Tăng động giảm chú ý có thật sự là nỗi muộn phiền
Sau một ngày dài với công việc, bạn được an yên trở về nhà. Đây là nơi duy nhất giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Nhưng không, sự mệt mỏi và căng thẳng trong bạn lại trỗi dậy và tăng lên gấp bội. Đó là khi đứa con tăng động giảm chú ý của bạn đang chạy nhảy khắp nhà và không ngừng làm tất cả các đồ đạc rối tung ngay trước mắt.
Bạn càng nói dừng lại, con càng chống đối và làm mạnh hơn. Không những chuyển động, đứa trẻ còn hét lên và thể hiện sự khó chịu khi bị mẹ mắng. Bạn cảm thấy từng câu nói của mình trở nên vô nghĩa và bất lực. Thậm chí lời nói sẽ trở thành mồi lửa cho những hành động của con kinh khủng hơn. Thôi xong, bạn còn có hàng đống việc nhà cần phải làm: nấu bữa tối, quần áo trong phòng chưa gấp, công việc còn dở dang. Và một việc quan trọng nữa là dạy con học bài. Chỉ cần nghĩ đến đây thôi, bạn bỗng thở dài, cảm giác như không còn chút sức lực để chiến đấu với đứa trẻ cứng đầu này nữa. Toàn bộ năng lượng của bạn như bị rút cạn.
Tại sao con không chịu ngồi yên một chỗ?
Tại sao con không ngăn nắp hơn được một chút?
Tại sao việc học lại khó khăn đến thế? Một phép tính cộng đơn giản mà sao mãi con không thể thuộc được?
Bạn thực sự muốn bỏ cuộc. Nhưng liệu bỏ cuộc có giúp cuộc sống của bạn đỡ căng thẳng hơn không? Hay là một loạt căng thẳng khác lại tới vì con bạn vẫn ở đó và sống cùng bạn? Thay vì đầu hàng, tôi có thể giúp bạn đương đầu với những khó khăn trên một cách cực kỳ dễ chịu. Hãy tin tôi đi, vì tôi là một người tăng động giảm chú ý, tôi có thể giúp bạn.
1. Học và dạy con cách tự điều chỉnh tăng động giảm chú ý
Điều này không chỉ quan trọng với con mà còn cho chính bạn. Tự điều chỉnh là nhận diện, theo dõi được trạng thái, cảm xúc bên trong mình và điều chỉnh nó. Khi làm được điều này, bạn hoàn toàn có thể dạy cho con bạn – đứa trẻ đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh cảm giác và cảm xúc.
Hãy cùng hình dung nhé! Khi về nhà và thấy cảnh tượng kia trước mắt, thay vì bạn quát mắng và thể hiện sự căng thẳng với con, bạn có thể dừng lại một nhịp, nhìn nhận vấn đề và bình tĩnh. Bạn có thể nằm xuống để nghỉ ngơi thật nhanh, tập vài động tác giãn cơ, thiền, hoặc đơn giản là hít thở sâu. Khả năng tự điều chỉnh là một kỹ năng mà tất cả chúng ta cần. Tuy nhiên, đó là một kỹ năng đòi hỏi phải thực hành.
Một khi bạn học được cách tự điều chỉnh, bạn có thể dạy kỹ năng này cho con. Riêng với con của bạn, điều chỉnh qua hệ thần kinh của người xung quanh thông qua tương tác là điều cực kỳ quan trọng. Con cần cảm nhận được một người an toàn, dễ chịu ngay bên cạnh con.
2. Tạo một nhịp điệu
Những đứa trẻ tăng động giảm chú ý luôn gặp khó khăn trong việc áng chừng thời gian. Chúng chỉ thỏa mãn và hạnh phúc với hiện tại mà không quan tâm mọi thứ trôi đi như thế nào. Chính vì thế chúng phải vật lộn với tình trạng thiếu thốn thời gian để làm bất cứ một việc nào đó. Đây thường là vấn đề suốt đời.
Vậy nên hãy bù đắp cho con bằng cách hỗ trợ chúng quản lý thời gian. Hãy tạo cho con một nhịp điệu trong cuộc sống hàng ngày. Giúp con xây dựng một thời gian biểu và có thể thấy được mọi nơi trong nhà một cách dễ dàng. Nhịp điệu đó bao gồm cả những kế hoạch. Hãy sử dụng những công cụ hữu ích để giúp con có khả năng lập kế hoạch. Hãy khen con khi con hoàn thành bất cứ một kế hoạch hay công việc cụ thể nào đó.
3. Chơi, chơi và chơi
Theo như tôi nói ở trên, việc điều chỉnh thông qua tương tác giữa người với người rất quan trọng đối với các trẻ tăng động giảm chú ý. Tương tác này sẽ tuyệt vời hơn thông qua hoạt động chơi. Tôi tin chắc rằng con bạn rất thích chơi với bố mẹ chúng. Bằng mọi giá, hãy dành thời gian cùng con, ở một nơi yên tĩnh và không có sự quá tải khiến con bị sao nhãng. Chơi với con những trò chơi mà con thích và cho con dẫn dắt. Đó chính là động lực và tiền đềgiúp con phát triển các kỹ năng. Đồng thời, điều này tạo nên sự kết nối vững chắc giữa con và bạn.
4. Cho con ngủ đủ và vận động thật nhiều
Đa số trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp rối loạn về giấc ngủ. Điều này ảnh hưởng đến cơ thể của con từ đó dẫn theo nhiều hệ quả khác. Hãy giúp con ngủ đủ bằng cách bổ sung các thực phẩm tốt cho giấc ngủ, lên thời gian biểu, mát-xa và mở các âm thanh nhẹ nhàng cũng như tạo những mùi hương dễ chịu xung quanh. Vận động thât nhiều cũng là một cách giúp cho giấc ngủ của con tốt. Đừng ngăn cản khi con chạy nhảy khắp nơi vì việc này đang giúp cho con tự điều chỉnh. Bản thân con đang gặp nhiều vấn đề về cảm thụ bản thể nên vận động là một cách cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên hãy tránh các vận động trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
5. Khen như chưa bao giờ khen
Trung bình một đứa trẻ ADHD nhận được nhiều hơn 20.000 lời phê bình so với trẻ bình thường trong 12 năm đầu đời. Vậy nên hãy khen con bất cứ khi nào có thể. Như khi con làm được một điều gì tốt, khi con nói được những câu nói hay, khi con biết giúp đỡ bạn hay đơn giản kể cả khi con có những hành động nhẹ nhàng với bạn. Tôi xin thề rằng những người ADHD rất thích được khen. Và từ đó họ có động lực để làm rất rất nhiều thứ!
Hãy nhìn lại thử xem, những gì tôi nói ở trên đều dễ đúng không? Cuối cùng thì chính bạn sẽ biến bạn trở thành người yêu thương bạn nhất. Chính bạn là người thay đổi bạn, rồi sẽ thay đổi được con bạn mà thôi. Tôi cá là bạn đang tò mò liệu ADHD có mất đi hay không, thì tôi chính là một ví dụ. Tôi vẫn gặp những khó khăn trong cuộc sống, ADHD và tôi là hai người bạn thân thiết. Tôi chỉ cần những người xung quanh có thể thông cảm và hiểu tôi, tôn trọng và chấp nhận đó như là một tính cách không thể tách rời. Đôi lúc tôi tự tìm ra động lực cho chính bản thân mình, nhưng đôi lúc tôi cần sự hỗ trợ cần thiết từ những người thân bên cạnh.
Biến Tăng động giảm chú ý thành món quà
Người ADHD có những thiên bẩm trời phú mà tôi nghĩ rằng bạn nên tự hào. Hãy thử ngồi nghĩ xem liệu con của bạn có tài năng nào mà bạn đã bỏ qua. Con bạn có thích nhảy múa như biên đạo múa ballet vĩ đại Gillian không? Hay như người đã làm ra những bức tranh kì diệu trên những chiếc lá? Hay như tôi? Tôi đoán là bạn không biết đam mê của tôi là gì đâu. Tôi yêu nhảy múa vô cùng tận. Đó là một món quà tuyệt vời mà tôi được ban tặng để điều chỉnh chính bản thân mình. Tôi thích cảm giác được hòa vào điệu nhảy, được là chính mình. Bước nhảy giúp tôi giải phóng toàn bộ cơ thể, như một loài cá được vùng vẫy dưới nước vậy.
Thật không khó để những điều trên trở thành hiện thực nếu bạn có một tình yêu vĩ đại và một niềm tin vững chắc vào con của mình. Tôi tin rằng không chỉ con bạn thay đổi, mà chính bạn sẽ yêu cuộc sống này hơn bội phần khi làm được những điều trên. Bạn sẽ cảm nhận được những gì tuyệt vời nhất mà người con yêu quý đầy tài năng của bạn đang mang đến cho bạn mỗi ngày.
– Bùi Thúy Hằng –
One Reply on “5 cách đối phó với trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD)”