Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi hành vi đều là một hình thức giao tiếp, đó không phải là thứ chúng ta cần tập trung vào, hành vi là các thông điệp cho chúng ta biết có một nhu cầu nào đó chưa được thoả mãn mà trẻ đang trải nghiệm.
Người lớn chúng ta luôn bận rộn để thay đổi các hành vi của trẻ, có rất nhiều các chương trình dạy cha mẹ quản lý hành vi của trẻ, thường là khuyên cha mẹ dùng phần thưởng hay hình phạt: nếu con bị điểm kém thì sẽ không được xem TV một tuần, nếu con dọn phòng thì cuối tuần sẽ được đi chơi…
Các nhà trị liệu tâm lý, các nhà giáo dục đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra một mô hình rất thú vị: hành vi của trẻ là một tảng băng.
Chúng ta thường tập trung vào những gì mình nhìn thấy, những hành vi của trẻ, bởi vì chúng ta không thích những hành vi đó, các hành vi đó làm cho chúng ta khó chịu, xấu hổ, thất vọng, giận dữ, sợ người khác phán xét, chính vì vậy chúng ta bị mắc kẹt ở phía trên của tảng băng. Nhưng các bạn thấy đấy, có cả một mảng rất lớn ở phía dưới mặt nước mà chúng ta không nhìn thấy nếu chúng ta chỉ đứng ở phía trên.
Khi chúng ta nói về thay đổi một hành vi cụ thể của trẻ, đặc biệt là trẻ tự kỷ, những người làm cha mẹ nên hỏi mình 3 câu hỏi:
Thứ nhất: con mình có đang an toàn không?
Trẻ tự kỷ thường cảm thấy không an toàn trong thế giới bình thường của chúng ta vì các lý do như quá tải giác quan, do các vấn đề về cơ thể, hoặc do cách mà mọi người tương tác với trẻ.
Nếu thật sự trẻ đang an toàn, bạn sẽ hỏi tiếp theo là hành vi đó có thật sự cần phải thay đổi hay không?
Trẻ tự kỷ thường có nhiều hành vi tự kích thích và các hành vi đó đem lại một trật tự cho trẻ trong một thế giới trẻ cảm thấy không thể kiểm soát được, giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Với những hành vi không gây hại cho trẻ hay người khác hay môi trường thì chúng ta nên để trẻ được thực hiện chúng.
Ví dụ, một đứa trẻ thường xuyên chà nước bọt lên tay của mình, và người mẹ cảm thấy khó chịu khi con làm hành động đó.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể nhắc con sau khi chà xong thì rửa tay để đảm bảo vệ sinh, hoặc nếu cha mẹ cho rằng việc trẻ chà nước bọt không tốt cho sức khoẻ thì có thể hướng trẻ sang chơi những trò chơi với sơn hoặc màu nước và cố gắng cho trẻ được dùng ngón tay để vẽ. Nếu trẻ thích bơi thì đó sẽ là một hoạt động tuyệt vời vì bơi sẽ đem lại cho trẻ nhiều các kích thích giác quan cần thiết cho việc điều chỉnh và được bơi thường xuyên sẽ giúp trẻ giảm bớt các hành vi tự kích thích.
Câu hỏi thứ ba là “tại sao trẻ lại thực hiện hành vi này”, trẻ đang muốn giao tiếp với chúng ta điều gì qua hành vi đó.
Nếu một đứa trẻ tự đánh vào miệng khi mẹ bảo đi học bài, đây có thể là hành vi trốn tránh nếu việc đánh làm mẹ thôi không bắt trẻ học bài nữa, tuy nhiên nhiều khả năng là việc mẹ bảo đi học bài gây ra căng thẳng cho trẻ, có thể vì trẻ biết bài quá khó so với khả năng của mình, hoặc trước đây việc học bài hay đi kèm với những cảm xúc bực bội khó chịu của những người lớn vì phải ép hoặc doạ nạt làm trẻ có phản xạ tự nhiên là sợ hãi, sợ hãi sẽ gây ra căng thẳng và trẻ sẽ đi vào trạng thái chống trả hoặc chạy trốn của hệ thần kinh với hành vi đánh vào miệng. Trong trường hợp này, hãy giảm thiểu căng thẳng cho trẻ bằng cách:
- Tìm hiểu xem trẻ có đang an toàn khi mẹ bảo đi học bài không?
- Nếu trẻ đang không an toàn có thể chuyển sang làm lúc khác được không?
- Bài mẹ yêu cầu trẻ làm có khó quá hay không? có thể chia nhỏ để làm nhiều lần được không?
- Đề nghị với trẻ là mẹ sẽ giúp con cùng làm
- Khi con làm được kể cả một phần bạn cũng khen con thật nhiều
- Khi giúp con làm bài, nếu thấy con bắt đầu căng thẳng, cho con nghỉ một vài phút rồi lại làm tiếp
Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi hành vi đều là một hình thức giao tiếp, đó không phải là thứ chúng ta cần tập trung vào, hành vi là các thông điệp cho chúng ta biết có một nhu cầu nào đó chưa được thoả mãn mà trẻ đang trải nghiệm. Khi bạn hiểu điều đó, bạn sẽ chuyển từ vị trí từ một người kỷ luật trẻ sang một vị trí của một nhà thám tử để tìm ra xem cái gì đang diễn ra phía dưới tảng băng và nếu bạn có thể thoả mãn được những nhu cầu mà hành vi đó đang cố gắng cảnh báo cho bạn thì trong rất nhiều trường hợp, hành vi đó sẽ tự biến mất, bạn sẽ không cần phải phạt, dọa nạt hay làm bất cứ điều gì với con bởi vì không còn lý do cho hành vi đó phải xảy ra nữa.
-Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa –