Chúng tôi nhớ cảm giác như thế nào khi bắt đầu làm quen với các trẻ Asperger hay còn gọi là “tự kỷ chức năng cao”. Đó là những cô/cậu bé có thể sử dụng ngôn ngữ rất tốt, thông minh và giàu trí tưởng tượng. Thậm chí ít người có thể nhận ra các bạn có Asperger cho đến khi ngồi nói chuyện một lúc. Sự kiểm soát, lặp đi lặp lại một chủ đề nào đó hoặc trẻ chỉ đặt câu hỏi quanh đi quẩn lại và muốn mọi người trả lời cứng nhắc theo. Đó chính là nét đặc trưng.
Có một số chuyên gia nước ngoài nói với chúng tôi rằng, làm việc với các trẻ Asperger cực kỳ thú vị, họ dường như không gặp bất cứ vấn đề gì.
Khi được trải nghiệm thật nhiều bằng tất cả những kiến thức mà chúng tôi được học, cộng với quan sát rất nhiều phụ huynh trong phòng chơi với con họ, chúng tôi biết rằng họ cũng đang mắc phải những sai lầm khi tiếp cận con một cách tương tự.
Nếu bạn là người mới bắt đầu làm việc với trẻ Asperger, chắc rằng bạn đã mắc phải những sai lầm này – hoặc nếu không, bạn sẽ sớm mắc phải chúng. Và một khi bắt đầu mắc phải những sai lầm này, nếu bạn chỉ chăm chăm làm theo một cách bản năng thì rất tốn thời gian. Tất nhiên, trừ khi bạn học được cách tránh những sai lầm này.
Vì vậy, hãy quên việc thử và sai. Thay vào đó, hãy học từ những sai lầm mà Gánh Xiếc đã từng mắc phải. Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc và cả giảm thiểu mỏi mệt nữa.
Sai lầm 1: Thay đổi chủ đề trẻ Asperger đang nói
Hầu như tất cả các phụ huynh đến Gánh Xiếc, những người muốn thay đổi hành vi của con họ cao hơn bao giờ hết đều mắc phải sai lầm này. Khi trẻ bắt đầu nói về một chủ đề mà hằng ngày họ phải nghe cả trăm lần, họ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Họ không biết trả lời như thế nào hoặc thấy thật vô nghĩa cho sự phát triển của con. Vì thế họ sẽ hướng con sang một câu chuyện khác.
Ví dụ, khi trẻ thích ô tô. Trẻ nói về ô tô, đọc về ô tô và có thể kể tên tất cả các loại ô tô được tạo ra trong vòng 100 năm trở lại đây. Điều thường xuyên xảy ra là mọi người thấy đã nghe quá đủ về ô tô và muốn chuyển sang chủ đề khác. Các bạn sẽ nói với con rằng: “Bây giờ không phải lúc nói về điều này. Hoàng không muốn nghe về ô tô lúc này đâu”. Hoặc “Hôm nay chúng ta nói về ô tô đủ rồi, con yêu. Sao con không nói cho mẹ nghe rằng con đã làm gì cùng mẹ ngày hôm qua”.
Cố gắng chuyển trẻ Asperger khỏi chủ đề con chọn sẽ dẫn đến kết quả ngược lại, thường làm con kiên quyết giữ chủ đề này hơn. Chúng tôi biết rằng mục đích cuối cùng là bạn muốn con nói khác đi và khiến con quan tâm đến điều mới khác. Thế nên bạn cố gắng chỉnh cho con.
Thay vào đó, bạn nên trở thành một người tham gia chủ động vào các sở thích của con.
Nếu con bạn thích nói về ô tô, thì việc của bạn là trở thành một người cuồng ô tô! Nếu con muốn cho bạn xem một bức tranh về ô tô, hãy nhìn vào tranh một cách say mê. Khi con nói về ô tô, hãy chăm chú lắng nghe con. Nếu con hỏi về ô tô, hãy trả lời câu hỏi của con. Hãy trả lời tốt nhất có thể theo hiểu biết của bạn. Nếu đây là lần thứ 15 bạn trả lời cùng một câu hỏi, quá tuyệt. Điều này có nghĩa bạn đã biết rõ câu trả lời và con rất thích điều này. Hãy trả lời con, dù cho bạn đưa ra câu trả lời y hệt với 14 lần trước đó.
Hãy dành một khoảng thời gian riêng để đọc về ô tô. Lần tới, khi con nói về chủ đề này, bạn có thể đóng góp kiến thức của mình. Và chắc rằng con sẽ cho phép bạn được nói về điều đó.
Chìa khóa ở đây là hãy tìm hiểu chủ đề/sở thích mà con rất yêu thích và khá cứng nhắc. Sau đó hòa mình cùng con bằng cách gia nhập theo cách tốt nhất bạn có thể, kể cả việc chỉ lắng nghe một cách thật chân thành.
Sai lầm 2: Kiểm soát trẻ Asperger
Hầu hết phụ huynh thậm chí không nhận ra rằng họ đang mắc phải sai lầm này cho đến khi con họ bùng nổ hoặc con có những dấu hiệu về sự cứng nhắc, không linh hoạt và không muốn giao tiếp với gia đình nhiều hơn.
Những người mắc chứng Asperger rất kiểm soát. Vì trẻ Asperger có thể có ngôn ngữ, có khả năng, nên bạn nghĩ rằng con sẽ “biết” không thể luôn có theo ý của con được. Nhưng đây không phải về việc con “biết”, mà là cảm giác của sự kiểm soát trong môi trường của con như thế nào. Chúng tôi tin rằng có rất nhiều cuộc chiến giành quyền kiểm soát không cần thiết đang xảy ra ở trong gia đình bạn.
Con muốn nằm ở ghế sofa, nhưng bạn luôn muốn con phải nằm ngủ ở trên giường, điều đó có ảnh hưởng gì không? Nếu con không muốn mặc bộ đồ màu đỏ đấy thì sao? Nếu con muốn ăn bún bằng muỗng (thìa) chứ không phải bằng đũa thì có ảnh hưởng gì không? Nếu con muốn mọi người phải im lặng tuyệt đối và không được bật Tivi to quá ngưỡng 5 thì sao?
Hãy trả lời thành thật rằng bạn và mọi người đã làm gì trong những trường hợp đó?
Bạn có thể tránh những điều này bằng cách hãy cho con tất cả những gì có thể trao để con có được quyển kiểm soát ngay chính tại ngôi nhà của bạn. Hãy cho con ngủ nơi con thích, được mặc bộ đồ mà con muốn, ăn đồ ăn bằng đồ vật yêu thích, cố gắng yên lặng và đừng bao giờ mở TV quá to khiến con khó chịu. Bạn thấy có khó không? Chúng tôi nghĩ là không quá khó lắm đâu.
Sai lầm 3: Trao cho con hình phạt khi con bùng nổ
Như chúng tôi đã nói ở trên, rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng con mình “biết” nên vô tình có thể đưa ra những cách tiêu cực. Thực tế thì chúng tôi cũng không khuyên cha mẹ làm cách này với trẻ bình thường. Đó là “phạt”.
Một vài trẻ Asperger sẽ bùng nổ theo cách thường thấy là khóc lóc, đấm đá và la hét. Nhưng có những trẻ sẽ bùng nổ bằng cách tức giận, chửi bới, nắm chặt tay thành nắm đấm, gọi tên của cha/mẹ mình và nói rằng: “Con ghét cha/mẹ!”, hoặc tìm một điều khác để chạm đến nút kích hoạt của cha mẹ.
Thường các cha mẹ mà chúng tôi trao đổi, sẽ đưa ra hình phạt “Con sẽ không được xem TV trong vòng 2 tuần tới với chương trình mà con yêu thích” hoặc “Ngày mai mẹ sẽ không giặt chiếc áo mà con thích nữa vì con nói con ghét mẹ”. Hãy nhớ rằng, bùng nổ là điều không mong muốn và dù ở cấp độ phức tạp nào, con bạn vẫn đang cố gắng truyền đạt những điều con muốn theo cách tốt nhất con có thể.
Ví dụ
Để đáp lại câu “Con ghét mẹ!”, bạn có thể nói “Được thôi, mẹ yêu con. Nhưng nói như vậy không giúp mẹ hiểu con và mẹ sẽ không đáp lại câu này. Mặc dù vậy, nếu con hỏi mẹ một cách lịch sự, mẹ sẵn lòng giúp những điều con muốn!”, nếu con nói “Con rất tức giận!”, bạn có thể nói “Con có thể tức giận. Nhưng con vẫn thấy ổn nếu không có thứ con muốn và tìm một thứ khác con hứng thú” hoặc “Khi bố không có được thứ mình muốn, bố sẽ tự nói rằng việc đó ổn thôi. Rồi bố tìm một thứ khác vui vẻ để làm”.
Nếu bạn thấy con đang quá tải cảm xúc, bạn có thể nói với con “Nếu con cảm thấy quá sức chịu đựng, con có thể nói “Con quá sức” và rời khỏi phòng. Điều đó bố nghĩ sẽ giúp con hơn nhiều đấy”.
Khi con thực sự giao tiếp đúng mực, ngay lập tức hãy cảm ơn và khuyến khích con. Hãy cố gắng làm mọi cách giúp con có được điều con muốn. Nếu đó là điều không thể thực hiện được, hãy gợi ý một việc thay thế, và làm rõ với con rằng bạn sẽ làm mọi cách để giúp con.
Nhớ rằng: Con vẫn ổn nếu như hơi cao giọng, kích động hay phản ứng… Con sẽ ổn thôi. Công việc của bạn là giúp con có thể tìm cách đương đầu và giao tiếp theo một cách khác.
Tóm lại…
Hãy tự cảm ơn chính mình vì đã chú ý đến bài viết này. Vì giờ bạn đã biết 3 sai lầm hàng đầu khi làm việc với trẻ Asperger và cách tránh chúng. Bạn sẽ trở thành một người bố, một người mẹ, một người bạn tuyệt vời với con mình.
Hãy nắm bắt kiến thức và sự tự tin mới mẻ này và bắt đầu ngay hôm nay!