Đối với bất kỳ đứa trẻ nào, dù có tự kỷ hay không, giả sử bạn có thể tìm ra được các thế mạnh, mối quan tâm và những đặc điểm dễ làm trẻ tổn thương, rồi dùng những đặc điểm này để giúp trẻ cảm thấy an toàn, được chấp nhận, và có năng lực, thì trẻ sẽ phát triển sự tự tin và tài năng để phục vụ xã hội. Vì vậy, các cha mẹ, thầy cô giáo, các chuyên gia cần phải trả lời 3 câu hỏi đầu tiên sau đây khi nuôi dạy trẻ:
Điều gì sẽ giúp con tôi cảm thấy an toàn và yên tâm (safely and secure)?
Những căng thẳng liên quan đến giác quan, nhận thức, hay xã hội nào làm cho con tôi bị quá tải và cần được hỗ trợ? Con tôi cần gì để cảm thấy được an toàn về mặt thể chất, cảm xúc và xã hội? Trẻ không thể học cho tới khi cảm thấy an toàn về mặt thể chất và cảm xúc. Đây là nhu cầu nền tảng đối với mỗi con người. Bạn nên lập một danh sách những thứ cần tránh cho trẻ. Đồng thời, còn cần thêm một danh sách những thứ cần làm để giúp trẻ cảm thấy an toàn.
Điều gì giúp con tôi cảm thấy được chấp nhận và có giá trị (accepted and valued)?
Những người xung quanh con tôi có cư xử theo cách làm cho con cảm thấy được chấp nhận và có giá trị không? Kiểu tương tác nào sẽ giúp con tôi cảm thấy có người đồng hành và an toàn? Điều gì khiến con tôi có thể yên tâm ở bên cạnh người khác?
Con tôi thích nhất kiểu tương tác nhẹ nhàng, chậm rãi hay kiểu vui nhộn, cần nhiều năng lượng? Con thích được tiếp xúc cơ thể nhiều hay tránh mọi tiếp xúc cơ thể? Con thích kiểu tiếp cận trực tiếp với yêu cầu kiên quyết, hay thích kiểu được mời chào? Mỗi trẻ một khác, và để giúp mỗi trẻ cảm thấy được chấp nhận và có giá trị, chúng ta cần tìm cách tương tác phù hợp với cách tiếp nhận của trẻ.
Điều gì giúp con tôi cảm thấy mình có năng lực (competent)?
Những điểm mạnh, mối quan tâm và năng khiếu của con là gì? Chúng ta có thể sử dụng chúng như thế nào để xây dựng lòng tự tin và khả năng học tập cho con?
Khi dùng các thế mạnh và mối quan tâm trong các hoạt động học tập, mọi trẻ đều có thể học, phát triển, cảm thấy tự tin và thấy mình giỏi. Đúng, chúng ta cần dạy trẻ các kỹ năng mới và giúp trẻ cải thiện các điểm yếu. Tuy nhiên cần chú ý vào việc dùng mối quan tâm của trẻ để thực hiện các kỹ năng đó.
Cách này tạo ra động lực tự nhiên và lòng tự tin giúp trẻ phát triển.
Ba nguyên tắc trên là các nguyên tắc cơ bản nuôi dạy trẻ, kể cả với các trẻ có rối loạn hoặc khác biệt. Hãy giữ vững các nguyên tắc này! Chúng ta sẽ hỗ trợ và bồi dưỡng phát triển những tinh tuý nhất của trẻ.
CHÂN LÝ dành cho giáo viên và cha mẹ: Giúp trẻ cảm thấy an toàn và được chấp nhận, trẻ sẽ chú ý đến bạn. Giúp trẻ cảm thấy trẻ có năng lực, trẻ sẽ đi theo sự dẫn dắt của bạn.
Bill Nason – The Autism Discussion Page: on the core challenges of autism
– Gánh Xiếc dịch –
One Reply on “3 câu hỏi đơn giản dành cho bất kỳ cha mẹ hay giáo viên nào khi nuôi dạy trẻ”