Thần kinh phế vị đóng vai trò chỉ huy trung tâm của não bộ trong cuộc chiến chống lại căng thẳng, viêm nhiễm và nhiễm độc. Thần kinh phế vị giúp điều chỉnh phản ứng “chạy trốn hay chống trả”, tiêu hóa, giải độc, các yếu tố khác nhau của nhịp tim và huyết áp. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nó cũng điều chỉnh hệ thống miễn dịch của chúng ta. Đồng thời, cung cấp nền tảng tâm lý quyết định nhiều phản ứng cảm xúc như cho phép chúng ta đồng cảm, gắn bó, giao tiếp và kết nối với những người khác.
Thần kinh phế vị – Dây thần kinh lang thang
Phế vị là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể. Nó bắt đầu từ thân não, nằm gần đáy hộp sọ, và có các nhánh kéo dài khắp đầu và hai nhánh đi xuống mỗi bên cổ và kéo dài khắp cơ thể. Các cặp dây thần kinh phế vị bao gồm: dây thần kinh gửi và dây thần kinh nhận thông tin.
Dây thần kinh phế vị là một phần hệ thần kinh tự chủ. Nó có thể tự động điều chỉnh các chức năng mà chúng ta không kiểm soát được bằng tâm trí. Dây thần kinh phế vị hoạt động kém hoặc chậm phát triển hiện được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng của hội chứng tự kỷ.
Hệ thần kinh tự chủ
Hệ thần kinh tự chủ hoạt động độc lập với tâm trí của chúng ta. Nó kiểm soát các chức năng cần thiết để tồn tại. Hệ thần kinh tự chủ có hai thành phần: hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh phó giao cảm chịu trách nhiệm về sự kích thích xảy ra khi cơ thể nghỉ ngơi, đặc biệt là sau khi ăn bao gồm sự tiết nước bọt và tiêu hóa. Hệ thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm cho các hoạt động kích thích liên quan đến phản ứng chạy trốn hay chống trả các nguy hiểm mà ta nhận thức được.
Dây thần kinh phế vị vừa là một phần của hệ thần kinh phó giao cảm cũng vừa một phần ngăn cản phản ứng chạy trốn chống trả. Nó chứa 80 đến 90 phần trăm tế bào thần kinh cảm giác của cơ thể (còn gọi là tế bào thần kinh hướng tâm). Các tế bào này cung cấp thông tin cho hệ thống thần kinh trung ương từ các cơ quan và bộ phận khác của cơ thể.
Học thuyết Polyvagal (về chế độ tự động)
Tiến sĩ Stephen Porges đề xuất học thuyết Polyvagal để giải thích cách thức hoạt động của hệ thần kinh tự chủ. Nó bao gồm ba hệ thần kinh chồng chéo có thể kiểm soát độc lập các chức năng tự chủ.
Ông Porges xác định ba hệ thần kinh của chúng ta là:
Thần kinh phế vị có myelin
Khi không bị đe dọa, chúng ta sử dụng hệ thần kinh tiến hóa nhất của động vật có vú. Ông gọi đây là thần kinh phế vị có myelin. Hệ thần kinh này phát triển để ngăn cản các hệ thần kinh nguyên thủy hơn. Đồng thời cũng cho phép các động vật có vú chức năng cao hỗ trợ các hành vi xã hội. Hành vi xã hội bao gồm phân biệt bạn bè với kẻ thù, đánh giá xem môi trường có an toàn hay không và giao tiếp với một nhóm xã hội.
Dây thần kinh phế vị là một phần của hệ thần kinh phó giao cảm.
Hệ thần kinh giao cảm
Khi chúng ta ở trong một tình huống nguy hiểm mà hệ phó giao cảm không thể giải quyết, cơ thể sẽ tự động gạt nó ra và sử dụng hệ thần kinh giao cảm để kích hoạt các tuyến thượng thận để tiết ra hormone cortisol. Từ đó gây ra phản ứng chạy trốn chống trả cổ điển trước một tình huống đáng sợ.
Các thần kinh phế vị không có myelin
Nếu chúng ta không thể thoát khỏi mối đe dọa, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thần kinh nguyên thủy nhất. Lúc này Tiến sĩ Porges gọi là phế vị không myelin. Theo giả thuyết, phế vị không có myelin xuất phát từ tổ tiên của chúng ta là loài rùa. Nó khiến chúng ta thực sự bị tê liệt vì cảm thấy sợ hãi và có thể ngất xỉu, giống như đầu rùa và các chi co vào mai khi bị đe dọa.
Trong rối loạn xử lý cảm giác (SPD) như ở trẻ tự kỷ, dây thần kinh phế vị không đủ khoẻ để báo hiệu cho cơ thể thực hiện các chức năng tự chủ. Nếu nó không làm nhiệm vụ của mình, thì hệ thần kinh nguyên thủy hơn sẽ chiếm ưu thế. Từ đó dẫn đến phản ứng chạy trốn hoặc chống trả mãn tính của cơ thể. Điều này có nhiều hậu quả và có thể dẫn đến các triệu chứng, hành vi và các vấn đề sức khỏe thường liên quan đến SPD.
Đối với những loài động vật không có vú nguyên thủy hơn, chẳng hạn như loài bò sát, Tiến sĩ Porges cho rằng chúng không trải qua những cảm xúc như đồng cảm và yêu thương. Những cảm xúc này giúp động vật sống theo nhóm xã hội, chú ý đến các tín hiệu xã hội, giao tiếp, liên kết, làm việc cùng nhau và nuôi dạy con cái. Dây thần kinh phế vị cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để sống trong một nhóm xã hội. Nó cũng điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim và hoạt động tiêu hóa khi cơ thể ở trạng thái thư giãn.
Phát biểu của Nhà khoa học thần kinh Stephen Porges
Nếu bạn nghiên cứu về sang chấn, bạn sẽ nhận ra rằng những người bị sang chấn thường không thích ở những nơi công cộng vì tiếng ồn hoặc âm thanh làm phiền họ. Họ cũng gặp khó khăn lớn trong việc lọc giọng nói của con người từ các âm thanh nền. Đó cũng là điều tương tự với chứng tự kỷ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 60 phần trăm người tự kỷ có thính giác siêu nhạy và gây rất nhiều khó khăn cho họ.
Bạn cũng sẽ thấy điều tương tự ở những bệnh nhân trầm cảm và tâm thần phân liệt. Tất cả những rối loạn này đều là rối loạn điều hòa trạng thái cơ bản. Chúng bao gồm sự thiếu biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt và âm điệu trong giọng nói. Và chúng cũng biểu hiện ở một trạng thái tự chủ khác như nhịp tim cao hơn và ít hoạt động phế vị hơn.
Ảnh hưởng của thần kinh phế vị đến cơ thể
Trong đầu của chúng ta, dây thần kinh phế vị ảnh hưởng đến khả năng nghe. Nhánh nhĩ thất của phế vị tương tác với tai. Nhánh hầu cũng tương tác với tai, thanh quản và vòm miệng, mang thông tin cảm giác và vận động. Nó cũng kiểm soát cách mắt tập trung và quan sát người khác. Đồng thời, hoạt động cùng với các thụ thể oxytocin trong não, kích thích cảm giác gắn kết, hấp dẫn và tình yêu thương. Cơ phế vị điều chỉnh nhịp tim, giãn nở phổi và tiêu hóa. Thần kinh phế vị còn kích thích sản xuất các enzym và hormone tiêu hóa và chống căng thẳng (như acetylcholine, vasopressin và oxytocin). Điều thú vị là dây thần kinh phế vị sử dụng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine.
Dây thần kinh phế vị còn quản lý các quá trình phức tạp trong đường tiêu hóa bao gồm truyền tín hiệu cho các cơ trong dạ dày co bóp và đẩy thức ăn xuống ruột non và tiết ra các chất giúp tiêu hóa thức ăn đúng cách.
Sự kết nối với tiểu não và não trên
Các tín hiệu từ cơ thể con người được truyền từ các cơ quan thụ cảm ban đầu là các giác quan đến các rễ thần kinh cột sống và đến tủy sống. Tại đây chúng được phân phối đến phần dưới của não, được gọi là tiểu não. Những tín hiệu quan trọng này giúp phát triển phản ứng của não bộ với môi trường dựa trên thông tin mà chúng truyền đạt.
Hoạt động giữa các bộ phận của não bộ
Tiểu não điều phối chuyển động và kiểm soát tất cả các xung động, bao gồm cả suy nghĩ. Các tín hiệu được truyền đến vỏ não (lớp ngoài cùng của mô thần kinh ở người), làm tăng tần số truyền thông tin (firing), giữ cho não hoạt động và khỏe mạnh. Nếu không có các kích thích này, não sẽ mất khả năng chủ động kiểm soát các chức năng cơ bản, điều chỉnh mọi thứ từ việc thở đến đau đớn.
Thân não là nơi bắt nguồn của dây thần kinh phế vị. Nếu thân não bị khiếm khuyết sẽ gây ra nhiều triệu chứng rối loạn xử lý cảm giác. Khi vỏ não nhận không đủ thông tin đầu vào từ tiểu não, nó sẽ không thể kiểm soát đúng các chức năng của thân não. Khi dây thần kinh phế vị kém hoạt động, nó dẫn đến não giữa hoạt động quá mức không kiểm soát được. Từ đó tạo ra sự mất cân bằng trong chức năng thần kinh sọ não. Sự mất cân bằng này có thể gây ra biến dạng cảm giác như sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng), chóng mặt, áp lực tai trong và biến dạng âm thanh, các vấn đề về giấc ngủ, khó tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, đau và mệt mỏi toàn thân.
Các câu hỏi thường gặp
Tại sao những người tự kỷ thích xoay tròn?
Xoay tròn kích thích dây thần kinh phế vị, giúp điều chỉnh sự thăng bằng. Nó mang tính trị liệu và giúp người tự kỷ định hướng tốt hơn. Xoay có thể giúp hệ thăng bằng phát triển hơn. Đây là hệ giác quan chủ đạo của tất cả các giác quan khác trong cơ thể.
Tại sao những người tự kỷ lại vỗ tay?
Hoạt động này cũng kích thích và điều chỉnh dây thần kinh phế vị. Phản hồi giác quan mà chúng ta nhận được từ tứ chi giúp định hướng chúng ta trong không gian. Chúng ta biết có thể xác định vị trí của cơ thể và không gian xung quanh. Ở tự kỷ, những cá nhân không nhận đủ tín hiệu giác quan từ tứ chi gặp khó khăn với cảm giác nhận dạng và cách họ định hướng trong không gian. Đó là lý do tại sao các bà mẹ quấn chặt con mình trong chăn một cách trực giác. Vì khi hệ thần kinh phế vị chưa trưởng thành, gặp áp lực nhẹ sẽ giúp kích thích. Từ đó, kích hoạt giải phóng chất dẫn truyền thần kinh làm dịu, giúp trẻ thoải mái.
Tại sao những người tự kỷ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ và chậm phát triển ngôn ngữ?
Nghe thực sự là một hoạt động liên quan đến việc căng các cơ ở tai giữa. Cơ tai giữa được điều chỉnh bởi dây thần kinh mặt. Dây thần kinh này cũng điều chỉnh hoạt động nâng mí mắt. Khi bạn quan tâm đến những gì ai đó đang nói, bạn nâng mí mắt lên và đồng thời cơ tai giữa của bạn căng ra. Bây giờ bạn đã sẵn sàng để nghe giọng nói của họ, ngay cả trong môi trường ồn ào.
Ở một số người tự kỷ, cơ âm trong tai không đủ để chặn tiếng ồn xung quanh, khiến họ khó nghe và khó nhìn ai đó. Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng có sự chậm trễ trong quá trình xử lý thính giác ở một số người tự kỷ. Do đó khiến cho âm thanh và hình ảnh tiếp nhận có vẻ không đồng bộ, họ nghe không khớp với những gì họ nhìn thấy.
Tại sao những người tự kỷ gặp khó khăn khi giao tiếp mắt?
Hệ thần kinh kiểm soát ánh mắt tự phát bị tắt. Hệ tương tác xã hội mới hơn này chỉ có thể được thể hiện khi hệ thần kinh phát hiện ra môi trường là an toàn. Bạn không thể giao tiếp mắt trong chế độ chạy trốn hay chống trả.
Tại sao một số người tự kỷ nói với sự điều chỉnh giọng nói và phát âm khác thường?
Vì thần kinh phế vị giúp điều chỉnh thanh quản và các cơ dùng để nói.
Tại sao người tự kỷ thường thiếu biểu cảm trên khuôn mặt của họ, đặc biệt là từ mũi trở lên?
Vì dây thần kinh phế vị kích hoạt hoạt động ở các cơ mặt.
Tại sao trị liệu kết hợp thính giác giúp được nhiều người tự kỷ?
Trị liệu kết hợp thính giác kích thích dây thần kinh phế vị qua tai. Nó làm tăng trương lực cơ thường được kích thích trực tiếp qua dây thần kinh phế vị.
Điều gì giúp kích thích dây thần kinh phế vị hoạt động tối ưu hơn?
Các bài tập hít thở sâu, thiền. Hay tập thể dục nhịp điệu (đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy bộ), tập võ, khiêu vũ. Luyện tập tích hợp thính giác, liệu pháp nhịp tương tác, đánh trống. Liệu pháp oxy (oxy tăng áp), xoay tròn, xoa bóp xương sọ và thần kinh cột sống điều chỉnh. Các tương tác xã hội thoải mái, tích cực với những người thân thiện, những người thích người đó và người đó tin tưởng cũng giúp ích.
Tại sao một nửa số người tự kỷ cải thiện mức độ hoạt động khi họ bị sốt?
Cơ chế khiến một người bị sốt kích hoạt hệ thống trao đổi chất trong cơ thể mà bình thường được kích hoạt bởi dây thần kinh phế vị đầy đủ chức năng.
Tại sao hệ thống miễn dịch thường xuyên bị suy giảm ở những người tự kỷ, khiến họ dễ bị nhiễm trùng?
Dây thần kinh phế vị kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Tại sao những người tự kỷ thường có hàm lượng chất độc và kim loại nặng cao?
Dây thần kinh phế vị kích thích cơ thể giải độc.
Tại sao có sự thiếu hụt B-12 ở hầu hết các cá nhân trong phổ tự kỷ?
Dây thần kinh phế vị kích thích sản xuất yếu tố nội tại trong ruột non, yếu tố mà cơ thể cần để tạo ra B-12.
Hỗ trợ dinh dưỡng nào có thể giúp bảo vệ và sửa chữa dây thần kinh phế vị?
Virus có xu hướng kích hoạt khi tiếp xúc với lượng đường và carbohydrate quá mức. Thực phẩm và chất bổ sung hỗ trợ phục hồi thần kinh, chẳng hạn như dầu dừa và sữa dừa, lecithin hướng dương, phosphatidyl serine và choline, cũng có thể hữu ích.
Tôi có thể làm gì để xoa dịu hệ thống dây thần kinh giao cảm hoạt động quá mức? Điều này khiến con tôi luôn ở chế độ chạy trốn chống trả.
Giảm thiểu các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài. Cung cấp cho con một môi trường yên tĩnh, an toàn. Sử dụng sự hài hước để giải quyết các tình huống có thể gây căng thẳng. Ngoài ra còn có các chất bổ sung có thể làm giảm mức cortisol. Thực hiện các bước để xác định và loại bỏ cơ thể nhiễm trùng cũng sẽ giúp làm dịu hệ thống dây thần kinh phó giao cảm.
Tại sao thiền và các kỹ thuật thư giãn lại giúp ích?
Hít thở sâu sẽ kích thích các kết nối dây thần kinh phế vị trong vùng phổi. Vì vậy, ví dụ, nếu bạn thường xuyên hít thở sâu bằng mũi và mở rộng phổi, sau đó giữ hơi thở trong hai giây và thở ra bằng miệng, bạn có thể hạ huyết áp ngay lập tức.
Dây thần kinh phế vị tạo ra sự bình tĩnh và cảm giác hạnh phúc. Nó đối lập với phản ứng chạy trốn chống trả. Sức khoẻ của thần kinh phế vị được đo bằng cách theo dõi nhịp tim tăng và chậm lại trong quá trình thở. Thần kinh phế vị khoẻ kích thích cảm giác xã hội tốt hơn, do đó kích thích phế vị tốt hơn. Trong một nghiên cứu, những người ngồi thiền đã tăng độ khoẻ của thần kinh phế vị sau chín tuần, điều này tương quan với cảm xúc tích cực.
Có những liệu pháp chính thống nào đang được phát triển để cải thiện chức năng của dây thần kinh phế vị?
Các công ty dược phẩm hiện đang đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu trong lĩnh vực này. Họ đề ra mục tiêu phát triển cả thuốc và thiết bị giúp kích thích dây thần kinh phế vị. Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) hiện được sử dụng để giảm co giật bằng dược lý trong bệnh động kinh. Từ đó có thể cải thiện khả năng nhận thức thần kinh ở những người mắc chứng tự kỷ, cũng như giảm bớt trầm cảm ở những người mắc chứng trầm cảm không thể điều trị được. Liệu pháp này là một giải pháp phẫu thuật. Một thiết bị được cấy vào cơ thể để liên tục kích thích dây thần kinh phế vị.
Trên tạp chí Epilepsy Behavior, nhà nghiên cứu Y.D. Park đã báo cáo một nghiên cứu với 59 bệnh nhân tự kỷ và sáu người mắc hội chứng Landau-Kleffner (chứng mất ngôn ngữ do động kinh). Kết quả cho thấy đều có sự cải thiện trong tất cả các khía cạnh về chất lượng cuộc sống được theo dõi, đặc biệt là sự tỉnh táo (76% sau 12 tháng). Nhưng cần phải có các nghiên cứu dài hạn và được tiêu chuẩn hóa tốt hơn để đánh giá kết quả tốt hơn.
Cá nhân tôi không khuyến nghị phẫu thuật xâm lấn hệ thần kinh nhưng việc kích thích phế vị cho thấy nhiều điều hứa hẹn.
Tác giả//Susan Bennett
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa biên dịch –
One Reply on “Ảnh hưởng của thần kinh phế vị đến mọi mặt của cuộc sống”