Đa số các phụ huynh có con tự kỷ sẽ không thích đến một nơi nào làm trị liệu mà họ chỉ thấy con được chơi, bởi họ vẫn luôn thắc mắc và lo lắng rằng “chỉ chơi không thì khi nào là thời điểm thích hợp để có thể dạy trẻ các kỹ năng cần thiết?” Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về lợi ích của việc chơi với trẻ.
Chơi là cách cho trẻ hiểu và thực hành giao tiếp xã hội
Trẻ nhỏ học cách hiểu và thực hành giao tiếp xã hội qua tương tác với người lớn và bạn bè hoàn toàn qua các HOẠT ĐỘNG CHƠI. Chơi chính là các cơ hội cho chúng ta giúp trẻ hiểu được cảm giác của mình, công nhận các cảm giác đó và nếu đó là các cảm giác tiêu cực thì giúp trẻ hướng sự thể hiện của chúng sang các hành vi dễ chấp nhận hơn nếu trẻ đang thực hiện các hành vi không phù hợp. Chơi là các cơ hội giúp trẻ hiểu được cần phải làm gì để giúp cho tương tác xã hội được trở thành các trải nghiệm thú vị.
Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều các cơ hội dạy trẻ kỹ năng xã hội qua chơi. Khi chúng ta chơi với con một trò chơi mà con tức giận vì không thể làm được một động tác nào đó, việc chúng ta giữ bình tĩnh để giúp con vượt qua khó khăn lúc đó chính là chúng ta đang làm mẫu cho con về sự tự điều chỉnh cảm xúc, đặc biệt là trong các trò chơi mà con THÍCH thì dần dần con sẽ học được cách tự điều chỉnh, một trong những khó khăn lớn nhất của các bé tự kỷ.
Chơi để tăng khả năng nhận thức
Trước đây chúng ta vẫn thường nghĩ rằng bộ não con người chỉ phát triển đến một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên khái niệm “độ dẻo của não” đã cho thấy rằng, não của con người có thể phát triển ở bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời.
Một trong những cách tốt nhất để kích thích phát triển trí não và củng cố những kỹ năng nhận thức như chú ý, suy luận, ghi nhớ những điều được học và trải nghiệm, kỹ năng vận động… là chơi với con của bạn khi chúng khám phá các đồ vật, không gian, học cách xử lý các tín hiệu và âm thanh.
Chơi định hướng cho trẻ cơ hội trau dồi kỹ năng ra quyết định. Chọn một trò chơi, tập trung vào hoạt động đó và theo đến cùng, là một yếu tố quan trọng của kiểm soát nhận thức và giúp nâng cao kỹ năng lập kế hoạch và kéo dài sự chú ý của trẻ.
Với các bạn tự kỷ chức năng cao hay bất cứ trẻ tự kỷ nói chung, khi phải đối mặt với một vấn đề trong khi chơi, điều này sẽ kiểm tra lý lẽ và phán đoán của chúng và khả năng tìm ra giải phá. Những câu đố, những câu nói khuyến khích mang tính thử thách hay các trò chơi giả vờ sẽ cũng cố kỹ năng tư duy cho trẻ.
Chơi là một cách thúc đẩy phát triển trí não!
Chơi để tăng khả năng tập trung tương tác
Thách thức lớn nhất của tự kỷ đó chính là tương tác – nền tảng của Giao tiếp xã hội. Chúng ta vẫn thường hay nhầm giữa tập trung và tập trung tương tác. Trẻ của chúng ta vẫn thường tập trung vào các trò chơi mà trẻ thích, và có thể làm việc đó một mình hàng ngày, hàng giờ như cắt giấy, xếp lego, xếp hình, xem TV… nhưng tập trung tương tác lại là khả năng tham gia hoạt động cùng với ai đó trong một khoảng thời gian nhất định. Trẻ phải có khả năng tập trung tương tác đủ lâu để có thể thực hiện được các hoạt động như học, nói, chơi, kết bạn. Nếu trẻ chỉ mới có thời gian tương tác một đến hai phút, thì trẻ cũng không làm được việc gì như giao tiếp, kết bạn, đọc được các giao tiếp xã hội.
Chơi chính là một cách chúng ta tăng khả năng tập trung tương tác của trẻ. Đó là khi trẻ nhìn – phản hồi thì ngay lập tức chúng ta sẽ chơi những gì mà trẻ thích, đó chính là động lực cho trẻ để kéo dài việc tương tác với chúng ta. Khi chơi, cùng với sự vui mừng, sự hứng thú, sự nhiệt tình, trẻ sẽ được thấy vô vàn cảm xúc trên khuôn mặt của chúng ta, biến chúng ta thành những người bạn cực kỳ vui vẻ của trẻ! Từ đó trẻ có thể thấy yêu việc kết nối với người khác, yêu việc đưa lại những dấu hiệu giao tiếp cho chúng ta và chúng cảm thấy thoải mái với điều đó. Tất cả mọi thứ mà chúng ta muốn dạy trẻ, đều có thể dựa trên những hoạt động chơi mà trẻ cực kỳ thích!
Chơi giúp cho trẻ sáng tạo và linh hoạt
Chơi là phương tiện cho trẻ em một cơ hội để trí tưởng tượng của chúng được phát huy và tạo ra những thế giới của riêng chúng mà chúng có quyền kiểm soát.
Dù là trò chơi giả tưởng hay các hoạt động nghệ thuật…, chơi giúp cho trẻ em tự do khám phá những khả năng mới và suy nghĩ bên ngoài khuôn mẫu để đưa ra những ý tưởng độc đáo cũng như giải pháp sáng tạo cho những thách thức mà chúng gặp phải.
Trẻ tự kỷ của chúng ta thường sẽ rất cứng nhắc bởi sự quá tải giác quan khiến cho các bạn luôn cảm thấy không an toàn, thiếu bất an nên sẽ phải kiểm soát. Đồng thời sự đòi hỏi của cha mẹ lại càng làm cho trẻ càng bị kiểm soát và càng như vậy thì sự thiếu linh hoạt, sự cứng nhắc lại càng tăng lên. Chơi theo sự dẫn dắt của trẻ, tức làm theo những gì mà trẻ muốn, để cho trẻ là người khởi xướng và chơi đúng theo cách của trẻ yêu cầu sẽ khiến cho trẻ cảm thấy được trao quyền kiểm soát. Điều đó sẽ làm cho trẻ càng ngày càng linh hoạt hơn, dám thử những sự thay đổi hơn.
Chơi giúp củng cố mối quan hệ, kết nối và gắn bó tình cảm gia đình
Cuộc sống hàng ngày đã khiến bạn quá bận rộn để có thể dành thời gian cùng con trong một hoạt động nào đó. Nhưng chúng ta đều biết rằng, trẻ tự kỷ của chúng ta luôn cần những người thấu hiểu chúng nhất, đồng hành cùng với chúng nhiều nhất, chính là cha mẹ. Không ép trẻ, không bắt con phải đặt được một mục tiêu nào đó một cách miễng cưỡng, hãy dành thời gian ngồi xuống và chơi cùng con, cùng xếp hình, cùng quay tròn, cùng chơi những trò chơi vận động mà con thích. Tất cả những điều đó sẽ xây dựng thêm, làm chắc chắn thêm sợi dây kết nối mà trẻ và cha mẹ đã sẵn có.
Thời gian mà trẻ và chúng ta bên nhau cũng là tăng thêm sự gắn bó trong gia đình, giữa các thành viên với nhau. Những căng thẳng, mệt nhọc trong một ngày bỗng nhiên sẽ biến mất nhờ những tiếng cười sảng khoái, những cái ôm ngọt ngào của con.
“Dạy” trẻ tự kỷ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là thời điểm nào. Hãy bắt đầu bằng chơi, để tạo sự kết nối, và khi con thật thoải mái, bình tĩnh, có sự tập trung tương tác với các mối quan hệ xung quanh, con sẽ có thể học được, theo cách mà con muốn.
– Bùi Thúy Hằng –