Căng thẳng đến từ tiếng ồn
Người tự kỷ ngày nay đã dần được nhìn nhận như một sự khác biệt hơn là một rối loạn cần điều trị. Rất nhiều người tự kỷ cũng đã cảm thấy trân trọng bản thân trước sự khác biệt của họ. Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận rằng họ vẫn gặp nhiều thách thức do thế giới hiện đại đang được vận hành cho những người bình thường nên có thể gây cho họ nhiều căng thẳng. Một trong số các nguyên nhân của căng thẳng là TIẾNG ỒN.
Nguyên nhân rối loạn giác quan
Người tự kỷ xử lý thông tin khác với người bình thường. Một trong các triệu chứng là sự nhạy cảm với âm thanh. Rất nhiều người tự kỷ có rối loạn xử lý giác quan. Nghĩa là thông tin nhận biết được bởi các giác quan được xử lý khác mọi người. Điều đó tác động đến cách mà người đó cảm nhận môi trường, và thay đổi cách họ phản ứng với môi trường.
Đôi khi các tác động này cũng tốt cho người tự kỷ. Họ sẽ nhận biết các chuyển động và rất nhiều kiểu khuôn mẫu tốt hơn người bình thường rất nhiều. Trong các tình huống khác điều này sẽ làm cho họ bị mất tập trung, không thoải mái hoặc rất căng thẳng.
Thấu hiểu cho sự khác biệt
Tác động thực tế của tự kỷ lên các giác quan là khác nhau giữa những người tự kỷ. Một số người thiếu nhạy cảm, những người này chỉ phản ứng với các kích thích rất mạnh. Một tác động phổ biến hơn và đòi hỏi các chiến lược để đối phó là quá nhạy cảm.
Quá nhạy cảm với âm thanh có thể biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, một yếu tố chung là người tự kỷ nhận biết quá nhiều các âm thanh, kể cả những âm thanh rất nhỏ, so với những người bình thường trong cùng một môi trường.
Điều này sẽ gây ra những tác dụng sau:
• Các âm thanh có vẻ như sẽ bị phóng đại, bị méo mó, khó hiểu hoặc thậm chí gây đau đớn
• Các tạp âm nền sẽ không thể tránh được hoặc bỏ qua được, dẫn đến sự mất tập trung thường xuyên
• Các âm thanh rất nhỏ, ví dụ như những cuộc nói chuyện từ xa cũng dễ dàng có thể nghe thấy
Âm thanh bình thường nhưng không bình thường
Hầu hết mọi người không nhận thấy thế giới của chúng ta ầm ĩ đến mức nào. Vì chúng ta có thể lọc các âm thanh không liên quan đến mình. Chỉ đến khi âm thanh quá lớn và làm chúng ta không chịu được thì chúng ta mới tìm đến các giải pháp. Ví dụ như: rời khỏi quán bar ầm ĩ, hoặc lắp bộ phận lọc âm thanh để ngăn tiếng ồn. Sau đó, chúng ta sẽ thoải mái tiếp tục công việc của mình. Vì không gian đã trở nên tĩnh lặng.
Những âm thanh bình thường với mọi người cũng có thể là quá khó chịu hoặc đáng sợ đối với người tự kỷ. Điều đó là do chúng ta quen với việc phải đối phó với một mức độ âm thanh lớn. Một người tự kỷ nhạy cảm với âm thanh sẽ rất khó khăn khi phải đối phó với những âm thanh “bình thường”. Các âm thanh “bình thường” như tiếng ồn giao thông từ xa, tiếng máy giặt, tiếng đồng hồ tích tắc. Thậm chí là tiếng “hum” phát ra từ các thiết bị điện tử cũng có thể là những tiếng ồn họ không thể nào bỏ qua.
Mọi âm thanh hỗn loạn trong cuộc sống
Tất cả những điều này có thể tác động rất lớn đến mọi mặt trong cuộc sống của họ. Người tự kỷ phải chịu đựng tiếng ồn không thể nào thư giãn. Thậm chí âm thanh gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Rất nhiều người tự kỷ có các rối loạn giấc ngủ vì họ luôn bị đánh thức bởi các âm thanh và họ càng không thể tập trung vào công việc.
Người tự kỷ cơ bản đã gặp thách thức trong tương tác với người khác. Điều này sẽ càng trở nên khó khăn hơn do rối loạn âm thanh vì họ khó có thể tách rời được âm thanh của cuộc nói chuyện khỏi các tiếng ồn khác, thậm chí cả các tiếng có vẻ như rất nhỏ.
Từ căng thẳng đến giải pháp
Rất nhiều hành vi của người tự kỷ giúp họ đối phó với sự nhạy cảm với âm thanh. Ví dụ trẻ luôn bịt tai thường để bảo vệ mình khỏi các tiếng ồn khó chịu hoặc làm chúng bị phân tâm. Trẻ tự phát ra âm thanh có thể đang cố gắng át đi các tiếng ồn nền. Các cách này có hiệu quả cho việc đối phó với sự nhạy cảm tiếng ồn. Tuy nhiên, lại dẫn đến những vấn đề khác thường là khiếm khuyết tương tác xã hội.
Các phương pháp để xử lý với sự nhạy cảm này bao gồm: tránh các tình huống có nhiều tiếng ồn lớn hoặc khó chịu. Ví dụ tránh tiệc tùng hoặc đến các chỗ đông người, nơi có thể làm trẻ quá tải. Xây nhà chống ồn hoặc thậm chí chuyển nhà đến nơi yên tĩnh có thể tránh được tiếng ồn giao thông.
Điều không may là không có một cách khả thi nào để loại bỏ được tiếng ồn nền. Cuộc sống hiện đại lại có rất nhiều tiếng ồn nền (background noise). Thế nhưng có thể giảm bớt bằng cách đơn giản là cho họ một cách để chặn tiếng ồn đó.
Tai nghe cho người tự kỷ
Các tổ chức như Hội tự kỷ quốc gia Anh đã đề nghị việc sử dụng cái bịt tai hoặc tai nghe cho người tự kỷ để chặn các âm thanh gây ra sự phân tâm. Nhưng nhiều người thấy rằng sử dụng các tai nghe huỷ tiếng ồn là một giải pháp tốt hơn.
Tai nghe huỷ tiếng ồn được phát triển vào những năm 1950 cho ngành công nghiệp hàng không. Nó để đối phó với tiếng ồn của động cơ, tiếng rung, đặc biệt là của máy bay trực thăng. Âm thanh này làm cho phi công rất khó nghe các tin nhắn qua đài và liên lạc trực tuyến.
Sau đó tai nghe này được áp dụng cho những người yêu nhạc. Họ có thể nghe nhạc mà không bị ảnh hưởng bởi các âm thanh khác.
Hiện nay loại tai nghe này trở nên rất phổ biến và thông dụng. Chúng hoạt động bằng cơ chế dò các âm thanh đi vào và phát ra một tín hiệu ngược pha để huỷ âm thanh đó. Điều này có nghĩa là nhạc có thể chơi ở tốc độ thấp vì không cần phải át đi các tiếng ồn nền.
Tác dụng tuyệt vời của tai nghe
Bằng việc khử hầu hết mọi tiếng ồn làm họ bị sao nhãng, người đeo tai nghe này coi như ngồi trong yên lặng mặc dù tiếng động cơ rất ồn và rất nhiều người khác gây ồn ào. Khả năng khử được các tiếng ồn- sẽ làm chúng tác dụng tốt với những người nhạy cảm.
Tai nghe có thể loại bỏ hầu hết các tiếng ồn nền và giảm những tiếng ồn còn lại đến mức chịu đựng được. Việc đeo tai nghe giúp họ tập trung được vào các nhiệm vụ mà bình thường có thể là khó hoặc không thể đối với họ.
Ngoài việc giúp người đeo, nó cũng giúp cả gia đình để họ có thể làm những gì họ muốn. Một đôi tai nghe tốt cũng có thể đeo trên giường vẫn dễ chịu. Nó có thể giúp người đeo ngủ ngon vì không bị tiếng ồn đánh thức.
Cái bịt tai trước đây được sử dụng cũng với các mục đích tương tự nhưng loại tai nghe khử tiếng ồn tác dụng lớn hơn nhiều vì chúng loại bỏ được hầu hết các tiếng ồn. Tai nghe này có thể được nối với máy nghe nhạc. Người đeo có thể nghe các âm thanh thư giãn hoặc thậm chí cả sách do người khác đọc (audiobook).
Quá tải âm thanh không phải là điều mới mẻ
Có rất nhiều trẻ tự kỷ phải chịu quá tải âm thanh. Gradin là một trong những người tự kỷ thành đạt nhất. Bà nói rằng đôi khi các âm thanh lớn và đến bất ngờ vẫn kích thích hệ thần kinh của bà. Nó làm cho bà rất sợ hãi, tim đập rất nhanh.
Khi nói đến nhạy cảm âm thanh, thuật ngữ “nhạy cảm” có thể sai và làm chúng ta nhầm nguyên nhân với hệ quả. Dona Williams, một người tự kỷ đã từng nói “Nguyên nhân gốc rễ của sự nhạy cảm cũng có thể không liên quan đến việc nhận biết tốc độ âm thanh hay pitch mà là kết quả của các vấn đề xử lý thông tin”.
Việc quá tải âm thanh là khác nhau ở mỗi cá nhân với mỗi âm thanh. Sự méo mó âm thanh có thể xảy ra nếu có quá nhiều tiếng ồn giống như các cuộc nói chuyện chen lẫn nhau hoặc có sự nhạy cảm với một số tần số âm thanh nhất định.
Vấn đề của quá nhiều âm thanh có thể được cải thiện bằng cách sử dụng các tai nghe khử tiếng ồn tích cực (active). Loại thiết kế cho các phi công để họ có thể nói chuyện được với nhau trên tiếng ồn của động cơ máy bay. Các tai nghe khử tiếng ồn tích cực chỉ giảm bớt một số tần số và các tiếng ồn nền. Một đứa trẻ đeo tai nghe đó có thể vẫn nghe người khác nói với mình.
Sự cứu rỗi từ chiếc tai nghe cho người tự kỷ
Kinh nghiệm của tôi khi sử dụng tai nghe cho người tự kỷ mang lại rất nhiều kết quả tốt. Một số học sinh không thể tập trung trong lớp học đã ổn định và tiếp thu tốt hơn hẳn khi đeo tai nghe.
Tôi đã chứng kiến một trường hợp khi có còi báo cháy, người đàn ông trẻ ngồi co ro trong một cái phòng đông người mặc áo trùm mũ, lấy ngón tay bịt hai tai lại. Rõ ràng là anh ta thấy đau đớn. Tôi đưa anh ta đôi tai nghe. Anh ta đứng dậy, bỏ mũ trùm ra, đi ra ngoài và quay lại với một nụ cười trên môi. “Bây giờ tôi có thể đến trường, trước đây tôi không thể chịu nổi tiếng ồn và mọi người” và anh này hiện đang kết thúc năm thứ nhất đại học. Anh đã không thể học được như thế nếu không có đôi tai nghe.
Các kích thích âm thanh dẫn đến nhiều khó khăn về xử lý. Các bằng chứng gần đây cho thấy việc can thiệp trực tiếp và nhanh nhất là dùng tai nghe cho người tự kỷ. Việc này cho phép trẻ chịu đựng được các tình huống xã hội và giảm bớt sự quá tải giác quan.
– Phoebe Caldwell –
*Bà Phoebe Caldwell dùng phương pháp Intensive Interaction giúp người tự kỷ trong 30 năm qua. Bà được nhà nước Anh thưởng huân chương về công tác xã hội.
– Gánh Xiếc dịch –