“Vô giá trị”, “Bất lực”, “Đổ vỡ”, “Lạc lối”
“Xấu hổ”, “Thất bại”, “Vô vọng”, “Kiệt sức”
“Tuyệt vọng”, “Cô đơn”, “Hết sức”, “Vô dụng”
Đây chỉ là một số từ mà các cha mẹ đã sử dụng để mô tả cảm giác khi đứa con đặc biệt của họ thường xuyên làm đau họ ở nhà. Violent & Challenging Behaviour (viết tắt là VCB – Hành vi bạo lực thách thức) ở trẻ đặc biệt là điều mà hàng ngàn gia đình đang phải đương đầu sau các cánh cửa đóng kín, thường không có ai để nói vì đó là một vấn đề nhạy cảm.
Khi hành vi của con bạn không thể đoán trước, đáng sợ và xảy ra hàng ngày? Bạn biết trong thâm tâm rằng con bạn cũng không muốn làm điều này. Bạn biết rằng chúng đang rối loạn nội tâm đến mức không thể dừng những hành động của mình. Bạn khao khát muốn giúp nhưng không biết làm thế nào để bắt đầu.
Bạn biết rằng bằng cách nào đó bạn phải luôn mạnh mẽ nếu bạn muốn giúp con mình tìm ra cách vượt qua giai đoạn khó khăn của chúng. Thế nhưng làm sao bạn có thể mạnh mẽ khi cảm thấy như thế này?
Điều đó không dễ dàng, nhưng việc chăm sóc bản thân và tìm cách để bạn có được cảm giác khỏe mạnh về tinh thần là điều cần thiết. Dưới đây là một số ý tưởng về cách làm điều đó.
1. Hãy nhớ rằng đây không phải là lỗi của bạn.
Những hành vi này có lý do về mặt thần kinh. VCB không liên quan đến bất cứ điều gì bạn có thể đã làm hoặc có thể chưa làm về khía cạnh kỹ năng nuôi dạy con của bạn.
2. Đó cũng không phải là lỗi của con bạn
Chúng thực sự không thể kiểm soát những gì chúng đang làm khi bạo hành bạn, làm vỡ đồ vật hoặc làm đau bạn.
Bạn muốn bằng chứng rằng không phải lỗi nào trong số này là lỗi của bạn hoặc lỗi của con bạn? Các nghiên cứu chỉ ra rằng từ 10% đến 60% trẻ em bị khuyết tật học tập hoặc tự kỷ sẽ có các hành vi hung hăng.
3. “Cảm xúc mạnh” đang lấn át con bạn đằng sau tất cả những hành vi này
Khi con bạn nói rằng chúng ghét bạn và tệ hơn, chúng thực sự không nghĩ như vậy. Chúng đang rất khổ sở và không thể tìm ra từ ngữ nào để giải thích bản thân đang thực sự cảm thấy như thế nào. Vì vậy, chúng cố gắng sử dụng những từ ngữ khiến bạn cảm thấy tồi tệ giống như chúng lúc đó. Đó là cách chúng cố gắng chia sẻ với bạn về cảm giác đau khổ của chúng vào lúc này. Chúng đang truyền đạt những “Cảm xúc mạnh” mà đơn giản là chúng không thể chịu đựng được. Những cảm xúc này quá áp đảo, đáng sợ và mạnh mẽ. Những gì bạn đang nghe thực sự là nỗi đau của chúng.
Khi chúng ta quá tải và đau khổ, tất cả chúng ta đều phải vật lộn mới có thể giao tiếp một cách hiệu quả. Càng khó chịu, chúng ta càng khó tìm được từ phù hợp và truyền đạt chúng theo cách đúng đắn. Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ, có thể bị khiếm khuyết về giao tiếp, và sau đó hãy nghĩ rằng sẽ khó khăn như thế nào để chúng diễn đạt cảm xúc của mình một cách có ý nghĩa và bình tĩnh. Chúng không thực sự có ý đó. Chúng đang cố gắng truyền tải những cảm giác mạnh mẽ khủng khiếp đó cho bạn theo bất kỳ cách nào có thể.
4. Chỉ cần thật hiện diện ở hiện tại và vượt qua từng năm phút một
Khi bạn trải qua một ngày thực sự tồi tệ, sẽ tốt hơn nếu bạn có thể chia thời gian thành những khoảng năm phút một. Năm phút thì chắc bạn có thể làm được, chứ thừa nhận rằng bạn còn bảy tiếng rưỡi nữa cho đến giờ đi ngủ thì rất khó. Vì vậy, thay vào đó, hãy chia nhỏ một ngày thành nhiều khoảng thời gian dài 5 phút và đánh dấu chúng mỗi ngày. Hãy chúc mừng bản thân với mỗi năm phút bạn còn sống sót tương đối nguyên vẹn. Tất cả chúng ta đều có thể đối phó với năm phút kinh hoàng và hầu như thoát ra được. Vì vậy hãy tiếp tục, năm phút mỗi lần và bạn sẽ vượt qua dễ dàng hơn.
5. Hãy luôn biết rằng không phải con bạn đang hư, không vâng lời hoặc cư xử tồi tệ
Đây là cách chúng nói với bạn rằng con đang rất khổ sở. Chúng có những nhu cầu không được đáp ứng. Tất cả các hành vi đều là một hình thức giao tiếp. Chỉ là chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu con mình đang muốn nói gì với chúng ta.
6. Sự lo lắng thực sự luôn ẩn sau những hành động bùng nổ này
Tuy nhiên, lo lắng là từ không thực sự diễn tả đủ những gì chúng ta thấy. Khi chúng ta nghĩ đến sự lo lắng, chúng ta nghĩ đến một người nào đó hành xử một cách thụ động, thu mình, yên lặng, cắn móng tay, không phải kiểu lạm dụng và hung hăng mà VCB mang lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay thế từ “sợ hãi” cho “lo lắng” thì sẽ dễ dàng hiểu tình huống hơn vì thực chất nó là như vậy. VCB không phải là một cuộc tấn công vào chúng ta mà là một đứa trẻ la hét vì sợ hãi.
7. Chúng không đánh bạn, chúng đang chiến đấu vì sự sống còn của mình
Hệ thần kinh tự chủ được thiết kế thông minh để đối phó với loại sợ hãi tức thời và rất thực tế. Trong tình huống này, theo bản năng, con người có ba lựa chọn – chạy trốn, chống trả hoặc đóng băng. Ví dụ khi bị đe dọa bởi một con gấu xám lớn hoặc thứ gì đó tương tự cực kỳ nguy hiểm. Về cơ bản, để chống trả với từng chút sức lực cuối cùng, bỏ chạy nhanh như những gì chúng từng chạy trước đây, hoặc đóng băng và hy vọng rằng con gấu xám sẽ không nhận ra họ hoặc nghĩ rằng họ đã chết.
Hệ thần kinh tự chủ của chúng ta vẫn luôn hoạt động như thế. Chúng ta vẫn chạy trốn, chống trả hoặc đóng băng theo bản năng. Đó cũng là những gì chúng ta đang thấy ở con trong khoảnh khắc chúng dùng hết sức để tấn công. Chúng đang hành động theo bản năng bởi vì bị quá tải với những cảm giác mạnh và tiêu cực như sự sợ hãi. Trong trái tim của chúng vào những thời điểm đó, chúng không đánh bạn, chúng đang chiến đấu vì sự sống còn của mình.
8. Con tin tưởng và dựa vào bạn nhiều nhất
Bạn là cha mẹ của chúng. Chúng tin tưởng bạn hơn bất cứ ai. Tất nhiên bạn là người sẽ phải hứng chịu những lời lẽ lăng mạ và bị bầm dập vì chúng biết rằng bạn yêu chúng vô điều kiện. Chúng phụ thuộc vào bạn để giải quyết các vấn đề của mình. Khi chúng ta biết rằng tất cả hành vi là một hình thức giao tiếp, chúng sẽ nói to nhất với bạn dưới bất kỳ hình thức nào., chẳng hạn như bạo lực thể chất hoặc lạm dụng lời nói. Bạn có thể tin hay không cũng được nhưng chúng đang tập trung vào bạn vì chúng tin tưởng bạn và dựa vào bạn nhiều nhất.
9. Đừng hành động nghiêm khắc
Khi hành vi của trẻ gặp khó khăn, cha mẹ có thể cảm thấy rằng họ sẽ bị phán xét nếu họ không chuyển sang chế độ “cha mẹ nghiêm khắc”. Xã hội chờ đợi cha mẹ hét to hơn nếu con họ la hét, trừng phạt nếu trẻ cư xử sai, và không khoan nhượng nếu chúng thô lỗ. Không biện pháp nào trong số đó có tác dụng với trẻ đặc biệt có VCB. Trên thực tế, những việc đó có nhiều khả năng còn làm mọi thứ leo thang hơn nữa.
La hét hoặc nói với giọng gay gắt sẽ làm tăng cảm giác bị quá tải của trẻ đang có VCB. Việc thu hồi các đặc quyền như tịch thu ipad hoặc điện thoại di động sẽ chỉ khiến tình trạng đau khổ của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt nếu đây là những thứ giúp chúng tự điều chỉnh và cảm thấy an toàn trong một thế giới không phải lúc nào cũng có ý nghĩa với chúng.
10. Hãy trấn an con bằng sự bình tĩnh và an ủi
Khi trẻ của chúng ta đang vật lộn với những cảm xúc mạnh, chúng cần sự bình tĩnh, trấn an và an ủi. Vì vậy, cách tốt nhất là làm ngược lại những gì chúng ta được kỳ vọng sẽ làm. Hành vi VCB của trẻ đặc biệt không phải là thứ để trừng phạt hay khiển trách. Đây là cách trẻ nói với chúng ta rằng chúng đang không chịu đựng được.
Thay vì giận dữ, đôi khi sẽ hữu ích nếu chúng ta cố gắng làm ngược lại những gì xã hội mong đợi chúng ta làm. Vì vậy, khi trẻ la hét, sẽ tốt hơn nếu bạn càng bình tĩnh và nhẹ nhàng càng tốt. Nếu con bạn đang la hét, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tỏ ra nhẹ nhàng. Bạn không mềm yếu, bạn chỉ đang cư xử một cách phù hợp.
11. Ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của con
Hãy nhớ rằng con bạn không luôn luôn như thế cả ngày dài. Chúng có những khoảng thời gian vui vẻ và cũng có thể đáng yêu. Viết ra những khoảnh khắc đáng yêu để ghi lại và đọc vào những ngày này. Trẻ cần được giúp đỡ để hiểu được cảm xúc mạnh của mình và quản lý chúng, nhưng chúng không phải là người xấu .
12. Đừng tạo thêm áp lực cho con bằng cảm xúc mạnh của bản thân
Khi ở trong trạng thái này, chúng đã quá tải và quá tải với quá nhiều cảm xúc mạnh của riêng mình. Cố gắng đừng đem thêm những cảm xúc mạnh của bạn cho chúng vì chúng không thể quản lý nổi. Đôi khi cha mẹ nghĩ rằng nếu con họ thấy họ khóc hoặc khó chịu, điều đó có thể giúp trẻ hiểu rằng chúng đang làm tổn thương cha mẹ của chúng rất nặng và điều đó có thể giúp chúng dừng lại.
Điều này không xảy ra với trẻ đặc biệt có VCB. Vì đây không phải là một vấn đề hành vi xấu, mà là một vấn đề của sự lo lắng và trẻ không thể đừng được. Trong những thời điểm đó, chúng không thể giải quyết tất cả cảm xúc của riêng mình. Vì vậy việc thêm bạn vào nữa sẽ chỉ khiến chúng càng cảm thấy quá tải hơn. Đôi khi, việc nhìn thấy nỗi đau khổ của cha mẹ có thể khiến trẻ lo lắng hơn và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
13. Cố gắng giữ quan điểm và khoảng cách giữa bạn là ai và hành vi của con khiến bạn cảm thấy thế nào
Điều này rất khó, nhưng nếu bạn có thể làm được sẽ thực sự giúp bạn dù chỉ là đôi khi. Đừng chỉ vì con bạn bất hạnh một cách tuyệt vọng mà bạn phải bất hạnh. Cố gắng giữ quan điểm và khoảng cách giữa bạn là ai và hành vi của con khiến bạn cảm thấy thế nào. Tương tự như cách mà hành vi của trẻ không định nghĩa chúng, cũng đừng để nó định nghĩa bạn.
Hãy giữ vững niềm tin rằng mọi thứ sẽ không phải lúc nào cũng như thế này và thế kia. Theo thời gian và bạn bắt đầu hiểu ngày càng nhiều điều đằng sau hành vi của con, bạn sẽ có thể giúp chúng giảm lo lắng và giúp chúng học cách tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình thành công hơn.
14. Định nghĩa bản thân rõ ràng
Đọc mọi thứ mà bạn có thể tìm thấy về chủ đề này. Tham dự bất kỳ sự kiện, khóa đào tạo hoặc buổi nói chuyện nào thảo luận về chủ đề này một cách cởi mở. Vào cuối mỗi ngày, hãy đếm những lời chúc phúc của bạn. Tìm điều gì đó tốt đẹp trong ngày ở đâu đó, ngay cả như việc hôm nay trời đã không mưa khi bạn phơi đồ. Luôn luôn có một điều gì đó tốt đẹp, dù nhỏ. Tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ làm tất cả để không thể trở thành nạn nhân trong tất cả những điều này. Thay vào đó, hãy tin vào sự tháo vát và khả năng bền bỉ của bản thân.
Hãy mạnh mẽ hết mức có thể. Trẻ đang hướng tới bạn để tìm cách giải cứu chúng khỏi những cảm giác tồi tệ và giúp trẻ phát triển cách tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình cũng như đối phó tốt hơn với cuộc sống hàng ngày. Bạn nhất định sẽ làm được chỉ là bạn chưa biết cách thôi. Bạn sẽ giải cứu con bạn và cả gia đình bạn khỏi điều này.
15. Chăm sóc bản thân
Chăm sóc bản thân là điều cần thiết và bạn có thể thực hiện các chiến lược thư giãn ngắn một hoặc hai phút mỗi lần trong ngày. Bạn có thể đứng cạnh cửa trước hoặc cửa sổ đang mở và hít thở sâu ba lần. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang trút bỏ tất cả những căng thẳng và khó chịu. Tưởng tượng rằng bạn đang thở trong sức mạnh và sự bình tĩnh.
Điều này có thể giúp bạn theo hai cách. Thứ nhất, hít thở sâu mang nhiều oxy đến não giúp kỹ năng tư duy của bạn hoạt động hiệu quả hơn. Có nghĩa là khả năng giải quyết vấn đề của bạn sẽ được cải thiện gần như ngay lập tức. Hít thở sâu cũng có tác dụng làm dịu thể chất và giúp giảm lượng adrenaline chạy quanh cơ thể chúng ta khi cuộc sống trở nên căng thẳng.
16. Học cách lên tiếng và sẻ chia
Tìm một người mà bạn tin tưởng để tâm sự về hoàn cảnh gia đình của bạn và hành vi của con bạn. Điều này là quá lớn để giữ cho riêng mình, bạn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của người khác. Trong thời gian dài, nhiều gia đình đã cố gắng giữ kín và không nói cho ai biết. Đó là một phần lý do khiến có rất ít dịch vụ, rất ít chuyên gia trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục hoặc xã hội.
Sự im lặng duy trì sự kỳ thị, và cô lập tất cả gia đình của chúng ta. Công khai là cách duy nhất để chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết và sự can thiệp của chuyên gia dành cho con mình. Đó cũng là cách duy nhất chúng ta nhận được sự trợ giúp, thông tin và hỗ trợ mà chúng ta cần.
– Yvonne Newbold –
Tham khảo thêm bài viết cùng tác giả về Hành vi bạo lực thách thức
– Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa biên dịch –