Nổi điên là một trạng thái thường gặp của những người làm cha mẹ. Cụm từ này thường được nhắc tới trong những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với các phụ huynh (đặc biệt là các bà mẹ).
Đặc điểm nhận dạng của trạng thái này đó là đầu nóng bừng bừng, như muốn bốc hỏa; ngứa ran như có kiến bò khắp người; tức ngực, nghèn nghẹn ở cổ họng; quát thật lớn (hay còn gọi là khè ra lửa); bên cạnh đó là đập bàn, đá ghế… đồng thời chỉ muốn người trước mặt mình (chính là con) biến mất cho khuất mắt.
Nói một cách ngắn gọn, đó là sự tức giận đến mức có thể khiến cho con người bị phát điên!
Trạng thái này diễn ra khi con bạn làm một điều gì đó quá sức chịu đựng của bạn, trái ý bạn, hoặc đôi lúc chỉ đơn giản là có mỗi một việc mà dạy hoài không được. Ngày này qua ngày khác, tích tụ và bạn chỉ cần một mồi lửa nhỏ xíu là “bùm”.
Nhưng bạn biết không, con bạn cũng muốn “nổi điên” lắm đấy. Nhất là khi chúng bất lực không thể làm được một điều gì đó; khi chúng bị bố mẹ ép buộc nói, ăn, nhìn, phải như thế này, phải như thế kia; khi chúng cực kỳ khó chịu trong cơ thể bởi những âm thanh, hình ảnh hay mùi vị; hay chúng không được nhận lời khen nào mà chỉ toàn sự chê trách… Chúng cũng giống bạn, nhưng chúng tôi tin chắc rằng khi con “nổi điên” thì mức độ sẽ kinh khủng hơn bạn gấp vạn lần.
Chà, vậy chúng ta hãy thử phân tích một chút. Bạn có thể muốn con biến mất trước mắt bạn nhưng ngược lại, đứa trẻ lại không thể làm được điều đó với cha mẹ của chúng. Bạn được đập bàn, đá ghế hay có khi là đánh chúng, nhưng chúng thì không thể. Nếu làm điều ngược lại, bạn sẽ phạt hoặc phán xét con là một đứa trẻ không nghe lời.
Bạn có thấy bất công không?
Có rất nhiều phụ huynh sau khi cùng chúng tôi đồng hành trong chương trình tập huấn đã chia sẻ rằng: dạo này không nổi điên với con của họ, và đứa trẻ bỗng nhiên biết nghe lời, ngoan ngoãn và không làm những việc khiến họ nổi điên nữa. Điều này khá thú vị đấy chứ!
Đã đến lúc bạn nhìn lại tất cả những công bằng giữa bạn và con trong cuộc sống hàng ngày. Hơn hết cả, con cần một người bạn, một người nhẹ nhàng, thoải mái và bình tĩnh. Chỉ có tất cả những điều đó mới có thể khiến con cảm thấy an toàn và chính điều đó cũng sẽ giúp con không khiến bạn “nổi điên” nữa. Hãy thử đặt mình vào vị trí của con, xây dựng một mối quan hệ vững chắc và ôn hòa. Bạn sẽ thấy tuyệt vời hơn đấy.
-Gánh Xiếc viết-