì vậy trẻ cần được giúp đỡ và hỗ trợ hơn là bị phạt đứng ở góc tường. Điều này không phải do cha mẹ không đủ nghiêm khắc, hay cha mẹ quá mềm mỏng với con cái mà sâu sắc và phức tạp hơn nhiều. Trẻ cần cách tiếp cận đồng cảm hơn là phán xét.
26. Sử dụng nhật ký
Nếu con bạn đang có nhiều hành vi VCB, thật tốt nếu bạn có thể nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ thích hợp của các chuyên gia càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, thực tế là nhu cầu cho đến nay vượt xa nguồn cung. Đơn giản là không có đủ các chuyên gia được đào tạo để làm việc với mọi gia đình đang gặp phải vấn đề này. Hầu hết các gia đình không bao giờ nhận được bất kỳ sự trợ giúp từ chuyên gia nào và phải tự sắp xếp mọi thứ tốt nhất có thể.
Điều thực sự có thể hữu ích là bắt đầu ghi lại mọi tình huống về hành vi khó khăn của trẻ vào một cuốn nhật ký. Ghi lại những gì xảy ra, thời gian, ngày, những gì diễn ra ngay trước đó và bất kỳ điều gì khác có liên quan cũng có thể hữu ích cho bạn. Vì bạn sẽ sớm biết được liệu có tình huống nào xuất hiện mà bạn có thể không nhận thấy hay không, cũng như các hành vi có đang xấu đi hoặc trở nên tốt hơn theo một cách nào đó.
27. Trở thành một vị thám tử
Bạn có thể phải là thám tử hành vi của con. Mỗi khi trẻ có một cơn bùng nổ bạo lực, hãy coi đó là cơ hội để thu thập manh mối tiềm ẩn cho những gì đang tiềm ẩn sau hành vi của chúng. Hãy viết bất kỳ suy nghĩ nào bạn vào nhật ký. Đôi khi các tình huống lặp lại và nguyên nhân xuất hiện trong khoảng thời gian chỉ vài tuần. Điều này có thể cung cấp cho bạn một số chỉ dẫn về cách giúp con bạn.
28. Bạn không thể thay đổi hành vi của con bạn bằng cách bảo chúng thay đổi
Không ai trong chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi ở bất kỳ ai. Sự thay đổi thường cần phải đến từ bên trong. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi cách bạn làm và cách bạn nghĩ về những điều liên quan đến VCB. Điều đó có nghĩa là con bạn phản ứng hoàn toàn khác với cách hành động mới của bạn hoặc cách bạn nghĩ, từ đó chúng sẽ thay đổi hành vi của chính mình.
Lần đầu tiên khi nghe thấy điều này, tôi thấy khó chấp nhận vì cảm thấy mình bị đổ lỗi một lần nữa cho hành vi của Toby. Tôi cũng được cho rằng đó hoàn toàn là lỗi của tôi vì tôi đã làm sai. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng hoàn toàn không phải như vậy. Cách duy nhất để thay đổi hành vi của Toby là tôi thay đổi hành vi của mình trước. Vấn đề là nếu chúng ta tiếp tục làm những việc theo cách chúng ta vẫn luôn làm và chúng không hiệu quả, chúng ta sẽ nhận lại chính xác những kết quả không mong muốn bằng cách thực hiện mọi thứ theo cùng một cách.
Hãy thử các cách tiếp cận khác nhau.
Có thể lùi lại thay vì tiếp cận một đứa trẻ đang bùng nổ hoặc xem liệu việc bạn hoàn toàn yên lặng có tạo nên sự khác biệt không? Hướng trẻ sang thứ khác đôi khi cũng có tác dụng. Vì vậy bạn có thể thử làm điều gì đó hoàn toàn bất ngờ hoặc khác biệt. Hãy thử nghiệm những cách khác nhau, không chỉ khi cơn bùng nổ đang xảy ra mà còn vào những lúc khác. Và kết quả là bạn có thể thấy những phản ứng khác nhau và có thể tích cực hơn ở con bạn.
29. Hãy luôn tin tưởng con bạn
Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Bạn có thể giúp trẻ tìm ra con đường vượt qua hành vi này để tiến tới một tương lai lạc quan hơn nhiều. Hãy tin tưởng trẻ có thể bày tỏ nỗi sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, thất vọng bằng một cách tích cực hơn nhiều.
Hãy tìm ra niềm đam mê và cố gắng tìm kiếm niềm vui bên trong con bạn. Tìm những mặt tích cực và ăn mừng chúng. Chúng vẫn ở đó, nhưng đôi khi VCB có thể khiến chúng khó tìm thấy hơn. Hãy đọc mọi thứ bạn có thể về các vấn đề xử lý giác quan. Hãy tìm hiểu cách sử dụng hình ảnh để hỗ trợ giao tiếp. Hãy cố gắng nhìn và trải nghiệm thế giới theo quan điểm của con bạn. Hãy coi bạn là đối tác của con và là người bênh vực con khi chúng bùng nổ. Con cần sự hỗ trợ của bạn và cũng cần sự giúp đỡ của bạn trong việc tìm ra những cách tốt hơn và hiệu quả hơn để bày tỏ được nhu cầu của con.
30. Và luôn tin tưởng chính mình
Khi có con có hành vi như vậy, chúng ta thường tự trách bản thân. Chúng ta cảm thấy người khác đánh giá mình. Chúng ta cũng cảm thấy xấu hổ vì không thể ngăn chặn các cơn bùng nổ của con. Đây không phải là lỗi của bạn. Bạn đang làm một việc tuyệt vời. Bạn mạnh mẽ và kiên cường hơn bạn nghĩ. Và bạn sẽ vượt qua được điều này.
Hãy biết rằng bạn không đơn độc. Có hàng ngàn gia đình ở khắp mọi nơi đang trong tình trạng tương tự. Hãy nói về điều đó với những người bạn tin tưởng. Cố gắng tìm kiếm những gia đình khác đang ở hoàn cảnh tương tự, dù trên mạng hay ngoài đời. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp thiết thực từ bạn bè và gia đình, hãy xem liệu bạn có thể xây dựng một nhóm hỗ trợ nhỏ xung quanh bạn và con bạn không?
Hãy chăm sóc và đối xử tốt với bản thân bạn. Hãy dành chút thời gian yên tĩnh cho “tôi” bất cứ khi nào bạn có thể. Ngay cả khi bạn chỉ dành trong vài phút mỗi ngày. Đồng thời tìm một số cách để sạc lại pin cho bản thân để bạn có thêm năng lượng tiếp tục sau đó.
Tác giả//Yvonne Newbold
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa biên dịch –
One Reply on “Hành vi bạo lực và thách thức ở trẻ rối loạn phát triển”