Nếu bạn đã từng muốn con mình có thể dùng lời nói để đưa ra yêu cầu, thì bạn đang đọc bài viết phù hợp. Phương pháp 3 bước dễ dàng của Gánh Xiếc sẽ giúp con nói thuần thục khi giao tiếp. Và tin tốt là phương pháp này hoạt động ngay cả khi bạn không phải là một chuyên gia về lĩnh vực này như các tư vấn viên của chúng tôi. Cùng tìm hiểu thêm nhé!
Bước 1: Trước khi giúp con nói, hãy tập cách lắng nghe
Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi rằng họ biết con họ có thể hiểu hết tất cả những gì họ nói. Tuy nhiên khi mời họ vào phòng chơi với con mình, chúng tôi nhận ra họ lại nói quá nhiều. Điều này khiến họ không hề cho con một chút không gian nào để nói. Có nhiều người cố gắng để dạy con bằng cách nói thật nhiều mọi lúc cuối cùng lại thất bại. Bởi vì họ chỉ đơn giản là bỏ lỡ bước quan trọng này.
Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm là “lắng nghe”. Lắng nghe ở đây không phải chỉ đơn giản là nghe, mà là nghe một cách sâu sắc và chân thành. Bạn cần trân trọng những âm thanh mà con phát ra. Bạn nghe một cách chăm chú, không ngắt cuộc trò chuyện giữa con và bạn (nếu như con là một trẻ nói tốt). Và không phán xét bất cứ điều gì con nói.
Bạn sẽ thấy rằng bước này diễn ra suôn sẻ hơn nhiều nếu bạn áp dụng các mẹo và thủ thuật sau:
- Chọn một không gian yên tĩnh và cùng làm giống những gì mà trẻ làm nếu con đang ở trong trạng thái stims (có các hành vi lặp đi lặp lại)
- Đừng nói gì cả nếu như con đang im lặng
- Nếu con bạn là một trẻ nói tốt, khi con bạn kể đi kể lại về một chủ đề, hãy hào hứng lắng nghe con và đừng ngắt câu chuyện đó khi con chưa nói hết. Đừng sửa sai những chi tiết trong câu chuyện của con
- Khi con lặp đi lặp lại một câu hỏi, hãy trả lời như mới nghe câu hỏi đó lần đầu.
Khi bạn đã hoàn thành bước đầu tiên này, là bước “lắng nghe”, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 2: Đáp lại thật nhanh
Điều tiếp theo bạn cần làm là đáp lại thật nhanh và thật đầy năng lượng. Ở bước này, đa số các phụ huynh sẽ rất sung sướng khi con vừa nói với mình một điều gì đó để giao tiếp. Vì thế họ sẽ rất nóng lòng muốn giúp con nói nhiều hơn nữa. Thậm chí ép con nói ra bằng được rồi mới thực hiện điều con muốn.
Hiện nay ở các trung tâm chúng tôi vẫn thấy nhiều giáo viên dùng cách này. Chúng tôi cũng đã từng mắc sai lầm. Và bây giờ, với kinh nghiệm hơn 3 năm ở trong phòng chơi 1-1 với các bạn, chúng tôi chứng kiến rất nhiều phụ huynh có xu hướng mắc phải sai lầm này.
Vì vậy, hãy để Gánh Xiếc chia sẻ 3 sai lầm thường gặp và cách phòng tránh chúng:
- Không có năng lượng khi đáp lại điều mà con vừa nói. Có khá nhiều phụ huynh chia sẻ con phát ra được tiếng gì đó như “bố”. Nhưng họ nghĩ rằng đó là một từ bình thường và con phát ra một cách vô nghĩa. Trong khi đó lại là một từ thân thương con dành cho họ. Hãy lắng nghe như chúng tôi đã nói ở trên, và cảm ơn con vì đã gọi bạn. Hãy làm một điều gì đó thú vị. Ví dụ làm một chú hề bay nhảy trong không trung với niềm vui sướng đó. Hãy thật nhiều năng lượng để con biết được sức mạnh của lời nói là như thế nào.
- Con chỉ mới có tương tác rất rất ngắn với một từ đơn giản. Bố mẹ đã mời ngay con nói tiếp. Với tình huống này, chúng tôi chỉ cần bạn khen con “ồ, mẹ cảm ơn con đã nói đàn”. Sau đó hãy chạy lấy ngay cái đàn cho trẻ.
- Im lặng và không phản ứng gì hoặc cố tình làm khác đi. Đây lại là một sai lầm tệ hại hơn nếu như bạn không phản ứng gì với những gì con nói, hoặc cố làm khác đi. Ví dụ như con đã cầm tay bạn và chỉ lên giá sách, nói “bút” nhưng bạn đã không nói gì về điều đó. Bạn lấy bút, để trước mặt con. Rồi bạn giữ tay lại và bắt con nói “bút chì” hoặc “cho con bút chì” thì mới đưa cho. Điều này thật kinh khủng vì con đã cố gắng giao tiếp. Thế nhưng cuối cùng bạn muốn thử thách con, thậm chí còn bắt con phải nói dài câu hơn. Điều mà chúng tôi khuyến khích lúc này, là bạn lấy chiếc bút và đưa cho con thật nhanh. Hãy làm điều này một thái độ hồ hởi, vui sướng. Cuối cùng là cảm ơn con vì đã nói cho bạn biết điều đó.
Bước 3: Mời gọi sẽ giúp con nói một cách hào hứng
Khi con có tương tác đủ dài và sự vui vẻ, thoải mái của con ở cực đỉnh (ví như con rất muốn chơi nhiều hơn nữa), bạn có thể mời gọi con. Ở bước này, hãy mời con một cách đầy năng lượng và chân thành. Chúng tôi vẫn nhớ những lần đầu tiên khi thực hiện bước này. Phải cố gắng có được một âm thanh thật vui vẻ từ đứa trẻ khi cậu bé muốn chúng tôi ném bóng.
Chúng tôi đã nhảy cẫng lên, làm đủ trò khi tương tác của cậu bé bắt đầu kéo dài lên hơn một phút. “Con muốn cô ném bóng vào rổ, cô rất muốn nghe con nói “ném”. Chỉ cần con nói là cô sẽ ném ngay cho con. Cậu bé đã nhìn tư vấn viên của chúng tôi và nói “ném”.
Ôi mọi thứ như vỡ òa. Chúng tôi đã hét lên sung sướng, ném bóng vào rổ và lăn lộn trên sàn nhà. Cố gắng thể hiện sự hạnh phúc tột cùng khi cậu bé nói.
Chúng tôi đã xây dựng kết nối với cậu bé trong một thời gian bằng hai bước trên. Việc lắng nghe đã giúp cho chúng tôi xác định những lần cậu bé dùng lời nói để giao tiếp. Còn cậu thì có không gian để thể hiện lời nói của mình. Con cũng cảm thấy được sức mạnh của lời nói khi chúng tôi đáp lại con một cách nhanh chóng.
Đừng vội vàng, nếu việc mời gọi của bạn chưa được đáp ứng vào lúc này, đừng bỏ cuộc. Hãy chờ cơ hội mới!
Và bạn đã có nó – 3 bước đơn giản để giúp con mình sử dụng lời nói trong giao tiếp. Giờ bạn đã biết cách rồi đúng không nào, bạn chỉ còn một việc cần làm: hành động.
Hãy bắt đầu, và bạn cũng sẽ sớm được nghe những âm thanh tuyệt vời từ con!